Hà Nội

Các thuốc điều trị áp xe gan

26-03-2024 18:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Áp xe gan do các nguyên nhân như nhiễm amip, vi khuẩn, sán lá gan… gây ra. Tùy thuộc mỗi nguyên nhân sẽ có các thuốc điều trị khác nhau.

1. Điều trị áp xe gan do amip

Điều trị áp xe gan do amip thì lựa chọn đầu tay là tinidazole hoặc metronidazole phối hợp với một số loại thuốc khác (theo chỉ định của bác sĩ).

- Tinidazole chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí, trong đó có áp xe gan do amip entamoeba histolytica ở các tạng gan, lách, phổi. Tùy thuộc vào độc lực của loài amip sẽ có chỉ định về liều lượng cũng như thời gian sử dụng khác nhau. Ngoài ra, cần kết hợp tháo mủ sẽ mang lại hiệu quả sớm hơn. Thuốc đường uống nên dùng trong hoặc sau khi ăn.

Trong thời gian điều trị với tinidazole không nên dùng các sản phẩm có chứa cồn như bia, rượu… Nếu sử dụng sản phẩm có cồn, nguy cơ gây phản ứng như đỏ bừng, co cứng bụng, nôn, tim đập nhanh… thậm chí xảy ra các phản ứng nghiêm trọng ở thần kinh như: Động kinh co giật và/hoặc bệnh thần kinh ngoại vi.

Tác dụng phụ của thuốc có thể gặp ở khoảng 3% bệnh nhân với các biểu hiện:

  • Buồn nôn, nôn, ăn không ngon, đau bụng, khó chịu thượng vị, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, thay đổi vị giác nhất thời.
  •  Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Chóng mặt, nhức đầu, khó ở, suy nhược.
  • Khó tiểu tiện, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Viêm tĩnh mạch huyết khối, đánh trống ngực, đau nơi tiêm (trường hợp dùng thuốc đường tiêm).
  • Ở phụ nữ có thể bị nhiễm nấm Candida âm đạo, dong kinh, đau âm đạo, âm đạo có mùi, đau chậu hông.

Khi gặp phải một trong tác dụng phụ nêu trên, bệnh nhân cần ngừng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Các thuốc điều trị áp xe gan- Ảnh 1.

Hình ảnh áp xe gan.

- Metronidazole đường uống chỉ định điều trị áp xe gan do amip entamoeba histolytica. Không nên dùng cho trường hợp người bệnh có kén amip không có triệu chứng bệnh, do tác dụng của metronidazol hạn chế với entamoeba histolytica khi còn ở trong kén. Các trường hợp này phải điều trị với các thuốc có khả năng diệt amip trong kén như iodoquinol, paromomycin hoặc diloxanid furoat. Metronidazol có thể dùng uống dạng viên nén cùng bữa hoặc sau lúc ăn.

Tác dụng không mong muốn của thuốc phụ thuộc vào liều dùng. Khi dùng liều cao và kéo dài sẽ làm tăng tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại trong miệng. Một số phản ứng khác như nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón. Các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa xảy ra khoảng 5 - 25%.

Trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn, cần sử dụng thêm kháng sinh.

2. Điều trị áp xe gan do vi khuẩn

Trong trường hợp này cần sử dụng kháng sinh. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là lựa chọn theo kháng sinh đồ. Kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân và dẫn lưu ổ áp xe, thậm chí cần kết hợp phẫu thuật trong một số trường hợp. Trong khi chờ kết quả kháng sinh đồ, nên dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng. Kháng sinh đường tĩnh mạch, phổ rộng cần dùng 10 - 14 ngày. Sau đó nếu tình trạng lâm sàng ổn định có thể chuyển kháng sinh đường uống duy trì từ 3 - 4 tuần.

Trường hợp bệnh nặng nên sử dụng ngay kháng sinh có tác dụng mạnh và hoạt phổ rộng như carbapenem. Kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 kết hợp với một thuốc kháng vi khuẩn kỵ khí như metronidazole là điều trị đầu tay được áp dụng nhiều nhất, hoặc aminoglycosid khi vi khuẩn đã kháng cephalosporin thế hệ 3.

Lưu ý khi dùng thuốc:

- Các thuốc carbapenem có hoạt tính diệt khuẩn có phổ rộng, nhưng đều hấp thu kém qua đường uống vì vậy thuốc chỉ được sử dụng bằng đường tiêm. Nhìn chung các carbapenem đều có độ an toàn cao nhưng cần lưu ý điều chỉnh liều dùng phù hợp đối với từng carbapenem.

Các tác dụng phụ gây ra trên đường tiêu hóa có thể gặp như buồn nôn, nôn, tiêu chảy (phụ thuộc liều dùng).

- Các thuốc cephalosporin thế hệ 3 như cefotaxim, cefpodoxim, ceftibuten, cefdinir, cefditoren, ceftizoxim, ceftriaxon, cefoperazon, ceftazidim... có tác dụng mạnh vi khuẩn họ Enterobacteriaceae; được chỉ định trong trường hợp các nhiễm khuẩn nặng mà vi khuẩn đã kháng với cephalosporin thế hệ 1 và 2, trong đó có áp xe não, áp xe gan…

Thuốc có thể gây ra các dị ứng như ngứa, ban da. Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Các phản ứng hiếm gặp nhưng nặng hơn là sốc phản vệ. Thuốc gây độc với thận, thậm chí là gây viêm thận kẽ, do đó cần thận trọng và theo dõi thận trong quá trình dùng thuốc.

Ngoài ra, khi dùng thuốc kéo dài, có thể gây bội nhiễm nấm ở miệng, âm đạo, viêm màng ruột kết giả mạo, rối loạn đông máu, các dấu hiệu đỏ bừng, co cứng bụng, nôn, tim đập nhanh. Cần tránh uống rượu, bia và các đồ ăn thức uống chứa cồn trong thời gian dùng thuốc.

- Aminoglycosid là kháng sinh nhóm aminosid tác dụng diệt khuẩn, tốt với các vi khuẩn Gram-âm. Các aminoglycosid rất hiếm khi được sử dụng đơn độc.

Thuốc có khả năng gây độc tính trên thận nên người sử dụng cần tuân theo hướng dẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng, lạm dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Cần chọc hút ổ áp xe để nuôi cấy vi khuẩn để lựa chọn kháng sinh phù hợp nhất. Kết hợp chọc hút mủ hoặc dẫn lưu khi ổ áp xe lớn trên 5cm. Trường hợp chọc hút mủ và dẫn lưu thất bại, nên tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu.

3. Điều trị áp xe gan do sán lá gan lớn

Áp xe gan do sán lá gan được điều trị bằng thuốc đặc trị sán lá gan là triclabendazole. Cần sử dụng thuốc lợi mật, nhuận tràng trước và sau điều trị thuốc đặc trị. Ngoài ra có thể cần sử dụng phối hợp một số thuốc như kháng histamin, thuốc giảm đau và nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi điều trị bệnh nền.

Người bệnh tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị. Trường hợp vẫn còn nhiễm sán lá gan lớn thì tiếp tục điều trị nhắc lại liệu trình điều trị.

Triclabendazole dẫn xuất của benzimidazol, là một thuốc diệt giun sán có hoạt tính đã được chứng minh chống lại sán lá. Thuốc có thể được điều trị liều duy nhất hoặc 2 liều tùy theo tình trạng bệnh cũng như thể trạng, cân nặng của bệnh nhân.

Các thuốc điều trị áp xe gan- Ảnh 3.

Siêu âm hỗ trợ chẩn đoán áp xe gan.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

  • Đau bụng vùng hạ sườn phải, có thể đau âm ỉ hoặc thành cơn.
  • Sốt nhẹ.
  • Đau đầu nhẹ.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Nổi mẩn, ngứa.

Tùy tình huống tác dụng phụ, bác sĩ có thể hướng dẫn cách xử trí. Nếu tác dụng phụ không nghiêm trọng, có thể được xử trí tại nhà bằng các biện pháp:

  • Dùng thuốc giảm đau khi đau dữ dội.
  • Dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt cao.
  • Dùng thuốc chống dị ứng khi có nổi mẩn, ngứa.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tình hình bất thường hoặc đến bệnh viện để được hướng dẫn xử trí. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phối hợp làm các xét nghiêm, siêu âm hoăc công hưởng từ để theo dõi bệnh.

Xem thêm:

Áp xe gan: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhÁp xe gan: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Áp xe gan là do tổ chức tế bào gan bị phá hủy tạo thành ổ mủ ở gan dẫn đến sự hình thành của một ổ đơn độc hoặc nhiều ổ mủ rải rác.

Chế độ ăn cho người bị áp xe ganChế độ ăn cho người bị áp xe gan

SKĐS - Áp xe gan là một nhiễm trùng nặng, thường gây ra các triệu chứng như sốt, đau, buồn nôn, tiêu chảy và chán ăn... Ngoài việc cần điều trị ngay để ngừa các biến chứng nguy hiểm thì chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần tăng cường sức đề kháng của người bệnh.

Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?Người bệnh áp xe gan tập luyện như thế nào?

SKĐS - Trong giai đoạn bệnh áp xe gan chưa ổn định, tập luyện hay xoa bóp đều chống chỉ định để tránh các biến chứng. Khi bệnh đã ổn định, các bài tập hay xoa bóp hỗ trợ người bệnh cải thiện triệu chứng và hồi phục sức khoẻ.


PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn