Một nghiên cứu cho thấy, có bốn ưu điểm chính trong việc sử dụng các thuốc phối hợp cố định liều: Giảm tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao, tổng chi phí thấp hơn so với sử dụng đơn hoạt chất ở liều cao và cải thiện sử dụng thuốc hợp lý hơn. Do đó, FDC rất phổ biến trên thị trường dược phẩm của Ấn Độ và đặc biệt phát triển mạnh trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, từ năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm đối với 344 thuốc phối hợp cố định liều “bất hợp lý”. Quyết định của Chính phủ được đưa ra khi có báo cáo thể hiện mối lo ngại về sự an toàn và hiệu quả của FDC được sản xuất tại Ấn Độ. Đây được xem là hành động cần thiết của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong các FDC bị cấm thì có 19% là kháng sinh, 12% là thuốc kháng viêm không steroid, còn lại là các FDC khác như metformin bromocriptine, codeine levocetirizine menthol… Mặc dù có nhiều báo cáo tính bất hợp lý về một số FDC nhưng những thuốc này vẫn đang được sản xuất và quảng bá trên thị trường thuốc của Ấn Độ. Ngoài ra, có báo cáo cho rằng một số FDC đã bị cấm ở Ấn Độ đã được xuất khẩu sang các nước châu Phi và châu Á khác. Điều này cho thấy sự quản lý FDC cần được thắt chặt hơn trên toàn thế giới.
Tại nước ta, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi 42 loại thuốc biệt dược liên quan đến 2 FDC là: domperidon và chất ức chế bơm proton; thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain. Các chế phẩm phối hợp cố định liều cũng khá phổ biến trên thị trường thuốc tại Việt Nam. Vì vậy, việc rà soát, đánh giá lại một cách hệ thống hiệu quả và an toàn của các chế phẩm này là cần thiết.