Các tay vợt Việt kiều “cập bến” tennis Việt: Cơ hội chợt đến, chợt đi,...

17-01-2016 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuối năm 2015 liên tiếp có 3 tay vợt Việt kiều đều thuộc diện của hiếm “cập bến” tennis Việt. Dù hy vọng đó là một làn gió mới song người ta vẫn không khỏi lo ngại về sự tái lập hiện tượng “chợt đến chợt đi” như cũ.

Từ hàng “khủng” hạng 216 ATP

2 tháng cuối năm, làng banh nỉ Việt liên tiếp chứng kiến các tay vợt Việt kiều về nước với mục tiêu muốn gắn bó, đóng góp lâu dài cho quê hương. Trong đó, nổi bật nhất phải kể tới gương mặt 25 tuổi đang xếp hạng 126 ATP Daniel Nguyễn. Tài năng mang hai dòng máu Việt - Mỹ này đang vươn lên mạnh mẽ trên con đường chuyên nghiệp và đã có một màn ra mắt không thể ấn tượng hơn khi xuất sắc lọt vào tứ kết giải Vietnam Challenger ngay tại TP.HCM. Nếu hoàn thành thủ tục để có thể khoác áo cho ĐTVN từ 2017, Daniel Nguyễn sẽ là người có thứ hạng, đẳng cấp cao nhất của tennis Việt Nam.

Tuy tên tuổi kém xa đàn anh Daniel Nguyễn song tay vợt sinh năm 1995 Artem lại “cập bến” quê cha theo cách đặc biệt hơn với quyết định chuyển hẳn về định cư, nuôi nghiệp tennis. Hiện tại, tay vợt cao 1m80 có bố người Việt mẹ người Ukraine  đang tập luyện, thi đấu cho “lò” số 1 B. Bình Dương. Tương tự như thế là trường hợp của Lian Trần, cô bé 13 tuổi có bố mẹ đều là người Việt đã “cập bến” TP.HCM, nơi có lực lượng nữ mạnh nhất nước.

Tay vợt Daniel Nguyên (trái) và Lian Trần (phải).

Cơ hội mới và nỗi lo cũ

Trước đây, tennis Việt cũng đã từng có một vài trường hợp có tay vợt Việt kiều tại các giải đấu, hay kể cả trong màu áo Đội tuyển Quốc gia. Tuy nhiên, chưa bao giờ điều đó trở thành một xu hướng thực sự, với sự hội tụ đỉnh cao về nhiều mặt như bây giờ. Nếu các nhà quản lý huấn luyện tận dụng tốt, nguồn lực Việt kiều này có thể giúp tennis Việt có những bước đột phá tức thời cũng như lâu dài.

Trên thực tế, những Daniel Nguyễn, Artem, Lian Trần đã gần như ngay lập tức thổi một luồng sinh khí mới cho các giải đấu cùng môi trường tennis đang trong tình cảnh yếu kém, èo uột kéo dài tại Việt Nam. Thậm chí, chỉ một tay vợt nhí 13 tuổi Lian Trần với nền tảng kỹ thuật, thể lực tốt, phong cách thi đấu chuyên nghiệp đã mang đến sức hấp dẫn cùng tính cạnh tranh hiếm có cho cả một cuộc đấu quốc nội.

Quan trọng hơn, chính họ, nhất là một tay vợt đẳng cấp như Daniel Nguyễn sẽ có thể góp phần thay đổi diện mạo, nền tảng cho cả môn. Đơn cử với một Daniel Nguyễn đang xếp hạng 216 ATP cộng thêm bộ đôi tại chỗ Hoàng Nam - Hoàng Thiên, ĐTQG nam hoàn toàn đủ sức gia nhập nhóm 1 Davis Cup hay tranh chấp sòng phẳng huy chương ở một số nội dung tại SEA Games, kể cả Vàng. Dù chưa biết có thể tiến tới đâu, song một Lian Trần chắc chắn sẽ sớm vượt xa những Thùy Dung, Đài Trang, Tâm Hảo.

Rất đáng kỳ vọng từ làn gió mát lành từ những tay vợt Việt kiều, đặc biệt nếu xét trên một bước tiến quan trọng so với một vài trường hợp trước đây khi Artem hay Lian Trần thậm chí còn chuyển hẳn về tập luyện, thi đấu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nỗi lo cũ gắn với hiện tượng “chợt đến chợt đi” hãy còn nguyên. Ví như Daniel Nguyễn, mọi chuyện hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân cùng quá trình phát triển của anh. Chưa thể biết liệu có gì thay đổi từ giờ đến 2017 thời điểm anh đủ tiêu chuẩn để khoác áo ĐTVN. Và ngay cả Daniel Nguyễn đã chính thức “nên duyên” với tennis Việt cũng không có gì đảm bảo về một sự ổn định lâu dài.

Vị thế, thành tích và điều kiện hiện tại của tennis Việt chưa hội đủ các yếu tố để các tay vợt Việt kiều coi như một “bến đỗ” tốt, ngoại trừ sự thích hợp ở hoàn cảnh, thời điểm cụ thể. Nhìn nhận thẳng thắn, gia đình Artem hay Lian Trần quyết định đưa con về nước cũng bởi hai tay vợt này khó có “cửa” tỏa sáng ở Ukraine, Hà Lan, hay không kham nổi mức chi phí quá lớn. Về Việt Nam, trước mắt, họ sẽ được đầu tư tốt, ưu tiên tập huấn thi đấu quốc tế.

Trước đây, ĐTQG tennis từng sở hữu tài năng trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên trên đất Nga Ngô Việt Hà. Tay vợt từng xếp thứ 939 WTA đầu quân cho Hà Nội, từng được ngành thể thao coi như một “mũi nhọn trọng điểm”, thậm chí được cấp học bổng Olympic. Thế nhưng, sau 3 năm, nhà vô địch quốc gia mà mỗi năm chỉ 1 lần về nước đấu giải này bỗng dưng mất tích từ năm 2010 cho đến tận bây giờ.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn