Đây không phải là do dị ứng đối với thuốc, cũng không phải do biến thể của mụn trứng cá thông thường. Hiện cơ chế bệnh sinh của rối loạn này hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng…
Sau một thời gian sử dụng thuốc, ở ngực, lưng, vai và cánh tay bệnh nhân xuất hiện các mụn bị viêm với một ít có nhân mụn. Cần phân biệt chẩn đoán mụn trứng cá do thuốc với mụn trứng cá thông thường, mụn trứng cá do mỹ phẩm, viêm nang lông (folliculitis) hoặc ban clor (chloracne)... để có phương pháp điều trị đúng, hiệu quả.
Loại thuốc nào dễ gây nổi mụn?
Trong quá trình dùng thuốc, một số thuốc có tác dụng phụ gây mụn. Khi phải dùng thuốc trong thời gian dài, tác hại gây mụn càng rõ rệt.
Các thuốc kháng sinh: Nổi mụn do dùng thuốc kháng sinh là một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều người. Tình trạng mụn có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo thời gian sử dụng thuốc kháng sinh và cơ địa của mỗi người. Việc sử dụng thuốc kháng sinh liên tục trong thời gian dài có thể khiến làn da bạn bị ảnh hưởng, dễ nhận thấy nhất là da bị đen và sạm, sần sùi, thô ráp, nổi mụn trứng cá… Nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến chức năng gan, làm giảm khả năng thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể nên bùng phát qua da gây mụn. Ngoài ra, nổi mụn còn do hệ miễn dịch của cơ thể xuất hiện phản ứng lại với thuốc, tạo ra kháng thể và histamin, phản ứng trên da gây ra các dạng mụn.
Các loại mụn trứng cá.
Thuốc tránh thai: Khi dùng thuốc tránh thai hàng ngày chứa hai loại hormon estrogen và progesteron tổng hợp làm cho lượng hormon trong cơ thể thay đổi do vậy có khá nhiều tác dụng phụ liên quan đến việc dùng loại thuốc này, trong đó có nổi mụn trứng cá.
Phần lớn người sử dụng thuốc tránh thai một thời gian sẽ cảm nhận thấy da dẻ mịn màng hơn do thuốc tác động vào nội tiết của cơ thể. Vì vậy, trên thực tế bác sĩ da liễu vẫn dùng thuốc tránh thai hàng ngày để điều trị những trường hợp bị mụn trứng cá dạng trung bình đến nặng do nguyên nhân liên quan đến nội tiết. Ngược lại, không ít trường hợp dùng thuốc tránh thai thì lại bị mụn nhiều hơn. Nguyên nhân là do thuốc tránh thai hàng ngày bản chất của nó là thuốc nội tiết, khi uống vào cơ thể ức chế các hormon gây rối loạn nhẹ. Chính điều này có thể khiến các tuyến bã nhờn dưới da tăng sinh gây mụn. Có thể trong thời gian đầu dùng thuốc mụn sẽ nổi nhiều nhưng sau đó sẽ giảm dần, da bớt nhờn và láng mịn hơn do cơ chế thay đổi nội tiết tố. Nhưng sau khi dùng khoảng 3 tháng mà thấy tình trạng mụn không đỡ, thậm chí còn nổi nhiều hơn thì chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Các thuốc glucocorticoid: Việc lạm dụng các thuốc glucocorticoid bôi da cũng là vấn đề có tính phổ biến hiện nay. Nhiều người thường có thói quen tự điều trị bằng nhiều loại thuốc bôi tự pha chế mà thành phần chính có chứa glucocorticoid (thường gọi tắt corticoid). Đặc biệt, có sự dùng nhầm dược phẩm bôi ngoài da dạng kem, thuốc mỡ chứa corticoid và dùng như kem dưỡng da. Các thuốc bôi ngoài da thường bị nhầm như kém dưỡng da như cortibion, halog, synalar, flucinar, topsyne, diprisone... và trên thực tế đã gây nhiều tai biến có khi rất trầm trọng.
Nguyên nhân dùng nhầm là do kem dưỡng da và thuốc bôi ngoài da có cùng dạng bào chế: kem, gel, nhũ tương. Hơn nữa khi dùng các thuốc ngoài da corticod có tác dụng tức thời làm da trắng, mịn, da láng bóng hơn do tác dụng chống viêm của thuốc… nên người dùng tưởng là kem dưỡng da. Trong thời gian đầu sử dụng thuốc có chứa corticoid mụn giảm nhanh chóng, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm mụn trứng cá xuất hiện trở lại với tình trạng nặng hơn hoặc bị mụn đỏ, mụn li ti, teo da, rạn da, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm hư hết da mặt. Làn da trong bối cảnh lệ thuộc corticoid gây nhiều trở ngại cho những tiến trình điều trị sau đó.
Điều trị nổi mụn do thuốc thế nào?
Để điều trị mụn trứng cá do thuốc, trước tiên cần ngưng ngay thuốc nghi ngờ làm nổi mụn. Không tự ý bôi các thuốc trị mụn lên da. Việc làm này chỉ tăng gánh nặng cho da, đồng thời việc không dùng đúng thuốc trị cho từng loại mụn dễ khiến mụn nổi nhiều hơn. Điều đáng chú ý là bên cạnh việc bị mụn trứng cá thông thường, người bệnh bị các dạng mụn khác mà không biết. Do không biết bị loại mụn trứng cá nào và đặc biệt chữa trị không đúng cách mà việc trị mụn trở nên phức tạp. Trong trường hợp cần điều trị mụn bằng thuốc, tốt nhất đến khám và chữa trị ở chuyên khoa da liễu để có phương án dùng thuốc cụ thể.
Các biện pháp chăm sóc da đúng cách cũng hỗ trợ quá trình trị mụn: Rửa mặt 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối bằng nước muối loãng, nước muối sinh lý hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Không nặn mụn, cạy mụn, sờ tay lên mặt… Hạn chế ra ngoài nắng, nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF>30 trước khi ra khỏi nhà từ 20 - 30 phút. Hạn chế trang điểm và lạm dụng mỹ phẩm.
Có thể dùng thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ chứa tetracyclin, tretinoin (nồng độ 0,025%) để kháng khuẩn và trị liệu. Có thể bổ sung viên uống có chứa vitamin A, vitamin E để tăng cường sức khỏe cho làn da.