Hà Nội

Các thuốc ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột như thế nào?

12-12-2021 10:56 | Thông tin dược học

SKĐS - Một nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen, Đan Mạch đã chỉ ra những cách mà các loại thuốc thông thường ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột.

Phơi nhiễm kháng sinh sớm có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruộtPhơi nhiễm kháng sinh sớm có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa khả năng tái tạo hệ vi sinh đường ruột sau khi cho chuột dùng thuốc kháng sinh.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các loại thực phẩm khác nhau có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, nhưng thuốc cũng có thể là thủ phạm. Mới đây, một nghiên cứu tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đã tìm thấy mối quan hệ của 20 loại thuốc thông thường có liên quan đến các vi khuẩn đường ruột, có tác động đến các bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch, béo phì và đái tháo đường loại 2.

photo-1639233994698

Các loại thuốc thông thường ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột.

Thuốc nào ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột

Nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp của hai loại thuốc thường được sử dụng, thuốc viên lợi tiểu (lợi tiểu quai) và thuốc huyết áp (chẹn beta) có liên quan đến việc tăng mức độ vi khuẩn có lợi cho sức khỏe thuộc họ vi khuẩn Roseburia. Loại vi khuẩn này có thể phá vỡ chất xơ trong thực phẩm nguồn gốc thực vật và chuyển đổi chúng thành axit butyric, có lợi cho sức khỏe bao gồm giảm viêm và điều chỉnh epigenome, là phần động của DNA.

Những người bệnh tim mạch cũng nhiều khả năng có nhiều loại vi khuẩn đường ruột khác nhau nếu được kê đơn thuốc có statin, một loại thuốc phổ biến làm giảm mức cholesterol LDL có hại trong máu.

Một phát hiện đặc biệt thú vị là sự kết hợp giữa statin và magnyl tim (NSAIDs tác dụng lên tim) có liên quan đến việc giảm mức độ chất béo có hại trong máu.

Thuốc điều trị axit dạ dày, nhóm ức ức chế bơm proton, cũng có liên quan đến những thay đổi bất lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột.

Thông thường, vi khuẩn ở miệng là vô hại. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn ở miệng có thể di chuyển xuống đường tiêu hóa, hoặc hô hấp thì gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Axit trong dạ dày thường tiêu diệt những vi khuẩn từ khoang miệng có thể thoát xuống đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy, trong đại tràng của những người uống thuốc giảm axit dạ dày, có hàm lượng vi khuẩn chỉ có trong khoang miệng tương đối cao.

Các nhà khoa học cho hay, sự hiện diện của vi khuẩn miệng trong đại tràng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Vì thế, nhờ nghiên cứu này, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân phải dùng thuốc giảm axit dạ dày nhằm tránh nguy cơ ung thư đại tràng.

Bên trong ruột có hàng tỷ vi khuẩn có lợi cho sức khỏe, được gọi chung là hệ vi sinh đường ruột. Chúng hoạt động như một nhà máy hóa chất khổng lồ tạo ra vô số chất khác nhau đi qua thành ruột, vào hệ tuần hoàn máu và từ đó tác động đến các tế bào của cơ thể theo những cách khác nhau.

Sử dụng kháng sinh khiến hệ vi sinh đường ruột kém đa dạng

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các phương pháp điều trị với kháng sinh lặp đi lặp lại trong vòng 5 đến 10 năm khiến hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng hơn.

Thử nghiệm trên 2173 người tham gia ở Đan Mạch, Đức và Pháp, bao gồm những người khỏe mạnh, người mắc các bệnh mạn tính (xơ vữa động mạch, đái tháo đường loại 2, béo phì…). Kết quả cho thấy, những người khỏe mạnh có hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng. Trong khi hệ vi sinh vật của những người mắc các bệnh mạn tính (béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mạch) ít đa dạng hơn. Điều này có thể làm giảm năng lực của hệ vi sinh đường ruột trong việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho hay, cần có những nghiên cứu cụ thể, sâu, rộng hơn để tìm hiểu xem liệu sự ảnh hưởng của việc uống thuốc lên hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính hay không?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

DS. Hoàng Vân
(Theo sciencedaily.com, 9/12/2021)
Ý kiến của bạn