Các thuốc điều trị bệnh tả

22-03-2024 10:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh tả lây nhiễm thường qua nguồn nước bị ô nhiễm hoặc từ động vật có vỏ. Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải và kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh tả.

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy nhiều nước, dẫn đến mất nước, thiểu niệu và trụy tuần hoàn.

1. Nguyên tắc điều trị bệnh tả

Bệnh tả là một bệnh cấp tính, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời với phác đồ điều trị đúng, phù hợp. Bệnh phải được điều trị ở cơ sở y tế dưới sự theo dõi của nhân viên y tế và cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng.

Nguyên tắc điều trị bệnh tả đầu tiên là phải bổ sung nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ để tránh nguy kịch, đồng thời sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn. Ngoài ra phải cách ly người bệnh tả với người lành để tránh lây bệnh, xử lý nguồn bệnh như nguồn nước ô nhiễm để tránh bệnh thành dịch.

Các thuốc điều trị bệnh tả- Ảnh 1.

Vi khuẩn gây bệnh tả.

2. Bổ sung nước và điện giải trong bệnh tả

Khi người bệnh giai đoạn đầu, chưa bị mất nước nhiều và giai đoạn hồi phục thì bổ sung nước và điện giải đường uống là thích hợp. Lúc này có thể bù nước và điện giải tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.

Loại dung dịch bù nước đường uống như oresol (gồm 3.5g NaCl, 2.5g NaHCO3, 1.5g KCl và 20g glucose) pha với 1 lít nước đun sôi để nguội. Trường hợp không có oresol, có thể pha dung dịch thay thế theo tỉ lệ: 8 thìa cà phê đường + 1 thìa cà phê muối pha trong 1 lít nước. Hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối hoặc nước cháo (gồm 50g gạo và một 3.5g muối).

Cho bệnh nhân uống theo nhu cầu, nếu bệnh nhân nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.

Trong trường hợp mất nước nhiều cần bù dịch tài cơ sở y tế bằng đường tiêm truyền, theo chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc điều trị bệnh tả- Ảnh 2.

Bệnh tả có thể khiến bệnh nhân buồn nôn, nôn.

2. Dùng thuốc kháng sinh

Đồng thời với bổ sung nước và điện giải, cần sử dụng ngay kháng sinh có hiệu quả diệt trừ phẩy khuẩn tả. Trong đó doxycycline được khuyến cáo là điều trị đầu tay cho người lớn (kể cả phụ nữ có thai) và trẻ em. Trường hợp vi khuẩn kháng với doxycycline, chuyển sang dùng azithromycin và ciprofloxacin là những lựa chọn thay thế.

- Doxycyclin: Là kháng sinh thuộc nhóm tetracylin, là kháng sinh phổ rộng, có tác dụng kìm khuẩn. Thuốc được chỉ định trong nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh tả do Vibrio cholerae.

Khi uống doxycyclin có thể gây kích ứng đường tiêu hóa với mức độ khác nhau. Thuốc cũng có thể gây phản ứng từ nhẹ đến nặng trên da, làm da mẫn cảm với ánh sáng.

Đối với phụ nữ mang thai dễ bị thương tổn gan nặng do doxycyclin. Các biểu hiện tổn thương gan sau khi uống thuốc là xuất hiện vàng da, tiếp đó là tăng urê - máu, nhiễm acid và sốc không hồi phục.

Trẻ dưới 8 tuổi, doxycyclin gây biến màu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng, và giảm tốc độ phát triển chiều dài của bộ xương. Do đó không dùng doxycyclin cho người bệnh ở nhóm tuổi này, trừ khi những thuốc kháng khuẩn khác không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.

Lưu ý: Thuốc không được dùng trong thời gian dài vì vó thể gây bội nhiễm vi khuẩn và nấm. Trong thời gian dùng thuốc và sau khi dùng thuốc 1 tuần, tránh để da tiếp xúc với ánh nắng.

Uống thuốc viên nén với một cốc nước to đầy ở tư thế đứng. Sau khi uống thuốc không nên nằm trong khoảng 10 phút để chắc chắn thuốc đã xuống đến dạ dày nhằm giảm kích ứng đường tiêu hóa hoặc thuốc có kể bị kẹt ở thực quản gây loét.

- Azithromycin: Là kháng sinh thuộc nhóm macrolid, được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Thuốc được bào chế dạng viên uống hoặc hỗn dịch.

Với viên uống nên uống với một cốc nước đầy, có thể uống trước hoặc sau bữa ăn theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bệnh nhân bị đau dạ dày nên uống sau bữa ăn. Đối với người lớn, tùy tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ kê liều thuốc cụ thể cho từng bệnh nhân. Đối với trẻ em, liều thuốc được tính theo cân nặng.

Với dạng hỗn dịch thường dùng cho trẻ em, trước khi sử dụng cần lắc đều chai thuốc. Định liều thuốc cẩn thận bằng dụng cụ đo kèm theo chai thuốc để tránh sai liều. Trường hợp trẻ nôn ngay sau khi uống thuốc, cần bổ sung liều khác. Nếu trẻ nôn trong vòng 30 phút sau uống thuốc, hãy hỏi bác sĩ xem trẻ có cần lặp lại liều đó hay không.

Azithromycin có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Khó chịu ở dạ dày, đi ngoài phân lỏng, buồn nôn/nôn, đau bụng. Nếu tác dụng phụ này nặng và kéo dài cần thông báo cho bác sĩ biết để được hướng dẫn xử trí.

Một số tác dụng phụ nặng hơn nhưng ít gặp như: Giảm thính lực; nhìn mờ, sụp mí mắt; yếu cơ, khó nói, khó nuốt; mệt mỏi bất thường, buồn nôn/nôn, đau bụng dữ dội, vàng mắt, vàng da… (do gan bị ảnh hưởng).

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng tuy hiếm gặp nhưng cần chăm sóc y tế ngay: Rối loạn nhịp tim nhanh, chóng mặt dữ dội, ngất xỉu.

Các thuốc điều trị bệnh tả- Ảnh 4.

Bệnh tả cần được điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý: Azithromycin có thể gây nên tình trạng tiêu chảy do vi khuẩn clostrium difficile kháng thuốc. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau khi uống thuốc, thậm chí sau vài tuần đến vài tháng ngừng thuốc. Do đó bệnh nhân cần lưu ý trong khoảng thời gian này không sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc các opioid khi đột ngột tiêu chảy dai dẳng, đau bụng, co thắt đường tiêu hóa, tiêu ra phân có máu, chất nhầy. Cần thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng của mình để được kê đơn thuốc hợp lý.

Trường hợp uống thuốc azithromycin kéo dài hoặc lặp lại có thể dẫn đến nhiễm nấm miệng, nấm âm đạo. Thông báo cho bác sĩ biết ngay khi xuất hiện các mảng trắng, thay đổi dịch tiết âm đạo hoặc các triệu chứng nhiễm nấm khác trong và sau khi dùng thuốc.

Trường hợp không xảy ra tác dụng phụ, cần uống thuốc đúng và đủ liều lượng cũng như thời gian theo đơn. Kể cả khi các dấu hiệu nhiễm khuẩn đã hết những vẫn phải uống thuốc đủ thời gian như đơn thuốc. Việc ngừng thuốc quá sớm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, dẫn đến nhiễm khuẩn trở lại và nguy cơ kháng thuốc cao.

Do azithromycin có tương tác với một số thuốc. Chẳng hạn như các thuốc kháng acid dạ dày chứa nhôm hoặc magiê có thể làm giảm sự hấp thu của azithromycin nếu dùng cùng lúc. Do đó, nếu người bệnh buộc phải dùng các thuốc này thì thời gian uống các loại thuốc nên cách nhau ít nhất 2 giờ.

Người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ biết nếu tiền sử có dị ứng với thuốc hoặc các kháng sinh khác cùng nhóm (như erythromycin, clarithromycin, telithromycin)... hoặc tiền sử mắc bệnh gan, bệnh thận, bệnh nhược cơ.

Các thuốc điều trị bệnh tả- Ảnh 5.

Dùng thuốc đúng, vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ nguồn nước để tránh nguy cơ bệnh tả thành dịch.

- Ciprofloxacin: Là kháng sinh nhóm fluoroquinolon, được chỉ định cho các nhiễm khuẩn nặng mà các kháng sinh thông thường không còn tác dụng. Thuốc được chỉ định trong rất nhiều nhiễm khuẩn gây bởi các tác nhân nhạy cảm, trong đó có bệnh tả. Thuốc có các dạng bào chế hỗn dịch, viên nén thông thường, thuốc dạng tiêm tĩnh mạch. Tùy từng trường hợp sẽ có chỉ định liều lượng cũng như dạng bào chế.

Đối với đường uống, dạng hỗn dịch và viên nén thường có thể sử dụng trước hoặc sau bữa ăn. Với viên nén giải phóng chậm nên uống cùng với bữa ăn (tốt hơn là bữa ăn tối) để đạt được hấp thu tối đa. Thuốc viên nén cần phải uống cả viên, không được bẻ hoặc nghiền nát. Thuốc nên uống với 1 ly nước to đầy, không uống cùng với sữa, sữa chua, các sản phẩm tăng cường canxi, nước ép quả… vì sẽ làm giảm hấp thu thuốc. Trường hợp bệnh nhân đang phải uống thuốc chống toan dạ dày, thì phải uống 2 loại thuốc cách nhau 2 giờ.

Thuốc dạng tiêm tĩnh mạch cần truyền chậm vào tĩnh mạch lớn trong 60 phút để giảm đau và nguy cơ kích ứng mạch. Chỉ tiêm tĩnh mạch cho người bệnh không thể dung nạp hoặc không thể dùng đường uống. Chuyển sang uống ngay khi bệnh nhân có thể uống được.

Tác dụng phụ: Ciprofloxacin có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng… ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc, đặc biệt là khi uống rượu. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ khác như buồn nôn/nôn, tiêu chảy, đau bụng…

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về tác dụng phụ cần ngừng dùng ciprofloxacin và thông báo cho bác sĩ biết. Mặc dù tác dụng phụ có thể nhẹ và sẽ hết sau khi ngừng thuốc, nhưng một số tác dụng phụ phải được xử trí tại cơ sở y tế.

Lưu ý: Do các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với trẻ em, do đó thuốc không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trừ trường hợp đặc biệt mà bác sĩ cân nhắc kỹ giữa lợi và hại khi dùng thuốc.

Cần thận trọng khi dùng ciprofloxacin đối với các trường hợp: Người có tiền sử động kinh/rối loạn hệ thần kinh trung ương, suy gan, suy thận, bệnh nhược cơ…

Đã xảy ra các trường hợp viêm gân hoặc đứt gân khi dùng kháng sinh nhóm quinolon. Nguy cơ này tăng lên nếu dùng đồng thời với corticosteroid, người cấy ghép tạng, người bệnh trên 60 tuổi. Tránh gắng sức, luyện tập thể lực nặng vì tăng nguy cơ đứt gân. Cần ngừng thuốc ngay nếu người bệnh bị đau sưng đứt gân. Sau đó phải chống chỉ định dùng fluoroquinolon ở những người bệnh này.

Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và đèn chiếu sáng có công suất lớn trong quá trình dùng thuốc.

Thận trọng khi dùng cho người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) vì tăng nguy cơ có khoảng QT kéo dài.

Ngừng thuốc khi có dấu hiệu phát ban, hoặc các dấu hiệu khác của mẫn cảm và thông báo ngay cho bác sĩ, vì có thể đây là trường hợp cần can thiệp y tế sớm.

Dùng ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức. Nhất thiết phải theo dõi người bệnh và làm kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp theo kháng sinh đồ.

Bệnh tả là bệnh cần được điều trị tại cơ sở y tế dưới sự theo dõi của nhân viên y tế, nên việc dùng thuốc hằng ngày sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể và điều chỉnh thuốc ngay khi có dấu hiệu bất thường. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc về nhà sử dụng.

Mời độc giả xem thêm video:

Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy I SKĐS


ThS. Đỗ Thị Dung
Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội
Ý kiến của bạn