1. Tăng tiết mồ hôi là gì?
Mặc dù nó không phải là một bệnh lý đe dọa đến tính mạng, nhưng tăng tiết mồ hôi có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, gây cản trở tâm lý cũng như các hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Các tuyến mồ hôi hoạt động dưới sự kiểm soát của hệ thống thần kinh giao cảm. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt các tuyến mồ hôi tiết ra mồ hôi để làm mát cơ thể. Đổ mồ hôi trở thành một chứng rối loạn khi một người đổ mồ hôi nhiều ngay cả khi nhiệt độ mát mẻ hoặc không có bất kỳ hoạt động thể chất, tâm lý hoặc tác nhân nào.
Tăng tiết mồ hôi khu trú là thuật ngữ được sử dụng khi đổ mồ hôi quá nhiều ở một bộ phận của cơ thể như dưới cánh tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân... Đây đều là những vùng tập trung nhiều tuyến mồ hôi.
2. Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát:
- Tăng tiết mồ hôi nguyên phát có thể xảy ra không do nguyên nhân cơ bản nào.
- Tăng tiết mồ hôi thứ phát do một số bệnh lý gây ra như rối loạn nội tiết, mãn kinh, nhiễm trùng, cường giáp, một số loại bệnh ung thư hoặc do tác dụng của một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm…
Các triệu chứng của chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát khu trú thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên và ảnh hưởng đến một hoặc nhiều vùng cơ thể. Các vị trí thường bị ảnh hưởng nhất là nách (51%), lòng bàn tay (24%) và lòng bàn chân (30%).
Trong trường hợp tăng tiết mồ hôi nguyên phát, việc điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp tăng tiết mồ hôi thứ phát cần điều trị các bệnh lý tiềm ẩn hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng phụ có thể gây đổ mồ hôi.
3. Thuốc điều trị tăng tiết mồ hôi
3.1 Thuốc ngăn tiết mồ hôi
Thuốc ngăn tiết mồ hôi được coi là phương pháp điều trị đầu tiên đối với chứng tăng tiết mồ hôi. Hầu hết các thuốc ngăn tiết mồ hôi không kê đơn đều chứa một lượng nhỏ muối nhôm, như nhôm clorua, tương tác với các thành phần của mồ hôi giúp ngăn chặn tạm thời quá trình thoát mồ hôi.
Thuốc ngăn tiết mồ hôi kê đơn thường có thành phần hoạt chất là nhôm clorua hexahydrate. Đây là một trong những chất chống mồ hôi hiệu quả nhất nhưng có thể gây kích ứng da nếu không tuân thủ chính xác hướng dẫn.
Khi sử dụng thuốc ngăn tiết mồ hôi, cần làm theo hướng dẫn trên nhãn thông tin sản phẩm hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ da liễu. Để tránh kích ứng, chỉ bôi thuốc lên vùng da khô hoàn toàn. Nếu có mồ hôi hoặc nước trên da, khi bôi thuốc sẽ gây kích ứng da và châm chích.
3.2 Thuốc kháng cholinergic
Thuốc kháng cholinergic đường uống cũng là phương pháp điều trị toàn thân được sử dụng phổ biến cho chứng tăng tiết mồ hôi. Thuốc kháng cholinergic giúp ngăn chặn các tín hiệu từ các dây thần kinh của các tuyến mồ hôi và do đó làm giảm mồ hôi.
Nhiều bệnh nhân tăng tiết mồ hôi đã điều trị bằng thuốc kháng cholinergic thành công, đặc biệt khi được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật kiểm soát mồ hôi khác. Tuy nhiên, thuốc kháng cholinergic chưa được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng dành riêng cho chứng tăng tiết mồ hôi. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng cholinergic trong điều trị tăng tiết mồ hôi là hướng dẫn ngoài nhãn.
Thuốc kháng cholinergic thường được sử dụng để điều trị tăng tiết mồ hôi là glycopyrrolate và oxybutynin.
Cần lưu ý, thuốc kháng cholinergic tác động đến cơ chế đổ mồ hôi nên cơ thể có thể gặp khó khăn hơn trong việc giữ mát cơ thể. Do đó, các vận động viên, những người làm việc ngoài trời nắng nóng phải hết sức cẩn thận khi xem xét điều trị.
Bệnh nhân dùng thuốc phải theo dõi nhiệt độ, lượng nước uống vào và bất kỳ triệu chứng nào như da nhợt nhạt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn…
Hơn nữa, những bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp (đặc biệt là bệnh tăng nhãn áp góc hẹp) và những người có tiền sử hoặc triệu chứng bí tiểu không nên sử dụng thuốc kháng cholinergic.
3.3 Các thuốc khác
Ngoài ra, chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát có thể được điều trị bằng cách tiêm độc tố botulinum (Botox) định kỳ, giúp tạm thời ngăn chặn hoạt động giao cảm ở vùng được điều trị, do đó làm giảm tiết mồ hôi quá nhiều.
Khi sử dụng thuốc không hiệu quả, phẫu thuật cũng có thể là một lựa chọn điều trị khác cho chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ các vùng tuyến mồ hôi nhỏ từ những vùng tiết ra quá nhiều mồ hôi.
Các liệu pháp khác như laser, thuốc thảo dược… không phải là lựa chọn tiêu chuẩn và chưa được khoa học chứng minh.
Khi bị tăng tiết mồ hôi, người bệnh cần đến các chuyên khoa da liễu để xác định chính xác nguyên nhân từ đó có phương án điều trị phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc để tránh tai biến có thể xảy ra.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?