1. Các thuốc dùng trị nhiễm trùng nấm móng
Thuốc chống nấm có dạng dùng ngoài (bôi, thoa, sơn) và dùng trong (uống). Nếu đáp ứng, một móng khỏe mạnh mới bắt đầu mọc từ gốc móng trong vài tháng. Móng cũ bị nhiễm trùng sẽ bắt đầu mọc ra và có thể cắt bỏ dần dần.
1.1 Thuốc bôi ngoài da trị nấm móng
Đối với nhiễm trùng nhẹ, có thể dùng dạng kem, dung dịch chống nấm thoa vào móng hoặc sơn móng tay chống nấm (sơn lên bề mặt móng).
Một số loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng loại bỏ nấm móng:
- Thuốc ciclopirox
- Efinaconazole
- Naftifine
- Tavaborole
- Terbinafine…
Một số tác dụng phụ của thuốc như: Đỏ, sưng hoặc châm chích, nóng rát khi sử dụng.
Sơn móng tay chống nấm
Sơn móng tay thường không hiệu quả bằng thuốc viên vì thuốc khó thẩm thấu vào các lớp sâu hơn của móng. Tuy nhiên, nó thường không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Sơn móng tay chống nấm thường phải được sử dụng trong vài tháng để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã được loại bỏ.
Nhiễm trùng nấm móng có thể khiến móng trở nên dày, vàng và giòn…
1.2 Thuốc uống chống nấm móng
Đối với tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống chống nấm. Terbinafine và itraconazole là hai loại thuốc thường được kê đơn nhất để điều trị nhiễm nấm móng. Những loại thuốc này thường cần phải dùng một hoặc hai lần một ngày trong nhiều tháng để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn. Nếu bạn ngừng dùng thuốc quá sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc chống nấm bao gồm: Đau đầu, ngứa, tiêu chảy, mất cảm giác vị giác, phát ban… Không dùng thuốc cho những người bị bệnh gan hoặc bệnh tim.
2. Lưu ý khi dùng thuốc trị nấm móng
- Kiên trì dùng thuốc: Do cần điều trị trong thời gian dài nên người bệnh không được tự ý bỏ thuốc. Tiếp tục sử dụng phương pháp điều trị cho đến khi bác sĩ cho phép dừng lại, vì dừng quá sớm có thể khiến tình trạng nhiễm trùng tái phát.
- Đối với thuốc bôi ngoài: Trước khi bôi thuốc cần cắt móng và ngâm cho mềm móng, giúp thuốc ngấm tốt hơn. Thuốc cũng có thể làm giảm đau bằng cách giảm áp lực lên móng.
- Đối với thuốc uống: Tuân thủ liều lượng thuốc, số lần dùng trong ngày và liệu trình điều trị. Lưu ý theo dõi những bất thường có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc, thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để xử lý thích hợp.
- Tương tác thuốc: Thuốc uống chống nấm móng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta… Do đó, những người đang dùng thuốc điều trị các bệnh mạn tính cần cho bác sĩ biết để tránh các tương tác bất lợi này.
3. Các phương pháp khác trị nấm móng
- Làm mềm và cạo sạch móng: Dùng bộ dụng cụ điều trị làm mềm móng và loại bỏ phần móng bị nhiễm trùng. Bộ dụng cụ có chứa bột nhão urê 40%, băng dán và dụng cụ cạo. Bột nhão làm mềm các phần bị nhiễm trùng của móng, cho phép cạo sạch chúng để có thể dần dần thay thế bằng móng khỏe mạnh.
Để sử dụng phương pháp điều trị:
- Rửa sạch vùng bị ảnh hưởng và lau khô hoàn toàn
- Bôi hỗn hợp lên móng bị nhiễm trùng
- Che móng bằng băng keo cá nhân và để trong 24 giờ
- Rửa sạch lớp keo vào ngày hôm sau và cạo sạch phần móng tay mềm
- Lặp lại quá trình này mỗi ngày trong 2 đến 3 tuần.
Khi không còn phần móng bị nhiễm trùng nào có thể cắt bỏ nữa, có thể dùng sơn móng tay chống nấm để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát khi móng mọc lại trong vài tháng tiếp theo.
- Tháo bỏ móng tay: Trong trường hợp nhễm trùng nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả, có thể phải tháo bỏ móng. Một móng tay mới sẽ mọc lại ở vị trí đó. Có thể mất một năm hoặc lâu hơn để móng tay mọc lại hoàn toàn.
- Điều trị bằng tia laser: Tia laser phát ra năng lượng ánh sáng liều cao, được sử dụng để tiêu diệt nấm. Nghiên cứu ban đầu cho thấy phương pháp điều trị này có thể hữu ích trong điều trị nhiễm nấm móng, nhưng hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng để khuyến nghị đây là phương pháp điều trị thường quy…
4. Cách phòng ngừa nhiễm trùng nấm móng
- Giữ tay và chân luôn sạch sẽ và khô ráo.
- Đi giày vừa vặn làm từ chất liệu tự nhiên và tất cotton sạch, giúp chân thoáng khí.
- Cắt móng tay thường xuyên, không dùng chung kìm hay kéo cắt với người khác.
- Thay thế giày dép cũ có thể bị nhiễm nấm.
- Điều trị bệnh nấm chân càng sớm càng tốt để tránh nhiễm trùng lây lan đến móng tay.
- Đảm bảo khăn được giặt thường xuyên.
- Thiết bị đều được khử trùng đúng cách giữa các lần sử dụng nếu bạn đến tiệm làm móng.
- Không dùng chung khăn tắm và tất với người khác.