1. Vai trò của hệ xương khớp
Hệ xương khớp (hay còn gọi là hệ cơ xương khớp) có vai trò quan trọng trong việc giúp con người thực hiện các hoạt động hàng ngày, bao gồm di chuyển, đứng, ngồi, nâng đồ vật và tham gia các hoạt động thể thao.
Vai trò chính của hệ xương khớp bao gồm:
- Hỗ trợ và bảo vệ cơ thể: Hệ xương khớp cung cấp một kết cấu chắc chắn cho cơ thể, giúp bảo vệ các cơ quan và cấu trúc nội tạng bên trong. Nó cũng giúp duy trì hình dáng của cơ thể.
- Di chuyển: Hệ xương khớp cung cấp các bộ phận chuyển động cho cơ thể, cho phép chúng ta di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Duy trì cân bằng khoáng chất: Xương là nơi lưu trữ khoáng chất, bao gồm canxi và photpho. Khi cơ thể cần, có thể sử dụng khoáng chất từ xương để duy trì các quá trình sinh lý khác trong cơ thể.
- Điều chỉnh sức ép và tải trọng: Hệ xương khớp cũng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sức ép và tải trọng trên cơ thể. Chúng giúp phân bố tải trọng đều trên các khớp và xương, giúp giảm thiểu các chấn thương và bệnh lý.
Vì vậy, việc duy trì sức khỏe và chăm sóc hệ xương khớp là rất quan trọng để giúp duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và hoạt động hàng ngày thuận lợi. Tuy nhiên việc sử dụng một số loại thuốc lâu dài hoặc lạm dụng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp.
2. Các thuốc có thể gây hại cho xương khớp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tác dụng phụ của thuốc là những phản ứng xảy ra không mong muốn hoặc có hại đến sức khỏe của bệnh nhân khi sử dụng thuốc trong điều trị. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm: Các phản ứng da, kích ứng tiêu hóa, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nổi mẩn, phù, đau bụng, suy gan, suy thận, đau cơ, đau khớp, loãng xương, gãy xương...
Dưới đây là một số nhóm thuốc phổ biến có tác dụng phụ ảnh hưởng đến xương khớp, bao gồm:
2.1 Thuốc corticoid
Corticoid là một loại hormone steroid tự nhiên được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Khi được sử dụng dưới dạng thuốc, corticoid có tác dụng giảm viêm và làm giảm đau. Corticoid thường được sử dụng để điều trị cho những người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, bệnh Crohn, bệnh hen suyễn... Vì những bệnh này là mạn tính, nên người bệnh thường phải dùng thuốc trong thời gian dài. Tuy nhiên sử dụng quá liều hoặc lâu dài có thể gây ra những tác dụng phụ như tăng huyết áp, giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, loét dạ dày và ảnh hưởng đến xương khớp.
Thuốc ảnh hưởng đến quá trình tu sửa xương bằng cách giảm hoạt động của các tế bào tạo xương (nguyên bào xương) và tăng hoạt động của các tế bào huỷ xương gây mất xương nhanh chóng.
Để giảm bớt tác hại đối với xương: Khi bắt đầu điều trị nên duy trì liều lượng càng thấp càng tốt để kiểm soát tình trạng viêm và đau.
Các loại thuốc corticoid phổ biến ảnh hưởng đến xương: Prednisone, prednisolone, methyprednisolone, dexamethasone, cortisone...
2.2 Thuốc trầm cảm
Nhóm SSRI là thuốc điều trị trầm cảm phổ biến nhưng thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị cho người bị đau thắt lưng mạn tính như thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, thuốc có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, loại thuốc chống trầm cảm này có thể gây loãng xương ở phụ nữ lớn tuổi và giảm mật độ xương ở trẻ em và nam giới.
Một số thuốc SSRI có thể làm loãng xương: Fluoxetin, paroxetine, sertralin.
2.3 Thuốc chống co giật
Thuốc chống co giật thường được sử dụng để kiểm soát các cơn co giật, nhưng cũng có thể giúp ích cho những người bị đau dây thần kinh liên quan đến cột sống. Tuy nhiên, một số loại thuốc chống co giật có thể làm tăng chuyển hóa vitamin D ở gan, làm giảm nồng độ vitamin D trong máu.
Vitamin D rất cần thiết cho khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, vì vậy mức vitamin D thấp hơn có thể gây loãng xương.
Ví dụ về thuốc chống co giật có thể gây hại cho xương: Phenytoin, phenobarbital, axit valproic
2.4 Thuốc trị viêm loét dạ dày
Thuốc kháng axit có chứa nhôm (cả loại không kê đơn và thuốc kê đơn) giúp trung hòa axit dạ dày. Thuốc chẹn H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm axit mà dạ dày tạo ra. Tuy 2 loại thuốc này có thể làm giảm cơn đau dạ dày, nhưng sử dụng lâu dài có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và tăng nguy cơ gãy xương.
Thuốc kháng axit có chứa nhôm có thể gây hại cho xương: Nhôm hydroxit, magie hydroxit...
PPI có thể gây hại cho xương: Omeprazol, esomeprazol, lansoprazol...
2.5 Các loại thuốc khác
Nhiều nhóm thuốc khác có thể gây ra các vấn đề về cơ xương như thuốc điều trị ung thư, một số thuốc chống nấm hoặc thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc lợi tiểu quai…
Do đó, việc sử dụng các loại thuốc này cần được tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và không nên sử dụng quá liều hoặc dùng trong thời gian dài mà không được chỉ định.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào liên quan đến các vấn đề về khớp hoặc cơ xương khớp khi sử dụng các loại thuốc này, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
6 mẹo ăn uống trước và sau tiêm vaccine Covid-19.