Hà Nội

Các thuốc có thể dùng trị khàn giọng

19-03-2023 09:12 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khàn giọng không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có cách điều trị khác nhau...

Khàn giọng do thời tiếtKhàn giọng do thời tiết

Nhiều người đột ngột bị khan tiếng (khàn giọng), thậm chí mất tiếng, dù trước đó không có biểu hiện bệnh lý gì. Tình trạng này thường xảy ra ở thời điểm nắng nóng, nhất là vào mùa hè.

1. Vì sao bị khàn giọng?

Khàn giọng là hiện tượng giọng nói đột ngột thay đổi. Người bệnh thường có giọng trầm, khàn. Có thể có nhiều lý do khiến giọng nói bị khàn:

Viêm thanh quản: Viêm thanh quản là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khàn giọng, có thể do cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dị ứng. Viêm thanh quản mạn tính có thể do hút thuốc, sử dụng rượu quá mức, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tiếp xúc với hóa chất hoặc bụi gây kích ứng thanh quản...

Nói quá nhiều: Nói quá lâu, cổ vũ quá to, hát quá nhiều hoặc nói với cao độ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường… có thể gây khàn tiếng. Điều này có thể gây ra xuất huyết nếp gấp thanh âm. Ngoài ra, giọng nói cũng có thể trở nên khàn hơn khi bạn già đi.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Chứng ợ nóng có thể gây khàn giọng khi axit dạ dày trào lên cổ họng và kích thích các mô. Ở một số người, axit trong dạ dày dâng lên tận cổ họng và thanh quản và kích thích các nếp gấp thanh quản, gọi là trào ngược thanh quản.

Ngoài ra khàn tiếng có thể do xuất hiện các nốt thanh âm, polyp và u nang bên trong hoặc dọc theo các nếp gấp thanh quản; hoặc bệnh liệt dây thanh âm, các bệnh rối loạn thần kinh như đột quỵ, Parkinson, chứng khó thở co thắt...

Thuốc nào trị khàn giọng? - Ảnh 2.

Viêm thanh quản là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khàn giọng.

2. Triệu chứng của khàn giọng

Khàn giọng là khi giọng nói nghe có vẻ như là hơi thở, khàn khàn hoặc căng thẳng, có thể nhỏ hơn về âm lượng hoặc thấp hơn về âm vực. Cổ họng cảm thấy khó chịu.

Khi bị khàn tiếng hơn 3 tuần, nên đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt nếu người bệnh không bị cảm lạnh hoặc cúm. Ở trường hợp khàn giọng có ho ra máu hoặc khó nuốt, cảm thấy có khối u ở cổ, đau khi nói hoặc nuốt, khó thở hoặc mất giọng hoàn toàn trong hơn một vài ngày…, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế.

Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị khàn tiếng. Khàn giọng phổ biến nhất ở những người hút thuốc và những người sử dụng giọng nói của họ một cách chuyên nghiệp như giáo viên, ca sĩ, đại diện bán hàng và nhân viên tổng đài…

3. Điều trị khàn giọng thế nào?

Khàn giọng không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Thông thường, giọng nói của một người sẽ trở lại bình thường mà không cần điều trị. Trong các trường hợp khác, các bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống để điều trị tình trạng này.

3.1 Biện pháp không dùng thuốc

Để phòng và trị khàn giọng cần:

- Uống nhiều nước.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.

- Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm.

- Nghỉ ngơi giọng nói khi bị bệnh.

- Luyện tập thể dục đều đặn. Nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm cân, tuy nhiên cần lưu ý rằng tập thể dục quá sức cũng có thể gây trào ngược).

- Thực hành các kỹ thuật thở khi nói hoặc hát.

- Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn sẽ giúp ích, cũng như ăn chậm, nhai kỹ từng miếng. Các bữa ăn lớn khiến axit trong dạ dày được sản xuất nhiều hơn và gây thêm căng thẳng cho van giữa dạ dày và thực quản. Tránh hút thuốc, thức ăn cay nóng.

- Nên nghỉ ngơi ít nhất 2 giờ sau khi ăn, tránh nằm đầu quá thấp gây trào ngược dạ dày thực quản.

Thuốc nào trị khàn giọng? - Ảnh 3.

Khi bị khàn giọng nên uống nhiều nước để tránh họng bị khô.

3.2 Điều trị bằng thuốc

Điều trị tùy thuộc vào tình trạng gây ra khàn giọng. Một số thuốc có thể dùng bao gồm:

- Thuốc hạ sốt: Nếu bị sốt do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên, nên nghỉ ngơi, uống nước và dùng thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol, ibuprofen). Liều dùng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

- Thuốc kháng acid và thuốc ức chế bơm proton: GERD (trào ngược dạ dày - thực quản) và LPR (trào ngược họng thanh quản) được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc kháng acid và thuốc ức chế bơm proton (PPI).

PPI bao gồm omeprazole, lanzoprazole, esomeprazole theo chỉ định của bác sĩ. Đôi khi nên kết hợp PPI và các chế phẩm alginate (natri alginate và kali bicarbonate). Phương pháp điều trị này thường rất hiệu quả vì các enzym và mật có trong dịch dạ dày có thể gây ra nhiều tổn thương cho nhiều người hơn là acid. Thuốc kháng acid đơn giản không có alginate (ví dụ: Nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd) kém hiệu quả hơn nhiều và do đó không được khuyến cáo để điều trị LPR.

- Thuốc kháng virus: Cảm lạnh hoặc cúm gây viêm thanh quản thường do nhiễm virus, các triệu chứng có thể tự biến mất. Có thể sử dụng thuốc kháng virus (oseltamivir, zanamivir) để giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục trong 1–2 ngày.

- Thuốc kháng sinh: Nếu khàn giọng do vi khuẩn, có thể được dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, viêm thanh quản rất hiếm khi do vi khuẩn gây ra, kháng sinh sẽ không giúp ích gì cho bệnh viêm thanh quản do virus.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đau dạ dày, Khám phát hiện bị nhồi máu cơ tim.

DS. Vân Hoàng
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn