1. Các triệu chứng của bệnh cúm A
Không giống như cảm lạnh thông thường, cúm A thường xuất hiện với các triệu chứng khởi phát đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng cúm A bao gồm: Ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ thể…
Những người có nguy cơ cao mắc biến chứng của cúm A như những người từ 65 tuổi trở lên, người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em… nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
2. Các thuốc điều trị cúm A
Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Tuy nhiên, một số trường hợp bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng.
2.1 Thuốc kháng virus
Đây là các thuốc cần dùng theo đơn của bác sĩ. Một số thuốc kháng virus phổ biến dùng điều trị cúm A như: Zanamivir (relenza), oseltamivir (tamiflu), peramivir (rapivab), xofluza (baloxavir marboxil)…
- Tác dụng: Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm; có thể làm giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bạn bị bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm A. Thuốc được dùng tốt nhất trong vòng 48 giờ (2 ngày) kể từ khi các triệu chứng cúm xuất hiện.
Những trường hợp cúm A có các triệu chứng tương đối nhẹ và có nguy cơ thấp gặp biến chứng liên quan đến cúm, không nên dùng các loại thuốc này.
- Tác dụng phụ: Mặc dù hiệu quả, nhưng những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Người bệnh đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết thêm tác dụng phụ của từng loại thuốc. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, hãy ngừng sử dụng đơn thuốc và đi khám ngay lập tức.

Triệu chứng bệnh cúm A thường từ nhẹ tới nặng, khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.
2.2 Thuốc trị triệu chứng cúm A
Các thuốc này có thể dùng không cần đơn để trị các triệu chứng do cúm A gây ra:
- Đau nhức cơ thể và sốt: Các thuốc có thể dùng như acetaminophen (tylenol), ibuprofen (advil)… Các thuốc này có thể giúp hạ sốt và giảm đau nhức (đau đầu, đau cơ, đau mình mẩy).
- Đau họng: Có thể dùng các loại thuốc xịt họng choraseptic (phenol), thuốc nhỏ họng menthol hoặc viên ngậm làm dịu họng như pectin. Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hay naproxen cũng có thể có tác dụng giảm đau họng. Ngoài ra để giảm đau họng có thể súc miệng nước muối, dùng máy tạo độ ẩm (có thể giúp ích nếu cổ họng bị khô).
- Thuốc ho: Tùy thuộc vào tình trạng ho có thể lựa chọn thuốc giảm/trị ho phù hợp:
+ Ho có đờm: Có thể được kiểm soát bằng thuốc long đờm không kê đơn có chứa guaifenesin (mucinex).
+ Ho khan (ho không có chất nhầy): Có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm ho có chứa dextromethorphan (delsym). Nếu không hiệu quả, dùng thuốc ho kê đơn theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, còn có thuốc có tác dụng cho cả ho khan và ho có đờm, như sản phẩm kết hợp guaifenesin/dextromethorphan, như mucinex DM hoặc robitussin DM…

Khi dùng thuốc người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc cho đúng.
- Nghẹt mũi: Nếu người bệnh bị nghẹt mũi, thuốc thông mũi không kê đơn hoặc thuốc xịt mũi như afrin (oxymetazoline), sudafed PE (phenylephrine)… có thể giúp thu nhỏ các mô bị viêm và sưng trong mũi giúp giảm nghẹt mũi. Thuốc xịt mũi nước muối có thể làm loãng dịch tiết và làm ẩm các mô mũi bị viêm.
- Sổ mũi: Thuốc kháng histamin đường uống là lựa chọn phổ biến để điều trị sổ mũi như diphenhydramine và các sản phẩm có chứa doxylamine. Tuy nhiên các loại thuốc này có tác dụng an thần, nên có thể gây buồn ngủ. Do đó, có thể lựa chọn loratadine hay cetirizine để thay thế, do các thuốc này ít gây buồn ngủ hơn.
Bên cạnh đó có thể dùng thuốc xịt mũi steroid như fluticasone propionate, triamcinolone… có thể làm giảm tình trạng chảy nước mũi, nhưng chúng có thể mất một thời gian để bắt đầu có tác dụng.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc xịt mũi kháng histamin như azelastine (thường bắt đầu có tác dụng trong vòng 30 phút), thuốc xịt mũi nước muối, dùng nước muối rửa mũi (bình Neti), cũng giúp giảm nghẹt mũi.
Đối với trẻ em, có thể dùng thuốc trị cúm A theo đơn dựa trên độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc không kê đơn trị triệu chứng, liều dùng cũng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và loại thuốc cụ thể. Do đó, người lớn luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc và trao đổi với bác sĩ/dược sĩ nếu bạn không chắc chắn khi dùng thuốc cho con/em mình.
3. Lưu ý khi dùng thuốc trị cúm A
- Bệnh cúm A do virus gây ra, không phải do vi khuẩn, do đó không được dùng thuốc kháng sinh trị cúm.
- Đối với thuốc kháng virus, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua dùng, chỉ dùng khi được bác sĩ kê đơn và uống theo chỉ định, vì không phải trường hợp mắc cúm A nào cũng cần dùng thuốc kháng virus.
- Trong quá trình dùng thuốc nếu có triệu chứng bất thường (có thể do tác dụng phụ của thuốc) hoặc bệnh nặng hơn, cần đi khám hoặc thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời, thích hợp.
- Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống dễ tiêu hóa trogn khi bị cúm: Đối với người bị cúm A có các triệu chứng như đau họng, buồn nôn và mệt mỏi, nên cân nhắc ăn các loại thực phẩm nhẹ/mềm, chẳng hạn như súp gà, rau lá xanh, trái cây và rau, sữa chua, yến mạch… Đối với đồ uống tốt nhất khi bạn bị cúm, hãy cân nhắc uống trà thảo mộc, nước ép tự nhiên và bổ sung nhiều chất lỏng hơn; nên tránh rượu, caffeine, thức ăn cay, thực phẩm chế biến (đặc biệt là những loại có nhiều natri) và đồ ngọt.
4. Phòng ngừa cúm A
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vaccine hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm bảo vệ chống lại ba đến bốn loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm của năm đó.
Những cách khác để ngăn ngừa sự lây lan của cúm A bao gồm:
- Tránh đám đông, đặc biệt là trong thời gian bùng phát cúm
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Ở nhà nếu bạn bị sốt và ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Bệnh cúm A là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và dễ dàng lây lan. Bệnh có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Vì vậy, khi mắc bệnh người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế để khám, nhờ sự tư vấn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả.