Vai trò của insulin trong điều trị đái tháo đường
Insulin là hormone duy nhất của cơ thể có tác dụng làm hạ đường huyết. Hiệu quả này do tác dụng của insulin lên quá trình chuyển hóa glucid, lipid và protein trong cơ thể.
Đối với chuyển hóa glucid (tinh bột), sau khi ăn một bữa cơm thì một lượng tinh bột khá lớn sẽ đi vào cơ thể. Khi đó tinh bột sẽ làm tăng sự kích thích đến tế bào beta ở đảo tụy để tiết ra insulin. Sau đó, insulin sẽ chuyển hóa tinh bột thành glucose. Nồng độ glucose trong máu cao, glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen và được dự trữ trong mô mỡ và gan.
Khi cơ thể đói, lượng glucose trong máu giảm, glycogen sẽ được biến đổi trở lại thành glucose để tiếp tục đi vào máu, đảm bảo lượng đường trong máu.
Bệnh đái tháo đường là do lượng đường trong máu tăng cao. Insulin là hormone làm ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose và đi vào máu. Nếu cơ thể thiếu hụt insulin thì glycogen sẽ không ngừng chuyển hóa và đưa một lượng thừa thãi glucose vào máu gây ra bệnh đái tháo đường.
Đối với người bệnh đái tháo đường type 1, tế bào beta của tụy bị phá hủy dẫn đến cơ thể thiếu insulin hoàn toàn. Do vậy người bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng cách bổ sung insulin từ bên ngoài vào cơ thể ngay từ khi xác định bệnh.
Đối với người bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể vẫn sản xuất được insulin nhưng lại có hiện tượng kháng insulin ở tế bào đích. Giai đoạn đầu của bệnh, cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết insulin. Khi bệnh tiến triển, các tế bào beta của tụy bị suy giảm dẫn tới bệnh nhân đái tháo đường type 2 phải điều trị phối hợp thuốc, thậm chí có thể bao gồm cả điều trị bằng insulin.
Hiện nay, insulin được sản xuất chủ yếu bằng công nghệ tái tổ hợp. Dựa vào thời gian tác dụng, người ta chia insulin thành 4 loại chính:
- Insulin tác dụng nhanh, ngắn: Thường được tiêm trực tiếp dưới da, thuốc sẽ phân ly nhanh chóng. Sau khoảng 1 giờ tiêm, thuốc sẽ đạt đỉnh hấp thu. Do tác dụng nhanh của insulin dạng này nên người bệnh cần rất lưu ý về lượng carbohydrate trong bữa ăn.
- Insulin tác dụng trung bình: Thuốc cũng được tiêm dưới da, có tác dụng kéo dài hơn nhờ sự phối hợp giữa 2 phần insulin zinc hòa tan với protamine zinc insulin.
Dạng insulin này sẽ có tác dụng sau 2 - 4 giờ tiêm thuốc và đạt đỉnh tác dụng sau 6 - 7 giờ. Thuốc có tác dụng thời gian kéo dài khoảng 10 - 20 giờ.
Insulin dạng này cần tiêm 2 lần mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả.
- Insulin tác dụng chậm và kéo dài: Thường được dùng vào buổi tối, tùy thuộc tình hình thực tế của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc này.
- Insulin hỗn hợp: Là loại trộn sẵn 2 loại insulin tác dụng nhanh và tác dùng kéo dài trong cùng một mũi tiêm. Thuốc có 2 đỉnh tác dụng là tác dụng nhanh đối với lượng carbohydrate trong bữa ăn và tác dụng dài để tạo nên nồng độ insulin nền.
Khi nào người bệnh đái tháo đường cần điều trị bằng insulin?
Các chỉ định insulin trong các trường hợp sau:
- Đối với người bệnh đái tháo đường type 1 bắt buộc phải điều trị bằng insulin ngay từ đầu.
- Người bệnh đái tháo đường type 2 đã được điều trị phối hợp các loại thuốc uống nhưng không có hiệu quả ổn định đường huyết.
- Trường hợp cấp cứu tiền hôn mê hoặc hôn mê do đái tháo đường.
- Người bệnh đái tháo đường type 2 đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn nặng hoặc gầy sút cân nhiều, suy dinh dưỡng.
- Người bệnh đái tháo đường type 2 có biến chứng tổn thương cơ quan đích gây đột qụy não, nhồi máu cơ tim, suy thận do đái tháo đường...
- Người bệnh đái tháo đường type 2 cần ổn định đường máu trước, trong và sau phẫu thuật.
- Mắc đái tháo đường ở phụ nữ có thai.
Những lưu ý khi sử dụng insulin người đái tháo đường cần biết
Insulin là một thuốc rất quan trọng trong điều trị đái tháo đường, tuy nhiên thuốc cũng có khá nhiều tác dụng phụ. Các tác dụng phụ này có thể rất nguy hiểm và cần được quan tâm và kiểm soát. Bao gồm:
Gây hạ đường huyết: Sau khi tiêm insulin, có nguy cơ hạ đường huyết đột ngột dẫn đến tình trạng hôn mê. Các triệu chứng hạ đường huyết như mệt mỏi, nhức đầu, cảm giác đói, rối loạn thị giác và vã mồ hôi. Tình huống này xảy ra chủ yếu là do quá liều insulin.
Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân cần ăn ngay các nguồn đường nhanh chóng như kẹo, viên đường, uống nước đường... Trong trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê, cần tiêm một liều glucagon hoặc truyền glucose bằng đường tĩnh mạch và đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Để dự phòng tình huống ngày, người thân của bệnh nhân mắc đái tháo đường cần được huấn luyện cách cấp cứu.
Phản ứng dị ứng: Các phản ứng tại chỗ khi tiêm insulin như mẩn đỏ, ngứa hoặc phù tại vị trí tiêm có thể xuất hiện. Tình trạng này thường tự giảm sau vài ngày đến vài tuần quen thuốc. Phản ứng dị ứng toàn thân hiếm gặp hơn như khó thở, thở khò khè, hạ huyết áp, tăng nhịp tim hoặc vã mồ hôi. Khi gặp phải tình huống này cần điều trị bằng adrenalin và glucocorticoid tiêm tĩnh mạch.
Tăng cân: Insulin có thể kích thích quá trình đồng hóa và dẫn đến tăng cân, đặc biệt khi chế độ ăn của bệnh nhân thừa năng lượng.
Loạn dưỡng mỡ tại vị trí tiêm: Khi sử dụng dạng insulin bút tiêm, rất hay gặp tình trạng teo lớp mỡ dưới da tại vị trí tiêm. Tình huống này đặc biệt hay gặp ở trẻ em và phụ nữ.
Để giảm thiểu các tác dụng phụ, bệnh nhân lưu ý:
- Tiêm thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ, tiêm đúng giờ quy định. Thực hiện chế độ ăn cân bằng lượng tinh bột với lượng insulin được tiêm.
- Nên luân chuyển vị trí tiêm để tránh loạn dưỡng mỡ do insulin.
- Bảo quản insulin ở ngăn mát tủ lạnh để tránh hư hỏng.
- Có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, tránh bỏ bữa gây hạ đường huyết.
- Bệnh nhân cần tìm hiểu về nguy cơ tác dụng phụ có thể xuất hiện khi sử dụng insulin hoặc khi kết hợp với các loại thuốc khác. Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc.
- Bệnh nhân cần học cách tự kiểm tra đường huyết hằng ngày và hiểu rõ cách xử trí khi có biểu hiện tăng hoặc giảm đường huyết.
- Tuân thủ lịch trình điều trị, không bỏ lỡ liều thuốc và đảm bảo sử dụng đúng liều lượng.
- Tái khám định kỳ.
Mời độc giả xem thêm video:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS