Hà Nội

Các thành phần có thể gây độc có trong sơn móng tay

11-07-2024 10:06 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Để bảo đảm sơn móng tay có độ bền, bóng, màu sắc đẹp... trong sơn móng tay cần phải chứa một số chất hóa học. Các thành phần này có thể gây độc với các hàm lượng khác nhau...

1. Chất tạo độ bền màu trong sơn móng tay

- Triphenyl phosphate: Trong thành phần của sơn móng tay có chứa hoạt chất triphenyl phosphate (TPHP). Chất này được sử dụng trong sơn móng tay để thay thế cho hoạt chất phthalate - được dùng để tạo độ bền màu, bám dính và giúp sơn móng tay mềm mại hơn. 

Triphenyl phosphate có mùi hắc, khi ngửi tại chỗ có thể gây ra tình trạng choáng váng, buồn nôn. Nếu tiếp xúc thường xuyên trong một thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề liên quan đến thần kinh lâu dài.

Trong các nghiên cứu mới đây, triphenyl phosphate có thể chuyển hóa vào cơ thể người, thẩm thấu sau 10-14 giờ sử dụng sơn móng, tác động đến khả năng sinh ở động vật, có nguy cơ gây tăng cân, béo phì, mất cân bằng nội tiết tố ở người.

Các thành phần có thể gây độc có trong sơn móng tay- Ảnh 1.

Trong một lọ sơn móng tay có chứa rất nhiều hóa chất để tạo màu, độ bền, bóng...

- Toluence: Là một loại dung môi nhằm giữ cho màu móng bền hơn, lâu bị trôi và luôn bóng đẹp. Chất này cũng chính là chất phụ gia được dùng trong xăng.

Toluence được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương, tác động đến các mô tế bào não, gan, thận ngay sau khi hít vào. Thậm chí hóa chất này còn gây ra các vấn đề sinh sản ở phụ nữ, đặc biệt là nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi ở phụ nữ mang thai.

2. Chất làm cứng móng tay

- Formaldehyde: Trong móng tay dạng gel có chứa formaldehyde với tác dụng giúp móng cứng, khử trùng. Tuy nhiên chất này cũng khiến móng tay dễ bị hư hại khiến móng giòn và dễ gãy hơn. 

Đây là loại hoá chất với mùi cay hăng rất đặc trưng được sử dụng tương đối rộng rãi trong công nghiệp, có thể gây bỏng mũi, bỏng mắt, hệ hô hấp, gây hắt hơi, đau cổ, co thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi.

Ngoài ra, formaldehyde từ lâu đã được biết đến là chất gây ung thư nếu tiếp nhiễm trong thời gian dài.

- DBP: Là một dẫn xuất của phthalate có trong móng tay giúp tạo độ cứng cho móng tay và đánh bóng màu sơn đẹp sơn. Hóa chất này cũng được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu. Nó có thể làm cho nhựa cứng hơn, dẻo hơn, trong suốt hơn.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc nhiều với DBP có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây ra các rối loạn chuyển hóa. Thậm chí có thể dậy thì sớm ở bé gái và thiểu năng tuyến sinh dục ở bé trai.

3. Chất tẩy móng tay

- Benzen: Đây là chất dung môi rất tốt thường có trong chất tẩy, sơn móng, nhưng lại là một trong những dung môi hữu cơ gây độc hại cho người sử dụng và người làm nghề sơn móng. Chất này bay hơi rất nhanh, khi hít phải sẽ được hấp thụ ngay qua đường hô hấp, sau đó sẽ vào gan, tủy sống, tế bào mỡ; ảnh hưởng tới các chất trong tủy xương, cản trở sự tạo máu. Sau đó gắn vào các protein, ADN, làm trở ngại tăng trưởng, tái tạo, gây đột biến tế bào.

Các thành phần có thể gây độc có trong sơn móng tay- Ảnh 3.

Không nên sơn móng tay thường xuyên vì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tủy xương là cơ quan chịu tác dụng độc hại của benzen nặng nề nhất do nó gây trở ngại cho sự tăng trưởng và tái tạo tế bào. Benzen gây độc ở thần kinh làm người bệnh choáng váng, mệt mỏi, mất sáng suốt. Nếu liên tục hít phải chất này trong thời gian dài sẽ bị thiếu hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và có nguy cơ gây ra ung thư bạch cầu, ung thư hạch non-Hodgkin lymphoma sau thời gian tiếp nhiễm lâu dài.

- Aceton: Cũng là một dung môi quan trọng trong nước rửa móng tay, móng chân, có mùi hắc, bay hơi rất nhanh. Khi hít nhiều chất bay hơi này sẽ rất hại phổi, có cảm giác say, mất thăng bằng.

Chất này làm móng nhanh giòn, mỏng, xơ xác, xước... nếu dính vào da gây ngứa, khô da nghiêm trọng.

Mời độc giả xem thêm video:

Làm gì để lựa chọn sơn móng tay an toàn?

ThS.Trần Thị Luyến
Ý kiến của bạn