Nếu không được kiểm soát tốt hoặc ở mức độ nặng, bệnh hen có thể gây khó khăn khi nói chuyện hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Dưới đây là các nhóm thuốc chính dùng trong điều trị bệnh hen:
1. Các thuốc giãn phế quản điều trị bệnh hen
Bao gồm: Thuốc đồng vận beta-2 và thuốc kháng cholinergic.
1.1. Thuốc đồng vận beta 2: Có 2 loại là tác dụng ngắn và tác dụng kéo dài.
- Tác dụng của thuốc
+ Các thuốc nhóm đồng vận beta-2 tác dụng ngắn (SABA) trong điều trị hen như fenoterol, salbutamol, terbutaline... làm giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng, nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Thuốc thường phát huy khoảng 3-5 phút, kéo dài trong khoảng 4-6 giờ, được chỉ định để cắt cơn hen cấp tính và ngừa co thắt cấp tính do luyện tập gắng sức. Thuốc dạng hít có hiệu quả cao đối với những trường hợp triệu chứng bệnh đến nhanh và nặng.
+ Các thuốc đồng vận beta-2 tác dụng dài (LABA) như salmeterol, bambuterol, formoterol… mất khoảng 30 phút để phát huy tác dụng, nhưng hiệu quả kéo dài lên đến hơn 12 giờ. Do đó, thuốc được sử dụng hằng ngày với mục đích dự phòng cơn hen về đêm, kết hợp với corticoid dạng hít để dự phòng dài hạn và kiểm soát hen, không khuyến cáo sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.
- Các dụng phụ thường gặp của thuốc đồng vận beta-2 bao gồm: Run cơn, run đầu ngón tay; hồi hộp, nhịp nhanh, loạn nhịp, hạ kali máu, đau đầu, mất ngủ; dùng tại chỗ (co thắt phế quản). Dùng nhiều lần sẽ có hiện tượng quen thuốc nhanh, do số lượng receptor beta-2 của phế quản giảm dần (cơ chế điều hòa giảm), bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều.
- Chống chỉ định và thận trọng trong các trường hợp người bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp, đái tháo đường, đang điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm IMAO.
- Lưu ý khi dùng thuốc: Các thuốc giãn phế quản hầu hết đều được sản xuất dưới dạng phun – hít. Ở dạng này, thuốc đến trực tiếp niêm mạc đường thở rất nhanh chóng, mang lại tác dụng giãn phế quản nhanh và mạnh, trong khi nồng độ thuốc ngấm vào máu rất ít, do đó rất hiếm khi gây tác dụng phụ. Trong khi đó, thuốc uống phải qua quá trình được ngấm vào máu, sau đó tới phổi, cơ trơn phế quản nên thường không tạo được tác dụng giãn phế quản mạnh, trong khi tác dụng phụ lại nhiều (do nồng độ thuốc trong máu cao).
Người bệnh hen cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc; biết cách nhận biết các bất lợi của thuốc có thể xảy ra (có thể ứng phó) hoặc thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời, thích hợp.
Cùng là thuốc giãn phế quản dạng phun - hít nhưng các nhà sản xuất khác nhau lại sử dụng những dụng cụ phân phối thuốc khác nhau, do đó, cần nắm vững cách sử dụng từng loại dụng cụ phân phối thuốc tương ứng. Các dụng cụ phân phối thuốc thường có trên thị trường hiện nay bao gồm bình xịt định liều, bình hít turbuhaler, bình hít accuhaler, bình hít handihaler.
Thuốc sử dụng cho trẻ em được ưu tiên sử dụng ở dạng xịt và khí dung vì ít tác dụng phụ, hoặc tác dụng phụ không kéo dài so với các loại thuốc bằng đường uống.
1. 2. Thuốc kháng cholinergic
- Tác dụng: Các thuốc kháng cholinergic có tác dụng ngăn ngừa hoạt động của acetylcholine, làm giảm co thắt cơ trơn phế quản, giảm tiết dịch. Bao gồm thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn (SAMA) như ipratropium, oxitropium và thuốc kháng cholinergic tác dụng dài (LAMA) như triotopium, umeclidinium, aclidinium…
Thuốc có tác dụng hiệp đồng khi kết hợp với các thuốc đồng vận beta-2, làm tăng hiệu lực và thời gian tác động của thuốc, dùng trong dự phòng bệnh hen phế quản.
- Tác dụng phụ: Một số tác dụng không mong muốn của thuốc như khô miệng, táo bón, bí tiểu, tăng nhãn áp, đau đầu…
- Chống chỉ định dùng thuốc kháng cholinergic ở những bệnh nhân hen có phì đại tuyến tiền liệt, glaucom góc đóng, phụ nữ có thai và cho con bú…
2. Thuốc chống viêm corticosteroid
- Tác dụng của thuốc
Thuốc bao gồm 2 nhóm:
+ Nhóm dùng qua đường toàn thân (dạng uống hay tiêm) gồm hydrocortison, prednison, prednisolon, methylprednisolon… thường được chỉ định trong hen suyễn cấp tính nặng hoặc kiểm soát hen mạn tính nặng.
+ Nhóm dùng tại chỗ (dạng xịt, khí dung) gồm beclomethason, budesonid, flunisolid, fluticason, mometason và triamcinolone… giúp tăng tác dụng của thuốc giãn phế quản trong điều trị cơn hen cấp. Thuốc khởi phát tác dụng sớm trong thời gian vài phút sau khi sử dụng, cho tác dụng tốt, dùng dự phòng hen suyễn khi bệnh nhân phải dùng thuốc đồng vận beta > 3 lần/tuần.
- Các tác dụng không mong muốn của thuốc
+ Dạng uống/tiêm: Gây tăng cân, tăng đường huyết, phù, tăng huyết áp, xốp xương, chậm lành sẹo, dễ nhiễm trùng, suy thượng thận… Do vậy, trường hợp bệnh nhân đang dùng corticoid liều cao kéo dài, cần giảm liều trong nhiều tuần trước khi muốn ngưng thuốc.
+ Dạng xịt/khí dung: Kích ứng đường hô hấp trên, đau họng, khan tiếng, nhiễm nấm Candida ở họng, thanh quản… Có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ tại chỗ của thuốc bằng cách cho bệnh nhân sử dụng buồng đệm, súc miệng bằng nước ấm khoảng 10-15 phút sau khi xịt thuốc hoặc cả hai.
- Chống chỉ định của thuốc corticosteroid bao gồm quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, sử dụng đồng thời vaccine sống hoặc vaccine sống giảm độc lực (khi sử dụng liều ức chế miễn dịch), nhiễm nấm toàn thân, loãng xương, tăng đường huyết không kiểm soát trong đái tháo đường, tăng nhãn áp, nhiễm trùng khớp, tăng huyết áp không kiểm soát, viêm loét giác mạc do herpes simplex và bệnh thủy đậu.
Các chống chỉ định tương đối khác bao gồm bệnh loét dạ dày tá tràng, suy tim sung huyết và nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn không đáp ứng với thuốc kháng sinh.
- Lưu ý khi dùng thuốc: Đối với corticoid đường toàn thân, nên uống thuốc vào buổi sáng để hạn chế tác dụng phụ teo tuyến thượng thận. Uống thuốc ngay sau khi ăn hoặc trong bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
Không nên tự ngưng thuốc đột ngột khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Đối với những trường hợp sử dụng corticoid trong kéo dài, cần phải giảm liều từ từ trước khi ngưng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ, vì nếu ngưng corticoid đột ngột sau một thời gian dài sử dụng dễ có nguy cơ gây hội chứng cai corticoid nguy hiểm.
3. Chất ổn định tế bào mast
- Tác dụng của thuốc: Cromolyn và nedocromil có tác dụng ức chế sự phóng thích các chất trung gian hóa học gây viêm, ngăn chặn các đáp ứng nhanh và chậm của phản ứng dị ứng. Thuốc được dùng bằng cách hít liều dự phòng cho bệnh nhân bị bệnh hen do tập thể dục hoặc do dị ứng.
- Tác dụng không mong muốn chủ yếu của thuốc thường không nghiêm trọng, thoáng qua như: Ngứa, đau đầu, viêm họng, buồn nôn, nôn, viêm dạ dày ruột (ở người bị hen, các triệu chứng thường là nhẹ và sẽ hết khi ngừng thuốc)
- Chống chỉ định dùng thuốc trong trường hợp có mẫn cảm, tiền sử tim mạch và trẻ em dưới 6 tuổi.
- Lưu ý khi dùng thuốc: Do có tác dụng tại chỗ và tác dụng gây giãn phế quản là không đáng kể nên cromolyn chỉ được dùng để dự phòng hen ở trẻ em, phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức hay do khí lạnh. Thuốc không có tác dụng điều trị với những bệnh nhân đang có cơn hen cấp.
Khi cơn hen cấp xuất hiện bạn cần dùng các thuốc điều trị cắt cơn hen tác dụng nhanh theo chỉ định của bác sĩ và nếu cơn hen không cải thiện cần tới cơ sở y tế. Tác dụng của thuốc xuất hiện sau 2 - 6 tuần.
Cần thận trọng khi dùng thuốc dạng xông có định liều cho những người có bệnh mạch vành hoặc có tiền sử loạn nhịp tim vì trong dạng thuốc này có chất làm ảnh hưởng tới bệnh lý tim mạch.
Thời kỳ mang thai: Thuốc không có những ảnh hưởng xấu đến thai nhưng chỉ nên dùng thuốc này cho người mang thai nếu thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú: Không có những dữ liệu đáng tin cậy của việc dùng thuốc, nên tốt nhất không sử dụng hay không nên cho con bú.
4. Thuốc ức chế tổng hợp leukotrien và thuốc đối kháng leukotrien
-Tác dụng: Thuốc ức chế tổng hợp leukotrien gồm zileuton và thuốc đối kháng leukotrien gồm montelukast, zafirlukast, pranlukast... Thuốc dạng đường uống được hấp thu nhanh, dễ sử dụng, để kiểm soát lâu dài và phòng ngừa các triệu chứng ở bệnh nhân hen nhẹ tới nặng kéo dài.
- Tác dụng phụ chủ yếu là tăng men gan. Ngoài ra còn có một số hiếm gặp phải tình trạng hội chứng lâm sàng tương tự như bệnh u hạt tế bào ưa axit và viêm đa mạch.
- Chống chỉ định đối với bệnh gan, mẫn cảm với thành phần của thuốc.
- Lưu ý khi dùng thuốc:
+ Montelukast có thể dùng ở trẻ từ 2 tuổi trở lên, ngày 1 lần trước khi đi ngủ.
+ Zafirlukast được kê toa cho người từ 5 tuổi trở lên và ngày phải dùng 2 lần. Cần lưu ý, zafirlukast nên được uống trước 1 tiếng, hoặc sau 2 tiếng cách bữa ăn.
+ Pranlukast chỉ được lưu hành ở Châu Á, viên nang liều 112,5 mg.
Các thuốc này đều được chuyển hóa qua gan (cytochrome P450), do đó có thể tương tác với các thuốc chống động kinh mặc dù chưa có nghiên cứu nào báo cáo. Zafirlukast có thể tương tác với warfarin và do đó có khuyến cáo giảm liều warfarin xuống một nửa khi có sử dụng zafirlukast. Không có báo cáo về tương tác thuốc của montelukast.
Chưa có nghiên cứu nào về tính an toàn của nhóm thuốc này ở phụ nữ có thai do vậy chỉ nên dùng thuốc này khi các loại thuốc khác không đạt được mục tiêu điều trị.
5. Thuốc theophyllin
- Tác dụng: Trước đây, theophyllin thường được sử dụng dưới dạng phóng thích chậm trong điều trị các trường hợp hen suyễn nhẹ dai dẳng hoặc hỗ trợ điều trị các trường hợp hen vừa và nặng. Những năm gần đây, với sự sẵn có của nhiều loại thuốc mới, hầu hết các trường hợp có thể được kiểm soát tốt mà không cần dùng đến theophyllin. Hơn nữa, do liều điều trị của theophyllin rất gần với liều gây độc nên việc điều trị thường phải đi kèm với theo dõi nồng độ của thuốc trong máu.
- Tác dụng phụ: Thuốc có nhiều tác dụng phụ như làm giảm oxygen trong tuần hoàn não (với liều cao có thể lên cơn co giật), làm tim đập nhanh, kích thích hô hấp, gây lợi tiểu, đau bụng, buồn nôn, chán ăn, nhức đầu, khó ngủ…
- Chống chỉ định: Theophyllin không dùng cho các trường hợp quá mẫn với thuốc, tiền sử tim mạch, động kinh không kiểm soát được… Thận trọng khi dùng theophylin cho người bệnh hen có kèm bệnh tim, tăng huyết áp, suy gan, người cao tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Lưu ý khi dùng thuốc: Để giảm kích ứng dạ dày, theophylline dạng uống thường được uống vào bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, với một cốc nước đầy hoặc cùng thuốc kháng acid. Không được nhai hoặc nghiền theophylline giải phóng chậm. Thuốc đạn theophylline thường không được dùng vì hấp thu và tích lũy thất thường không dự đoán được.
Theophyllin thường tương tác có hại với nhiều thuốc khác. Các chất cảm ứng enzym chuyển hóa như phenobarbital, phenytoin, rifampicin… làm giảm nồng độ của theophyllin gây giảm tác dụng của thuốc. Ngược lại, các thuốc ức chế enzym chuyển hóa như erythromycin, cimetidin, ketoconazol, ciprofloxacin… lại làm tăng nồng độ thuốc.
+ Phụ nữ mang thai: Tác dụng gây nguy hiểm cho thai hay ảnh hưởng trên khả năng sinh nở chưa được nghiên cứu đối chứng đầy đủ. Chỉ nên dùng theophylline trị hen trong thời gian mang thai, khi lợi ích là lớn hơn khả năng gây nguy hại cho thai.
+ Phụ nữ đang cho con bú: Theophylline qua được sữa mẹ và có thể gây kích ứng hay các dấu hiệu độc tính khác cho trẻ đang bú mẹ. Cần cân nhắc giữa việc ngưng cho con bú với việc ngưng dùng thuốc.
+ Không sử dụng theophylin đường uống để điều trịbệnh hen trong thời gian dài ở nhóm đối tượng bao gồm: Trẻ dưới 5 tuổi; trẻ trên 5 tuổi và người lớn đã dùng thuốc glucocorticoid hít hoặc uống. Cần thận trọng khi dùng theophyllin ở người cao tuổi do nửa đời thuốc dài, khả năng đào thải thuốc kém, dễ bị ngộ độc thuốc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nhầm lẫn giữa bệnh hen và COPD nguy hiểm như thế nào? I SKĐS