Theo các diễn dịch bí truyền từ lịch cổ Maya, ngày thứ sáu 21/12/2012 sẽ là ngày tận thế của nhân loại. Các nhà khoa học đã chứng minh là không có cơ sở nào chứng minh 21/12 là ngày tận thế cả và thực tế đã diễn ra đúng như thế. Tuy nhiên, ý tưởng ngày tận thế đã được lưu truyền trong các kinh thánh và sau này là những nguồn cảm hứng bất tận cho văn học và phim ảnh.
![]() Một trong 5 bộ phim nổi tiếng về ngày tận thế. |
Tại Pháp, rất nhiều hoạt động văn hóa có liên quan đến chủ đề này đã diễn ra. Một loạt các tiểu thuyết đã được xuất bản: Ngôi làng của ngày tận thế (Le Village de la fin du monde) của tác giả Nicolas d’Estienne d’Orves, Les fins du monde (Giây phút cuối cùng của thế giới) của François Bourin hay như Si le soleil ne se lève plus (Nếu mặt trời không còn mọc) của Jean-Noel Lafargue.
Một diễn đàn về hình ảnh ngày tận thế cũng được tổ chức tại Paris từ ngày 12/12/2012 đến hết ngày 6/1/2013. Các kênh truyền hình của Pháp cũng không bỏ qua cơ hội hiếm có, đua nhau phát sóng các bộ phim về chủ đề này. Tại thành phố Lille của Pháp, hai đợt triển lãm tranh được tổ chức. Dĩ nhiên sẽ rất là thiếu sót nếu không kể đến triển lãm mang chủ đề “Babel” nói về thành cổ Babylone và sự tàn phá của nó.
Điều kỳ lạ là ngày được ấn định là thứ sáu 21/12 chứ không phải là thứ sáu 13 rủi ro như thường lệ… Điều này kích thích trí tưởng tượng phong phú của con người. Kinh thánh là nơi phơi bày cảm nhận đầu tiên về các công cụ của sự tàn phá: đại hồng thủy, chất lưu huỳnh và hỏa hoạn… Từ đó, các nhà viết kịch bản và nhà văn đã vắt óc và tưởng tượng thêm ra nhiều cách thức khác nhau để dàn dựng nên những cảnh tượng đẹp về ngày tận thế.
Đầu tiên phải kể đến sự xâm lấn của người ngoài hành tinh hay các âm binh được mô tả qua các tiểu thuyết viễn tưởng như La guerre des Mondes (Chiến tranh các vì sao) của H.G. Wells, phát hành năm 1898; rồi đến bộ phim Mars Attacks (1996) của Tim Burton, Independence Day (1996) của Roland Emmerich. Dịch bệnh cũng là chủ đề ưa thích, dẫn đến thảm họa diệt vong. Từ Contagion (2011) của Steven Soderbergh, 28 jours plus tard - tạm dịch là “28 ngày sau đó” (2002) của Danny Boyle. Chủ đề này đã được bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, với tác phẩm Le dernier Homme (Người cuối cùng) của Mary Shelley năm 1826, hay như La Peste (Tai họa - 1947) của Albert Camus.
Dần dà với sự phát triển của khoa học công nghệ, nguyên nhân ngày tận thế còn được gắn với các thảm họa công nghệ - chủ yếu là hạt nhân. Một loạt các phim có liên quan đến yếu tố khoa học đã ra đời như bộ phim hài Docteur Folamour (1964) của Stanley Kubrick, hay bộ phim Le Syndrome chinois - tạm dịch là Hội chứng Trung Quốc của Jane Fonda, Jack Lemmon và Michael Douglas năm 1979. Hay như chuyện những người có khả năng để cho các máy móc và người máy chiếm lấy quyền lực và giam giữ con người cũng là những giả thuyết dẫn đến ngày tận thế.
Cuối cùng, khi công nghệ không thể nào chống lại con người được nữa thì khi đó lại đến lượt thiên nhiên. Các thảm họa thiên nhiên có thể biến Paris tráng lệ thành một sa mạc trong Peut-être (1999) của Cedric Klapisch, Le jour d’après - Ngày sau đó (2004) do Roland Emmerich…
(Theo Le Figaro)
Hoàng Giang