Hà Nội

Các thuốc điều trị bệnh kiết lỵ

20-03-2024 06:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Kiết lỵ là một bệnh nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy nghiêm trọng, ngoài phân lỏng còn kèm theo máu. Nếu không được chăm sóc và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng...

1. Các biện pháp điều trị bệnh kiết lỵ

Kiết lỵ thường do Shigella hoặc amip gây ra. Đối với trường hợp bệnh nhẹ ở người đang có sức khỏe tốt thường được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, bù nước và ăn thức ăn mềm, lỏng. Ngoài ra có thể sử dụng thêm các thuốc bổ sung kẽm, kali, magiê, canxi để giảm triệu chứng chuột rút và tiêu chảy. Không nên dùng các loại thuốc làm chậm nhu động ruột như loperamide, vì sẽ làm cho tình trạng bệnh càng tồi tệ hơn.

Bệnh kiết lỵ nặng do Shigella có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng phải do bác sĩ kê đơn. Do vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh khá cao, nên sau khi sử dụng thuốc theo đơn 2 ngày, nếu thấy thuốc hiệu quả (hoặc không hiệu quả) đều phải báo cho bác sĩ điều trị biết để điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết.

Nếu bệnh kiết lỵ do Amip, có thể được điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng.

Các thuốc điều trị bệnh kiết lỵ- Ảnh 1.

Bệnh lỵ có thể gây đau bụng.

1.1 Thuốc điều trị kiết lỵ do Shigella

Trước hết cần bổ sung nước và điện giải do tiêu chảy. Có thể bổ sung qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch. Thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng và giảm vi khuẩn Shigella, được bác sĩ kê đơn tùy theo tình huống như: Tình trạng mắc bệnh, trẻ em, người cao tuổi, mắc các bệnh lý kèm theo... 

Dưới đây là một số thuốc thường dùng trị bệnh kiết lỵ

Fluoroquinolone: Các thuốc thuộc nhóm này như ciprofloxacin, ofloxacin, norfloxacin, moxifloxacin, levofloxacin... được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, trong đó có Shiglla.

+ Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, cảm giác lâng lâng trong người. Ngoài ra, có khả năng gặp phải các phản ứng nghiêm trọng hơn, bao gồm: Viêm và đứt gân, tê hoặc ngứa ran, yếu và đau cơ, đau sưng khớp.

+ Chống chỉ định: Do các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, nên thuốc không dùng cho người dưới 18 tuổi, bệnh nhân bị dị ứng với các kháng sinh thuộc nhóm này, người đang bị tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium difficile, người bệnh đái tháo đường, hạ đường huyết, bệnh nhân thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase hoặc xét nghiệm có nồng độ magiê, kali máu thấp, người mắc bệnh nhược cơ, rối loạn cơ xương khớp, viêm gân, đứt gân...

- Azithromycin: Là kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có các dạng bào chế như hỗn dịch, viên uống. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Liều lượng azithromycin phụ thuộc mức độ nhiễm khuẩn, tuổi tác (đối với trẻ em phải tính liều thuốc theo cân nặng), mức độ đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân.

+ Tác dụng phụ thường gặp của thuốc: Khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn, đau bụng...

Ceftriaxone: Là một cephalosporin thế hệ 3 có hoạt phổ rộng, được sử dụng dưới dạng tiêm (ceftriaxon natri). Thuốc có tác dụng diệt khuẩn do khả năng ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, dùng trong điều trị các loại nhiễm trùng nặng và chỉ sử dụng khi không còn lựa chọn nào tốt hơn.

+ Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp như tiêu chảy; phản ứng da, ngứa, nổi ban; sốt, viêm tĩnh mạch, phù; đau đầu, chóng mặt, phản vệ…

+ Chống chỉ định: Không dùng thuốc ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da tăng bilirubin, đặc biệt ở trẻ sinh non, không dùng ceftriaxone với các sản phẩm có chứa canxi đường truyền trong vòng 48 giờ...

1.2 Thuốc điều trị kiết lỵ Amip

Lỵ Amip có nhiều thể. Tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. 

Dưới đây là một số thuốc thường dùng:

Metronidazol: Là kháng sinh điều trị kiết lỵ amip, được dùng trong điều trị bệnh amip thể cấp tính xâm nhập và thể kén. Đối bệnh lỵ amip cấp ở người lớn và trẻ em có thể sử dụng thuốc từ 5 - 10 ngày. Liều lượng tuân thủ đúng theo sự chỉ định của bác sĩ.

+ Tác dụng phụ: Tác dụng phụ phổ biến của thuốc như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, trong miệng có vị kim loại khó chịu. Các tác dụng ít gặp hơn như buồn ngủ, ngủ gà, nhức đầu, choáng váng, mất khả năng điều hòa vận động... Cần ngưng thuốc ngay và báo cho bác sĩ biết khi có triệu chứng lú lẫn, chóng mặt, mất điều hòa.

+ Chống chỉ định: Có tiền sử quá mẫn với metronidazol hoặc các dẫn chất nitro-imidazol khác.

Diloxanid: Là thuốc được lựa chọn để điều trị amip ở thể kén và không xuất hiện những triệu chứng lâm sàng ở những vùng không có dịch bệnh lưu hành. Thuốc được chỉ định sau khi bệnh nhân đã được điều trị với metronidazol để diệt amip ở thể hoạt động bên trong ruột.

+ Tác dụng phụ: Khi sử dụng thuốc, người bệnh cũng xuất hiện những tác dụng không mong muốn như đầy hơi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, mày đay.

+ Chống chỉ định: Hiện chưa biết các chống chỉ định của thuốc.

Tinidazole: Thường được chỉ định sử dụng trong những trường hợp nhiễm trùng kỵ khí đường tiêu hóa, diệt amip... Có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn đều không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Tuy nhiên để tránh kích ứng dạ dày, nên sử dụng kèm với thức ăn và cần uống cả viên thuốc với 1 ly nước đầy. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, hoặc liều thấp hơn so với chỉ định.

+ Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và thường gặp hơn nếu uống thuốc vào lúc đói, biểu hiện có thể kể đến như: Buồn nôn, chán ăn, miệng có vị kim loại, tiêu chảy; ngứa, nổi mề đay, phù thần kinh mạch; nhức đầu, chóng mặt; giảm bạch cầu hạt...

+ Chống chỉ định: Những người bệnh đang mắc những vấn đề như rối loạn tạo máu hay có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, rối loạn thần kinh thực thể…

Ngoài ra, khi bệnh nhân bị kiết lỵ amip có biểu hiện đau nặng, có thể được sử dụng thêm thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như atropin, smecta, papaverin...

Các thuốc điều trị bệnh kiết lỵ- Ảnh 3.

Bệnh lỵ gây đau bụng và có thể tiêu chảy kéo dài.

2. Một số lưu ý khi dùng thuốc

-Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Tùy từng loại thuốc bác sĩ kê đơn mà người bệnh cần tuân thủ về liều lượng, thời gian dùng thuốc, thời điểm dùng thuốc (trước, trong và sau ăn), lượng nước thích hợp để uống thuốc...

- Theo dõi tác dụng phục của thuốc: Các thuốc đều có nguy cơ gây ra một số tác dụng không mong muốn khi dùng. Do đó, trước khi uống thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để nhận biết được các tác dụng phụ này, nếu xảy ra thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để có cách xử lý thích hợp.

- Tương tác thuốc: Nếu người bệnh đang dùng nhiều loại thuốc một lúc cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để tránh các tương tác bất lợi về thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp trong dịp Tết.


ThS.Đỗ Thị Dung
Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội
Ý kiến của bạn