LTS: Trên trang 4 báo Sức khoẻ&Đời sống số 108 đã đăng bài Rung nhĩ - rối loạn nhịp tim thường gặp của TS. BSCC. Phạm Quốc Khánh (Viện Phó Viện Tim mạch Quốc gia). Để giúp bạn đọc có thêm kiến thức về vấn đề này, báo Sức khoẻ&Đời sống đăng tiếp bài Các thuốc chống đông trong điều trị rung nhĩ.
Thuốc chống đông là gì?
Việc hình thành cục máu đông là một quá trình phức tạp được gọi là con đường đông máu do sự kết hợp của các protein tế bào giúp cơ thể ngăn chặn sự chảy máu. Các thuốc chống đông hay còn gọi là các thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông này.
Các loại thuốc chống đông
Có một số loại thuốc chống đông có thể lựa chọn cho bệnh nhân rung nhĩ. Mục đích sử dụng các thuốc chống đông này là tác động vào một hoặc nhiều khâu trong con đường đông máu để ngăn chặn hình thành các cục máu đông, gồm:
Thuốc kháng vitamin K
Có nhiều loại protein trong quá trình đông máu được tổng hợp nhờ vitamin K. Thuốc kháng vitamin K (VKAs) sẽ ngăn chặn quá trình tổng hợp các loại protein đông máu này. Đây là nhóm thuốc có lịch sử lâu đời nhất trong các thuốc chống đông phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ, trong đó warfarin (coumadin) là thuốc kháng vitamin K đầu tiên được phê duyệt năm 1954.
Thuốc ức chế trực tiếp thrombin
Thrombin là một enzym trong quá trình hình thành cục máu đông. Bằng cách ức chế thrombin, con đường đông máu bị ngăn chặn, qua đó làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Dabigatran (pradaxa) là một thuốc nằm trong nhóm này.
Khi dùng thuốc cần sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa. Ảnh: TM
Thuốc ức chế yếu tố xa
Yếu tố xa là một enzym trong quá trình đông máu, vì vậy, việc ức chế yếu tố xa sẽ ngăn chặn con đường đông máu. Một số thuốc ức chế yếu tố xa như rivaroxaban (xarelto) và apixaban (eliquis).
Lợi ích và nguy cơ
Việc sử dụng các thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các bệnh nhân dùng thuốc chống đông phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng lên do các thuốc này ngăn chặn quá trình đông máu và hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.
Thuốc kháng Vitamin K
Ưu điểm: Là nhóm thuốc đã được sử dụng lâu dài trên lâm sàng, do vậy, phần lớn các bác sĩ đều có kinh nghiệm trong việc dùng thuốc kháng vitamin K. Trong trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật cấp cứu (VD: tai nạn giao thông) hoặc phẫu thuật theo chương trình có thể sử dụng các thuốc đối kháng để đưa quá trình đông máu của bệnh nhân về bình thường. Đặc biệt, các thuốc kháng vitamin K có lợi thế về mặt kinh tế với giá thành thấp nhất trong các loại thuốc chống đông.
Nhược điểm: Trong thực tế, có rất nhiều loại rau xanh chứa nhiều vitamin K. Việc sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin K sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K để phòng ngừa đột quỵ. Ngoài ra, một số thuốc khác cũng có sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K. Vì vậy, bệnh nhân uống thuốc kháng vitamin K phải kiểm tra đông máu định kỳ để chắc chắn đã đạt liều tránh quá liều chống đông. Xét nghiệm PT- INR cần duy trì từ 2.0 - 3.0. Nếu PT- INR thấp hơn 2, đồng nghĩa việc chống đông chưa đạt đích điều trị, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ. Ngược lại,nếu PT- INR cao hơn 3, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ chảy máu.
Thuốc ức chế trực tiếp thrombin
Ưu điểm: Thuốc ức chế trực tiếp thrombin dễ sử dụng hơn trên lâm sàng, sự tương tác với các thuốc cũng như chế độ ăn ít hơn nhiều so với thuốc kháng vitamin K. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế trực tiếp thrombin không phải đi kiểm tra máu định kỳ. Ngoài ra, thuốc ức chế trực tiếp thrombin có nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K.
Nhược điểm: Thuốc ức chế trực tiếp thrombin chỉ có tác dụng phòng ngừa đột quỵ trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy cần uống thuốc đều, không được quên hoặc bỏ liều. Mặc dù nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K nhưng các chế phẩm ức chế trực tiếp thrombin vẫn làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa như xuất huyết dạ dày, ruột.
Thuốc ức chế yếu tố Xa
Ưu điểm: Thuốc ức chế trực tiếp yếu tố xa dễ sử dụng hơn thuốc kháng vitamin K. Tương tự như thuốc ức chế trực tiếp thrombin, thuốc ức chế trực tiếp yếu tố xa cũng ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn, tương tác thuốc - thuốc và không cần kiểm tra xét nghiệm máu định kỳ. Ngoài ra, thuốc ức chế yếu tố xa cũng có nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K.
Nhược điểm: Vì là nhóm thuốc mới nên kinh nghiệm sử dụng thuốc ức chế yếu tố xa còn hạn chế trong các tình huống cấp cứu. Hiện tại, các thuốc đối kháng với thuốc ức chế yếu tố xa chưa được phê duyệt. Cũng giống như thuốc ức chế trực tiếp thrombin, thuốc ức chế yếu tố xa có tác dụng phòng ngừa đột quỵ trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị đúng theo sự chỉ định của bác sĩ, không được quên liều.
Quyết định lựa chọn điều trị
Phòng ngừa đột quỵ là mục tiêu hàng đầu trong điều trị rung nhĩ. Bệnh nhân nên trao đổi với nhà điện sinh lý học (các bác sĩ chuyên ngành rối loạn nhịp tim), bác sĩ tim mạch và bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu về nguy cơ đột quỵ. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc chống đông, bệnh nhân nên thảo luận cùng bác sĩ để hiểu rõ về lợi ích cũng như nguy cơ của các loại thuốc chống đông để qua đó quyết định lựa chọn thuốc điều trị tốt nhất cho mình.