Trong khi dịch COVID-19 đang hoành hành thì đây cũng là thời điểm dễ xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Bệnh cần được chăm sóc và dùng thuốc đúng cách để phòng ngừa các biến chứng...
Sốt xuất huyết có biểu hiện thế nào?
Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39-40 độ C liên tục, kéo dài 2-7 ngày. Nhiều trường hợp chỉ bị sốt cao trong những ngày đầu và không có bất cứ biểu hiện gì khác. Bên cạnh triệu sốt cao có thể kèm theo các biểu hiện: Rất mệt mỏi, đau đầu, đau nhức toàn thân, đau khớp, buồn nôn, nôn nhiều…
Cần theo dõi chăt chẽ bệnh nhân khi mắc sốt xuất huyết.
Xuất huyết là dấu hiệu của tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu. Từ đó dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Xuất huyết có thể xuất hiện trong thời gian từ ngày thứ 2-5 sau khi có biểu hiện sốt. Xuất huyết có thể là nốt lấm tấm dưới da (không biến mất khi ấn vào); vết bầm máu; chảy máu mũi; chảy máu chân răng mà không do cơ chế tác động gì từ bên ngoài, hoặc có nôn/đi tiêu ra máu…
Các thuốc có thể dùng
Bổ sung điện giải: Cần bù nước bằng dung dịch oserol (pha đúng theo hướng dẫn). Uống thêm nước trái cây để tăng sức đề kháng. Không tự ý truyền dịch tại nhà. Trường hợp bệnh nhân có nôn nhiều hoặc khó khăn trong uống bù dịch thì cần đến cơ sở y tế để được truyền.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay chỉ có các loại thuốc điều trị làm giảm nhẹ các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể…) và nâng đỡ tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân đến khi tự khỏi bệnh.
Để hạ sốt và giảm đau, người bệnh có thể dùng thuốc paracetamol (acetaminophen) khi sốt trên 38,5 độ C. Đây là thuốc không kê đơn và được dùng cho mọi lứa tuổi nếu không có chống chỉ định. Tuy là thuốc khá lành tính, nhưng cần phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Chỉ dùng paracetamol để hạ sốt trong sốt xuất huyết đối với những người không có chống chỉ định.
Trong sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao liên tục, đau nhức khó chịu, rất dễ dẫn đến lạm dụng thuốc hạ sốt giảm đau: Uống một liều không đỡ người bệnh có xu hướng tăng liều hoặc khoảng cách dùng giữa các liều mau hơn... Paracetamol khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, hoại tử gan và các biến chứng nguy hiểm khác.
Paracetamol cũng có nhiều dạng bào chế: Viên uống, viên sủi, viên đạn đặt hậu môn. Với dạng thuốc trẻ em còn dạng thuốc bột hòa tan, siro… Cần lưu ý hàm lượng thuốc cố trong mỗi sản phẩm để không dùng quá liều khuyến cáo.
Thuốc không được dùng trong sốt xuất huyết
Aspirin: Mặc dù cũng là thuốc hạ sốt, giảm đau nhưng tuyệt đối không được dùng thuốc này cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bởi do tính chất chống kết tập tiểu cầu mà aspirin có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, dẫn đến biến chứng nguy hiểm (chảy máu) trong bệnh sốt xuất huyết.
Ibuprofen: Cũng như aspirin, ibuprofen là thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt trong nhóm non-steroid, không được dùng trong bệnh sốt xuất huyết do làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Trong nhóm này còn có diclofenac, meloxicam… mà bệnh nhân cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng khi bị sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết.
Cần lưu ý gì khi mắc sốt xuất huyết?
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn gây áp lực không nhỏ cho ngành y tế.
Mặc dù đa số các trường hợp được điều trị khỏi bệnh và không có biến chứng, nhưng sốt xuất huyết sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu phát hiện bệnh chậm và xử lý muộn. Đó là khi gặp biến chứng sốc, trụy tim mạch. Biến chứng thường xảy ra ở ngày 4-6 khi mắc bệnh.
Biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc Dengue. Do tình trạng thoát huyết tương từ lòng mạch ra ngoài gian bào, từ đó dẫn đến hiện tượng sốc giảm thể tích và rối loạn đông máu. Sốc giảm thể tích và xuất huyết là 2 nguyên nhân chính dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chỉ tử vong ở người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó người chăm sóc cần lưu ý theo dõi chặt chẽ, thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện nặng của bệnh nhân.