Amantadine được FDA cấp phép từ năm 1966. Thuốc tác dụng ở giai đoạn ức chế sự hòa nhập virut vào bên trong tế bào ký chủ. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như bồn chồn lo lắng, chóng mặt, mất ngủ...
Rimantadine được FDA cấp phép vài năm sau và cùng có cơ chế tác dụng như amantadin nhưng ưu việt hơn do khả năng xâm nhập vào dịch đường hô hấp hiệu quả hơn amantadin đồng thời lại ít tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng trên hệ thần kinh trung ương hơn so với amantadin. Ngoài ra, những tác dụng bất lợi của rimantadine có thể dễ chấp nhận hơn cho người già.
Cả hai loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị cúm A và có hiệu quả làm giảm khoảng 50% thời gian bị bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Tuy nhiên thuốc không có tác dụng trên virut cúm B và không có tác dụng trên cúm có biến chứng và thực tế điều trị cũng đã xác nhận khả năng kháng thuốc của virut cúm.
Ribavirin: Thuốc có tác dụng ở giai đoạn 2, tức là ngăn cản virut cúm tổng hợp RNA của nó, từ đó ức chế sự sao chép của nó bên trong tế bào. Ngoài thuốc viên, ribavirin còn được dùng ở dạng khí dung (bơm xịt vào đường hô hấp).
Oseltamivir (biệt dược là tamiflu): Thuốc có tác dụng ở giai đoạn cuối, tức là ngăn không cho virut cúm sao chép trưởng thành và phóng thích ra khỏi tế bào bằng cách ức chế men neuraminidase (chính là kháng nguyên N của lớp vỏ virut cúm). Oseltamivir có tác dụng kìm hãm được cả virut cúm A và cúm B. Trên lâm sàng, oseltamivir rút ngắn thời gian bị bệnh ở người lớn trên 1 ngày, ở trẻ em là gần 1 ngày và liều lượng kháng sinh phải dùng giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, vì thuốc chỉ hạn chế sự phát triển của virut nên không có tác dụng trên các thương tổn đã xảy ra và chỉ có tác dụng trong vòng 2 ngày đầu sau khi có triệu chứng đầu tiên mà không có tác dụng khi virut đã gây thương tổn. Nếu sử dụng muộn, không những không có tác dụng điều trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi để virut kháng thuốc.
Zanamivir (biệt dược là relenza) có cơ chế tác dụng giống như oseltamivir nhưng được bào chế ở hạng thuốc hít nên khó dùng hơn.
Cả hai loại thuốc này đều được FDA phê chuẩn năm 1999 làm thuốc điều trị cúm và lưu hành rộng rãi khắp thế giới và chứng minh hiệu lực lâm sàng tốt cũng như ít tác dụng phụ trên người dùng. Tuy vậy, tất cả các thuốc này đều là thuốc kháng virut chứ không phải thuốc diệt virut, không phải thuốc đặc hiệu chữa cúm, càng không phải thuốc đặc hiệu chữa cúm gia cầm hay cúm lợn.
Gamma globulin và interferon: là các chất sinh học do cơ thể sản xuất ra để chống lại virut. Gamma globulin ngăn virut xâm nhập vào tế bào vì có chứa kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt nằm trên lớp vỏ của virut. Còn interferon kháng virut bằng cách ngăn cản virut tổng hợp protein, RNA hoặc DNA của nó trong tế bào. Như vậy, trong cơ thể ta luôn có nội lực kháng lại bệnh tật, kể cả các bệnh truyền nhiễm do virut. Hiểu rõ điều này, các nhà khoa học đã tổng hợp gamma globulin và interferon dùng làm thuốc.
Cảm xuyên hương là loại thuốc phát triển từ bài thuốc cảm Đông dược truyền thống có chứa gừng và các dược liệu bao gồm: bột xuyên khung, bột gừng, bạch chỉ, hương phụ, quế nhục, cam thảo có tác dụng làm hết nhanh các triệu chứng cảm lạnh, hắt hơi, sổ mũi. Thuốc được dùng để điều trị các trường hợp cảm cúm, cảm lạnh, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, sốt xuất huyết.
Tỏi: tên khoa học là Allium sativum L. Thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Trong tỏi có một ít iốt và tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin có công dụng kháng khuẩn, kháng virut và kháng ký sinh trùng. Có thể dùng tỏi tươi, dịch chiết tỏi, tỏi ngâm giấm hoặc ngâm rượu, dùng riêng tỏi hoặc kết hợp với gừng hoặc hành để phòng ngừa cúm. Hiện trên thị trường có viên tỏi, viên garlic... được sản xuất từ tỏi có tác dụng kháng cúm rất tốt.
DS. Nhật Hà