Rối loạn vị giác là tình trạng lưỡi giảm cảm giác nhận biết các vị, có thể xảy ra trong một thời gian ngắn hay kéo dài, bị suy giảm một phần hay toàn bộ. Bệnh nhân bị rối loạn vị giác không cảm nhận được vị thức ăn ngọt, mặn, đắng, chua... và không thấy thức ăn ngon hay không ngon. Có khi bệnh nhân mất hết vị giác nhưng cũng có khi chỉ mất một phần vị giác hay cảm nhận sai lệch vị của một số thức ăn.
Thuốc tác động đến vị giác thế nào?
Thuốc là một trong những nguyên nhân giảm vị giác. Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, khi sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn vị giác. Tác động này xảy ra do thuốc tác động làm giảm chức năng hoạt động của thần kinh vị giác, làm biến đổi cảm nhận về vị hoặc gây ra vị giác ảo. Rối loạn này dễ gặp ở người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém…
Một ảnh hưởng khác cũng được tính đến là do lưỡi nhận biết vị nhờ các phân tử vị gắn kết lên thụ thể nụ vị giác (các tế bào thần kinh vị giác) trên bề mặt của niêm mạc lưỡi và truyền tín hiệu lên não. Một số loại thuốc ức chế quá trình này, ngăn chặn sự gắn kết các phân tử vị lên các thụ thể của tế bào thần kinh vị giác, gây ra tác dụng phụ giảm hoặc rối loạn vị giác.
Một số loại thuốc sử dụng trong thời gian dài có thể làm rối loạn vị giác.
Điểm mặt các thuốc gây rối loạn vị giác
Các thuốc kháng sinh: Nhiều loại kháng sinh như ciprofloxacin, levofloxacin, metronidaxol, clarithromycin… khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng vị giác bằng các cơ chế khác nhau. Thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường ở niêm mạc miệng, dạ dày và ruột, dẫn đến các rối loạn vị giác. Một số kháng sinh có thể gây ra vị đắng, chua hoặc vị kim loại ở trong miệng, một số khác có thể gây rối loạn cảm nhận với một số loại muối. Do các kháng sinh tan nhanh hơn trong môi trường axit và vị đắng của chúng thường không được trung hòa bởi các chất gây ngọt nên kháng sinh thường sẽ gây vị đắng trong miệng nhiều hơn nếu được uống cùng với các thức ăn hoặc đồ uống có môi trường axit so với khi được uống cùng nước.
Corticoid: Nhóm thuốc này được dùng khá phổ biến trong điều trị nhưng cũng có thể gây rối loạn vị giác thông qua cơ chế ức chế miễn dịch tương tự như các hóa chất chống ung thư. Các dẫn chất khác nhau có khả năng gây rối loạn vị giác khác nhau. So sánh 3 loại corticoid đường uống là dexamethason, prednison và prednisolon cho thấy, prednison có nguy cơ lớn nhất và dexamethason có nguy cơ thấp nhất về khả năng gây rối loạn vị giác. Các loại corticoid đường tiêm truyền nếu dùng liều cao và kéo dài còn có thể gây rối loạn vị giác thông qua các cơ chế độc lập với cơ chế ức chế miễn dịch.Với corticoid xịt mũi dùng trong điều trị các bệnh viêm mũi xoang dị ứng, thuốc triamcinolon gây rối loạn vị giác nhẹ hơn và ít dư vị hơn so với mometason và fluticasone propionate.
Thuốc chống nấm và thuốc kháng virut: Trong số các thuốc chống nấm, terbinafin là thuốc có liên quan rõ rệt nhất với rối loạn vị giác. Thuốc này có thể ảnh hưởng đến vị giác thông qua ức chế thụ thể của các enzym cytochrom P450. Rối loạn vị giác liên quan đến terbinafin thường gặp hơn ở những người trên 55 tuổi hoặc có thể trạng gầy. Vị giác thường sẽ hồi phục vài tháng sau khi ngưng dùng thuốc.
Thuốc kháng virut (acyclovir, zidovudine…) thường được sử dụng trong điều trị các bệnh do virut gây ra (Herpes, viêm gan siêu vi B, thủy đậu…). Các thuốc này làm giảm khả năng nhận biết vị của lưỡi, có thể gây các biến loạn vị giác, thường là vị đắng kéo dài trong miệng. Vị đắng của amantadin và oseltamivir dưới dạng hỗn dịch (thường dùng trong điều trị các loại cúm) sẽ tăng lên nếu thuốc được sử dụng trong môi trường nhiều axit.
Các thuốc tim mạch: Gần như tất cả các nhóm thuốc tim mạch đều có liên quan với các rối loạn về vị giác, bao gồm các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc kích thích giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chống rối loạn nhịp tim, thuốc lợi tiểu và giãn mạch vành. Trong các nhóm thuốc kể trên, nhóm thuốc ức chế men chuyển (perindopril, enalapril, captopril) dùng trong điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim… có liên quan rõ rệt nhất với các rối loạn vị giác, với khoảng 60-70% số người sử dụng có những rối loạn về vị giác ở những mức độ khác nhau.
Cho đến nay, các phương pháp điều trị rối loạn vị giác còn rất hạn chế. Nếu rối loạn vị giác liên quan đến thuốc có thể giải quyết bằng cách giảm liều thuốc, ngưng dùng thuốc hoặc chuyển sang dùng thuốc khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, rối loạn vị giác do thuốc có thể hồi phục rất chậm và diễn biến kéo dài sau khi ngừng thuốc.