Các thuốc co mạch và những ứng dụng trong điều trị

18-01-2019 17:39 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thuốc co mạch là những thuốc gây co thắt các tế bào cơ trơn của thành mạch, khiến các mạch máu co lại, hẹp đi, tốc độ lưu thông máu chậm và làm gia tăng áp lực lên thành mạch gây tăng huyết áp.

Phân loại và cơ chế tác dụng

Phân loại:

Các thuốc co mạch được chia làm 2 nhóm chính:

Nhóm tương tự vasopressin (vasopressin, desmopressin, terlipressin…)

Nhóm chủ vận alpha-adrenergic (Epinephrin, norephinephrin, phenylephrin…).

Ngoài 2 nhóm chính, còn có một số loại thuốc khác cũng có tác dụng gây co mạch như: các thuốc kháng histamin, caffein…

Cơ chế tác dụng:

Thuốc co mạch làm gia tăng nồng độ ion Ca trong máu và trong các tế bào cơ trơn của thành mạch, gây ra sự co thắt các mạch máu.

Các thuốc co mạch

Thường được sử dụng trong điểu trị bệnh huyết áp thấp

Một số thuốc co mạch thông dụng

Epinephrin (adrenalin) là chất dẫn truyền thần kinh cường giao cảm nhóm catecholamine. Khi vào cơ thể, epinephrine có tác dụng co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, giãn phế quản…

Norepinephrin (noradrenalin) là chất dẫn truyền thần kinh cường giao cảm nhóm catecholamine, tương tự như epinephrine. Khi vào cơ thể, norepinephrin cũng gây co mạch và làm tăng huyết áp.

Vasopressin là một hoóc-môn kháng lợi tiểu do tuyến yên tiết ra nhưng hiện nay đã tổng hợp được. Khi vào cơ thể, vasopressin gây co mạch, tăng huyết áp, tái hấp thu nước ở thận…

Phenylephrin là chất giao cảm có tác dụng kéo dài hơn adrenalin, gây co mạch tăng huyết áp.

Xylometazolin là chất giao cảm tác dụng lên các thụ thể alpha- adrenergic tại niêm mạc mũi (tương tự như naphazolin ), gây co mạch cục bộ ở mũi nên làm giảm sung huyết mũi.

Những ứng dụng trong điều trị

Các thuốc co mạch như midodrin, phenylephrin… do có tác dụng làm tăng huyết áp nên thường được sử dụng trong điểu trị bệnh huyết áp thấp.

Một số thuốc co mạch kết hợp với các thuốc gây tê cục bộ để kéo dài thời gian tác dụng của thuốc gây tê (adrenalin kết hợp với lidocain sẽ kéo dài thời gian tác dụng từ 1 - 2 giờ).

Các thuốc phenylephrin, xylometazolin… có tác dụng chống sung huyết (decongestan) thường được sử dụng trong điều trị sổ mũi, nghẹt mũi do cảm lạnh, viêm xoang.

Các thuốc co mạch như adrenalin, noradrenalin… được sử dụng cấp cứu trong các trường hợp rối loạn tuần hoàn do sốc phản vệ, sốc do nhiễm khuẩn.

Các thuốc co mạch (ephedrin, phenylephrin) có tác dụng làm co các mạch máu nên làm giảm tạm thời các triệu chứng sưng, đau, bỏng rát ở vùng hậu môn bị kích thích ở người mắc bệnh trĩ.

Các thuốc co mạch còn được chỉ định cầm máu trong phẫu thuật như: vassopresin, desmopressin…

Cần lưu ý:

- Thuốc co mạch có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, run, mất ngủ.

- Không sử dụng thuốc co mạch cho người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, u xơ tiền liệt tuyến…

- Đa số các thuốc co mạch là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa.


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn