Mối nguy khi lạm dụng thuốc
Lạm dụng thuốc, uống thuốc không đúng hướng dẫn sử dụng, không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc. Tức là khi cơ thể đã thích nghi với việc sử dụng một chất nào đó đến mức không tạo ra được đáp ứng mong muốn. Hậu quả là người đó sẽ cần phải sử dụng một liều cao hơn để đạt được hiệu quả như trước đó đã từng sử dụng liều thấp.
Khi ngừng dùng thuốc, hoặc giảm liều, người bệnh sẽ gặp hội chứng cai thuốc. Các triệu chứng của hội chứng này có thể diễn biến từ nhẹ cho tới nguy hiểm tính mạng. Người bệnh cảm thấy lo lắng, thèm thuốc, thở nhanh, vã mồ hôi, ngáp, chảy nước mắt, chảy nước mũi, đồng tử co, co thắt dạ dày, run rẩy, co cơ, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, sốt, ớn lạnh, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy...
Một số thuốc có thể gây nghiện nguy hiểm cho người sử dụng.
Một số thuốc có thể gây phụ thuộc, nghiện
Thuốc an thần, chống lo âu: Thuốc an thần phenobarbital, pentobarbital và secobarbital giúp giảm lo âu, khó ngủ và chống co giật. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nghiện nếu người bệnh lạm dụng. Dùng quá liều, thuốc có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, ức chế hô hấp, giảm thông khí trung tâm và tím tái, giảm thân nhiệt, mất phản xạ, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp và thiểu niệu... Vì vậy, cần uống thuốc đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tùy tiện dùng thuốc.
Nhóm benzodiazepines: Các thuốc alprazolam, clonazepam và diazepam, có thể giúp giảm lo âu, cơn hoảng sợ và các vấn đề về giấc ngủ. Nhưng nếu sử dụng quá mức, kéo dài có thể gây nên hiện tượng “quen thuốc” và gây nghiện. Hiện tượng này có thể giải thích do cơ chế tăng chuyển hóa hoặc điều hòa giảm số lượng các receptor trong não. Sau một đợt dùng benzodiazepine kéo dài có thể gây mất ngủ trở lại, lo lắng, bồn chồn hoặc co giật. Việc ngừng đột ngột các loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhóm thuốc này được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiện, nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Thuốc giảm đau có chứa opioid: Một số loại thuốc kê đơn thường bị lạm dụng nhất là thuốc giảm đau opioid (codein và morphin). Những loại thuốc này nếu sử dụng với liều lượng lớn cũng có thể gây hưng phấn và các tác dụng phụ nguy hiểm khác. Các bác sĩ thường kê đơn morphin cho cơn đau nặng và codein cho mức độ nhẹ hơn hoặc ho.
Hội chứng cai thuốc gây ra do opioid có thể rất nặng (trừ codein): Lo lắng, bồn chồn, mất ngủ, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ, chảy nước mắt, nước mũi, ngáp, đổ mồ hôi; tăng hoạt tính giao cảm với các biểu hiện như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, sốt. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong lần đầu dùng thuốc và kéo dài không quá vài ngày. Hội chứng cai thuốc không gây hôn mê hoặc tử vong nhưng có thể gây rối loạn thân thể, loạn tâm thần nặng. Opioid có thể gây chóng mặt và táo bón. Uống liều cao có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, rất nguy hiểm.
Thuốc trị tăng động giảm chú ý (ADHD): Các thuốc có chất kích thích amphetamine được kê đơn cho bệnh nhân rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD). Một số người sử dụng amphetamine để tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo hoặc để giảm cân. Việc lạm dụng các thuốc có chứa chất kích thích này có thể gây nghiện, nguy cơ bị thương do thuốc kích thích tạo ảo giác và hoang tưởng khuếch đại, tiếp theo là mệt mỏi và buồn ngủ. Ở liều cao có thể gây ra sự gia tăng nguy hiểm về nhiệt độ cơ thể, nhịp tim không đều, thậm chí là ngừng tim.
Các thuốc chứa hoạt chất methylphenidate trong điều trị ADHD cần được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để giảm nguy cơ phụ thuộc. Tránh dùng chất kích thích này kết hợp với thuốc thông mũi thông thường, bởi có thể gây tăng huyết áp hoặc nhịp tim không đều.
Làm gì để tránh lạm dụng thuốc?
Hãy cho bác sĩ biết tất cả thuốc bạn đang sử dụng và trao đổi với bác sĩ để biết về những ảnh hưởng của thuốc.
Chỉ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự dừng thuốc hoặc thay đổi liều thuốc.
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc.
Tuyệt đối không uống thuốc theo sự mách bảo, không sử dụng thuốc theo đơn của người khác. Bởi mỗi người có một phương pháp điều trị khác nhau, kể cả khi có cùng bệnh lý.
Bảo quản thuốc ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em. Loại bỏ những thuốc không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng. Nên thực hiện theo các hướng dẫn xử lý thuốc đúng cách.