1. Điều trị nhiễm giun chỉ cấp tính
Đa số bệnh nhân nhiễm giun chỉ không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Trường hợp cấp tính có triệu chứng sốt cao đột ngột, cơn sốt tái phát từng đợt trong 3 - 7 ngày. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, đau đầu nhiều. Sau sốt vài ngày xuất hiện viêm sưng ở mạch bạch và hạch bạch huyết.
Vị trí viêm sưng, đau dọc theo hệ bạch mạch, xuất hiện nhiều ở mặt trong chi dưới, vùng hạch bẹn có thể sưng to và đau. Giai đoạn này xét nghiệm sẽ có kết quả bạch cầu ái toan tăng, có ấu trùng giun chỉ trong máu
Điều trị giai đoạn này chủ yếu là hạ sốt, giảm đau, nghỉ ngơi. Giai đoạn này không dùng thuốc điều trị đặc hiệu DEC vì có thể gây viêm mạch, hạch bạch huyết. Ngoài hạ sốt giảm đau, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để chống bội nhiễm.
Sau thời kỳ cấp tính, các biểu hiện lâm sàng đã hết, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc đặc hiệu diethyl carbamazin (DEC) điều trị.
2. Điều trị giun chỉ mạn tính
Giai đoạn này, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, sụt cân và các triệu chứng của nhiễm giun chỉ rõ rệt hơn:
- Phù chân voi: Các đợt phù chân xuất hiện liên tục, phù dần từ bàn chân lên tới đùi. Đa số các trường hợp bị phù một bên chân hoặc một bên tay. Da ngày càng dày và cứng, có thể xuất hiện những vết loét do tình trạng thiếu dưỡng.
Điều trị giun chỉ ở người bệnh phù chân voi, cần chú ý vấn đề bội nhiễm vi khuẩn bằng cách:
- Rửa chi bị phù ngày hai lần bằng nước sạch và xà phòng tắm. Thấm khô chân, tăng cường vận động, xoa bóp chân nhằm tăng cường lưu thông hệ thống tuần hoàn ở chân.
- Khi đi ngủ, gác chân cao hoặc có thể dùng băng ép nhẹ kiểu quấn xà cạp để tránh ứ trệ tuần hoàn chi bị phù.
- Trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn cần dùng kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh toàn thân tùy theo mức độ bệnh.
- Uống thuốc diệt giun chỉ nếu có ấu trùng trong máu.
Thuốc diệt giun chỉ DEC (biệt dược banocide, hetrazan, notezine...), có các dạng viên nén 50mg, 100mg, 300mg. Tùy trường hợp bác sĩ chỉ định liều lượng khác nhau.
Có thể phối hợp DEC với albendazole để tăng hiệu quả diệt ấu trùng ở cả 2 loài giun chỉ là W.bancrofti và B. malayi. Sau 1 tháng uống thuốc, bệnh nhân cần làm lại xét nghiệm, nếu vẫn còn ấu trùng giun chỉ trong máu thì cần điều trị nhắc lại.
Trường hợp bệnh nhân bị phù chân voi nặng, có thể hội chẩn điều trị ngoại khoa (đốt vi mạch bạch huyết quanh thận, cắt bỏ bó mạch bạch huyết quanh cuống thận…)
Bệnh nhân cần ăn kiêng mỡ và thức ăn nhiều protein.
- Viêm bộ phận sinh dục ở nam giới: Viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, gây tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp bệnh nặng, bộ phận sinh dục có thể phù to như bìu voi, vú voi... Phù voi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, suy giảm khả năng lao động, sinh hoạt, sinh lý, ảnh hưởng nhiều tâm lý...
Dùng thuốc điều trị và chế độ ăn tương tự như trường hợp phù chân voi.
- Tiểu ra dưỡng chấp: Nước tiểu có màu trắng đục giống như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi còn có lẫn máu. Trường hợp nước tiểu có quá nhiều dưỡng chấp, để lâu có thể bị đông lại.
Trong trường hợp này chỉ dụng thuốc DEC khi xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu. Thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng tương tự như trường hợp phù chân voi. Nếu bệnh nhân đái dưỡng chấp nhiều và kéo dài cần chuyển điều trị ngoại khoa nếu có thể.
3. Thuốc DEC điều trị giun chỉ
Thuốc DEC diệt giun chỉ chống chỉ định đối với các trường hợp:
- Mắc các bệnh cấp tính
- Đang bị sốt
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
- Có tiền sử dị ứng với thuốc.
Thận trọng khi điều trị với các trường hợp:
- Người có bệnh hen phế quản
- Mắc các bệnh mãn tính ở tim, gan, thận.
- Có cảm giác mệt mỏi khó chịu, nhức đầu.
- Chán ăn, buồn nôn và nôn.
- Nổi nẩn ngứa.
Mời độc giả xem thêm video:
Nhiễm giun sán: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị phòng ngừa | SKĐS