Hà Nội

Các thuốc cai rượu

05-01-2010 10:30 | Dược
google news

Nghiện rượu là một tệ nạn xã hội, số người nghiện rượu ngày càng gia tăng. Hiện nay, ở nông thôn, tỷ lệ người nghiện rượu là 4% dân số,

Nghiện rượu là một tệ nạn xã hội, số người nghiện rượu ngày càng gia tăng. Hiện nay, ở nông thôn, tỷ lệ người nghiện rượu là 4% dân số, con số này ở thành thị là 6%. Nếu tính tỷ lệ trên cho 85 triệu người dân Việt Nam thì con số người nghiện rượu là rất lớn.

Người nghiện rượu gây ra nhiều vấn đề cho an ninh xã hội, hạnh phúc gia đình và sức khoẻ bản thân. Họ đã thực sự trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Số người nghiện rượu vào điều trị tại Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103 ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ 30% tổng số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 15 năm trước đây, để tìm được một bệnh nhân loạn thần do rượu minh họa lâm sàng cho học sinh rất khó, nhưng hiện nay mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân loại này nhập viện. Họ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội như công nhân, nông dân, người buôn bán, bộ đội, trí thức...

Để cai rượu, người ta thường tiến hành trong bệnh khoa tâm thần. Sau khi nhập viện, bệnh nhân sẽ bị cấm uống rượu và cắt cơn cai bằng các thuốc sedexen, vitamin B1 và ringer lactat. Cai rượu là một quá trình rất vất vả và tốn kém, kéo dài chừng 1 tháng. Gia đình bệnh nhân sẽ phải chi nhiều tiền cho việc điều trị. Ngoài ra, họ còn phải tốn kém nhiều cho các chi phí gián tiếp như trông nom bệnh nhân, đi lại, ăn, ở... Sau cai nghiện rượu, bệnh nhân cần được điều trị củng cố trong thời gian dài để chống tái nghiện rượu. Thông thường, các bác sĩ hay dùng esperal (disulfiram) cho bệnh nhân để chống tái nghiện. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng esperal hàng ngày, uống buổi sáng trong thời gian tối thiểu 2 năm để bệnh nhân thích nghi được cuộc sống không có rượu. Cần lưu ý rằng thuốc esperal phải do người nhà tận tay cho uống để đảm bảo thuốc đến bụng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không uống rượu thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu bệnh nhân uống rượu (vô tình hay cố ý) sẽ lập tức có các phản ứng vô cùng khó chịu xảy ra như: đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, da đỏ như da gà chọi, hoảng hốt, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi... Các phản ứng này kéo dài vài giờ khiến bệnh nhân sợ rượu và không dám uống nữa. Như vậy esperal có hiệu quả điều trị chống tái nghiện rượu rất cao, giá thành rất rẻ, dễ dùng, nhưng sẽ có một số nhược điểm sau:

- Phải ngừng rượu tối thiểu 48 giờ trước khi uống thuốc esperal.

- Phải điều trị hội chứng cai rượu, thậm chí là sảng rượu trong bệnh viện do hậu quả của ngừng rượu.

- Thuốc esperal tuy rẻ, nhưng tính cả tiền điều trị cai rượu thì không hề ít tiền.

- Chỉ áp dụng được với bệnh nhân hợp tác điều trị (hoặc gia đình bệnh nhân bắt buộc được bệnh nhân uống thuốc).

Vì những lí do trên, một phương pháp cai rượu mới đơn giản và dễ áp dụng, có thể dùng điều trị ngoại trú, áp dụng được cho cả các trường hợp bệnh nhân không hợp tác điều trị. Với phương pháp này đã cai rượu thành công cho rất nhiều trường hợp. Đó là sử dụng thuốc naltrexone để cai rượu.

Naltrexone là thuốc được chỉ định điều trị củng cố các trường hợp nghiện ma tuý nhóm opioid (morphin, heroin, dolacgan...). Qua các nghiên cứu người ta nhận thấy sau khi uống rượu, rượu sẽ được chuyển hoá trong cơ thể theo nhiều giai đoạn khác nhau. Một trong những sản phẩm chuyển hóa dở dang của rượu sẽ được gắn với một protein trong máu, tác dụng tới các thụ cảm thể morphin trên não bệnh nhân, gây ra khoái cảm tương tự khi người ta dùng morphin (một dạng morphin nội sinh). Chính các khoái cảm này khiến bệnh nhân thích thú và tiếp tục uống rượu. Khi dùng naltrexone, thuốc này sẽ ức chế tất cả các thụ cảm thể morphin trên não bệnh nhân. Vì thế morphin nội sinh có nguồn gốc từ rượu sẽ không còn gắn kết được với các thụ cảm thể morphin trên não được nữa, không tạo ra khoái cảm. Quá trình này nếu kéo dài (vài tháng trở lên) thì bệnh nhân sẽ dần mất hứng thú với việc uống rượu (chán rượu), do đó sẽ giảm dần lượng uống và bỏ rượu. Như vậy, điều trị bằng naltrexone sẽ có một số ưu điểm sau:

- Bệnh nhân không cần ngừng rượu đột ngột, do đó không có hội chứng cai rượu. Vì thế, bệnh nhân không cần phải vào viện điều trị, tránh được nhiều tốn kém.

- Hiệu quả gây chán uống rượu của naltrexone xuất hiện từ từ trong vòng 3 tháng, vì thế bệnh nhân sẽ thích nghi được với việc giảm dần lượng rượu uống hàng ngày.

- Thuốc không gây ra các tác dụng phụ kiểu "bão táp" như esperal, vì thế có thể dùng được cho cả các bệnh nhân không hợp tác điều trị.

Cách dùng như sau:

Naltrexone (natrex, reVia, no-dict...) uống sau bữa ăn sáng hàng ngày. Thời gian uống thuốc tối thiểu là 2 năm để bệnh nhân có thời gian thích nghi được với cuộc sống không có rượu một cách vững chắc.

Diễn biến điều trị:

- Tháng thứ nhất, lượng rượu uống còn khoảng 50%, bệnh nhân mất rõ rệt cảm giác thèm rượu.

- Tháng thứ hai, lượng rượu uống giảm được 70%, bệnh nhân có thể không uống rượu mà không có cảm giác thèm nhớ rượu.

- Tháng thứ ba, bệnh nhân không còn quan tâm gì đến rượu, có thể ngừng uống rượu hoàn toàn.

Nhược điểm của phương pháp cai rượu bằng naltrexone là:

- Thuốc đắt tiền, khó mua.

- Bệnh nhân vẫn có thể uống rượu được vì không có phản ứng khó chịu. Tuy nhiên quá trình này thường chỉ thoáng qua (khi buộc phải tiếp khách), sau đó bệnh nhân có thể ngừng uống rượu dễ dàng.

- Nhiều trường hợp phải dùng đến naltrexone liều gấp đôi bình thường thì mới có kết quả.

TS. Bùi Quang Huy


Ý kiến của bạn