Hà Nội

Các thể ung thư tuyến giáp:Cách nhận biết và chữa trị

20-05-2017 08:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường.

Dấu hiệu nhận biết

Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc khi đi khám những bệnh khác không mấy liên quan đến tuyến giáp. Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện thấy u vùng cổ khi soi gương. Rất hiếm khi ung thư tuyến giáp có thể gây triệu chứng. Tuy nhiên cũng một vài trường hợp có biểu hiện đau cổ, hàm hoặc tai. Nếu nhân tuyến giáp đủ lớn thì nó có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở. Ít gặp hơn, bệnh nhân có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh chi phối giọng nói.

Các thể ung thư tuyến giáp

Các thể ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán bằng chọc hút kim nhỏ hoặc phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp làm mô bệnh học. Trên lâm sàng chia 4 thể sau:

Ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm từ 70-80%) trong ung thư tuyến giáp. Thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Mặc dù có di căn hạch nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn có tiên lượng rất tốt.

Ung thư tuyến giáp thể nang (chiếm từ 10-15%) cũng giống như thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.

Ung thư tuyến giáp thể tủy (chiếm từ 5-10%), liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa (chiếm tỷ lệ dưới 2%) là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp đồng thời đáp ứng kém với điều trị.

Cách chữa trị

Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị bổ trợ với I-131 kể cả với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển.

Các thể ung thư tuyến giápKhám lâm sàng cho bệnh nhân.

Phẫu thuật: Thông thường cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ chọn lọc là phương pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật; Đối với những trường hợp có di căn hạch cổ, bác sĩ có thể chỉ định thêm điều trị bổ trợ bằng I-131 sau phẫu thuật.

Điều trị I-131: Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật. I-131 sau khi hấp thu vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp. Các tế bào của các cơ quan khác trong cơ thể do không có đặc tính bắt giữ I-131 nên sẽ ít chịu tác động của dược chất phóng xạ này. Một số bệnh nhân có thể bị sưng đau vùng cổ, viêm tuyến nước bọt. Tuy nhiên, tác dụng phụ này dễ khắc phục bằng cách uống nước và nhai kẹo cao su. Nếu sử dụng I-131 liều cao thì cũng có nguy cơ dẫn đến ung thư khác nhưng tỷ lệ này là rất thấp.

Điều trị UTTG tiến triển: Ung thư tuyến giáp thường ít khi di căn xa nhưng khi đã có di căn xa thì vấn đề cũng cần xem xét cẩn trọng. Mặc dù phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả. Trong tình huống này, xạ trị ngoài là phương pháp có thể áp dụng để điều trị di căn xương và các di căn khác. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính. Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần theo dõi định kỳ bởi vì bệnh có thể tái phát sau điều trị. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu về chỉ số Tg (nếu chỉ số này cao trong huyết thanh thì có thể nghi ngờ do bệnh tái phát). Bên cạnh đó, bệnh nhân phải dùng thuốc hormon tuyến giáp (levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, chụp xạ hình toàn thân chẩn đoán với I-131 sau khi ngừng thuốc hormon cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cùng với xét nghiệm Tg và siêu âm cổ.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, trọng lượng khoảng 12-20g. Tuyến giáp gồm hai thùy phải và trái được nối với nhau bởi eo giáp, đôi khi có thêm thùy tháp là dấu vết của ống giáp lưỡi. Chức năng của tuyến giáp là tiết ra hormon vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, kích thích hoạt động của tim, kích thích sự phát triển của hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai làm cho não và nhiều cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định. Tuy nhiên, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, tuyến giáp cũng bị ung thư.

Bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi; tiền căn xạ trị vùng cổ lúc nhỏ vì một bệnh lành tính. Hoặc những vùng xảy ra thảm họa hạt nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp hay gặp sau 12-25 năm tiếp xúc. Ngoài ra, các đột biến gene p53, đột biến thụ thể TSH cũng có thể gây ra ung thư tuyến giáp.


BS. Trần Mạnh Toàn
Ý kiến của bạn