1. Collagen cần thiết cho da và khớp như thế nào?
Collagen là thuật ngữ chung để chỉ các protein cấu trúc chính được tìm thấy trong da và các mô liên kết của con người. Chức năng chính của collagen là giữ cho làn da khỏe mạnh và giúp vết thương mau lành. Nó được phân hủy trong cơ thể thành các acid amin, sau đó được sử dụng để xây dựng và tái tạo tế bào.
Collagen góp phần vào độ đàn hồi, giữ ẩm cho da. Các yếu tố lão hóa và môi trường làm giảm lượng collagen, có khả năng dẫn đến nếp nhăn và khô da. Tăng lượng collagen có thể chống lại những tác động này và thúc đẩy làn da trẻ trung, sáng mịn.
Collagen hỗ trợ duy trì tính toàn vẹn của sụn, đây là mô giống như cao su bảo vệ khớp. Bổ sung collagen có thể làm giảm đau khớp và các triệu chứng viêm khớp.
2. Thực phẩm có màu đậm thúc đẩy sản xuất collagen như thế nào?
Mặc dù thông qua chế độ ăn uống và chất bổ sung đều có thể cung cấp collagen cho cơ thể nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên là tốt nhất.
Bổ sung collagen thông qua chế độ ăn uống đa dạng ngoài cung cấp collagen còn giúp duy trì sự cân bằng của các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa, giúp hỗ trợ thêm cho việc sản xuất collagen.
Mặt khác, dùng thực phẩm tự nhiên cũng là giải pháp thuận tiện, rẻ tiền, phù hợp với nhiều người, nhất là những người không có điều kiện tài chính sử dụng thực phẩm bổ sung.
Theo BS. Phương Hồ, Bệnh viện Da liễu Trung ương, collagen có tác dụng tăng sự đàn hồi da, chống lão hóa da, nhanh lành sẹo, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương, răng, tóc, móng chắc khỏe, giảm biến chứng ở xương, sụn, phòng ngừa loãng xương và xốp xương.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày chúng ta nên lưu ý cung cấp đầy đủ các acid amin cần thiết cho việc tổng hợp collagen tự nhiên. Bạn có thể bổ sung collagen từ các acid amin qua những thực phẩm giàu protein, thực phẩm chứa vitamin A và C. Các thực phẩm có sắc tố đỏ, tím và xanh đậm giúp duy trì sự săn chắc và độ đàn hồi của da.
Ví dụ, anthocyanidin được tìm thấy với nồng độ cao trong thực phẩm có màu tím: quả việt quất, quả lý chua đen, quả mâm xôi, dâu tây, quả lựu, mận đen, cà tím, bắp cải đỏ, quả anh đào và quả nam việt quất. Điều thú vị là chính anthocyanidin đã tạo ra các sắc tố màu tím, đỏ hoặc xanh lam rực rỡ cho các loại rau và trái cây này. Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học tiết lộ rằng chúng cũng có thể đóng vai trò bảo vệ các mô, tế bào và các cơ quan quan trọng.
Sản xuất collagen là một lĩnh vực khác mà anthocyanidin thực sự "tỏa sáng". Nghiên cứu cho thấy anthocyanidin có thể đóng vai trò hỗ trợ sản xuất collagen. Một nghiên cứu cho thấy những hợp chất này có thể mang lại sự bảo vệ nhất định chống lại các tia UV có hại từ mặt trời, tác nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những sắc tố thực vật này có thể có khả năng sửa chữa và phục hồi bảo vệ collagen trong thành mao mạch. Sản xuất collagen khỏe mạnh không chỉ quan trọng đối với làn da rạng rỡ mà nó cũng có thể hỗ trợ mô liên kết và thành mao mạch. Nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh anthocyanidin là vũ khí mạnh mẽ để giữ nước do mao mạch máu "rò rỉ".
3. Một số loại rau quả giúp hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen
Trái cây họ cam quýt
Thực phẩm hữu ích trong việc xây dựng collagen là trái cây họ cam quýt. Các loại trái cây như cam, chanh và bưởi rất giàu vitamin C. Một trong những lợi ích nổi bật của vitamin C là nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tiền chất collagen, đồng thời giúp liên kết các acid amin trong quá trình sản xuất collagen. Các loại trái cây khác có nhiều vitamin C bao gồm: dâu tây, kiwi, đu đủ, ổi và dứa.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh có chứa chất diệp lục có đặc tính chống oxy hóa, đồng thời làm tăng tiền chất collagen trong cơ thể. Bạn nên ăn loại rau lá xanh như: rau chân vịt, cải xoăn, cải xoong, xà lách…
Quả mọng
Tất cả các loại quả mọng như: dâu tây, quả mâm xôi, quả việt quất… đều chứa một lượng vitamin C đáng kể giúp sản sinh collagen. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng có chứa acid ellagic giúp bảo vệ chống lại tác hại của tia cực tím.
Tỏi
Bản thân tỏi không chứa collagen nhưng nó góp phần sản xuất collagen. Tỏi rất giàu lưu huỳnh, giúp sản xuất collagen và ngăn ngừa sự phân hủy collagen trong cơ thể. Tỏi còn chứa taurine và acid lipid, những hợp chất giúp tái tạo các sợi collagen bị hư hỏng. Vì vậy, sử dụng tỏi trong ăn uống là một cách hiệu quả để hỗ trợ và tăng cường sản xuất collagen tự nhiên.
Các loại rau chứa khoáng chất silica
Silica là khoáng chất góp phần tổng hợp collagen. Một số loại rau có chứa silica bao gồm: dưa chuột, ớt chuông, các loại rau lá xanh và cà chua. Bổ sung những loại rau này trong bữa ăn hằng ngày có thể hỗ trợ sản xuất collagen.
Đặc biệt là cà chua chứa hàm lượng vitamin C cao cần thiết cho quá trình sản xuất collagen. Cà chua cũng chứa chất chống oxy hóa lycopene, có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và sự phân hủy collagen.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Để làn da trẻ đẹp đẩy lùi lão hóa thực hiện ngay 5 cách bổ sung collagen này.