(SKDS) - Thông tin tại Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa tổ chức tại Trường ĐH Y Hà Nội, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đã và đang để lại các tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội…
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng do BĐKH
Về nông nghiệp, BĐKH làm năng suất cây trồng, diện tích trồng trọt, chăn nuôi suy giảm; thay đổi loại cây trồng truyền thống tại mỗi vùng; sâu hại, dịch bệnh có điều kiện phát triển do nóng ẩm nhiều hơn.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, BĐKH làm dịch chuyển các loại, giống cây theo vùng khí hậu, một số loài có thể bị tuyệt chủng… Đối với ngành thủy sản, BĐKH làm các khu nuôi trồng, đánh bắt biến đổi về giống, loài… Về tài nguyên nước, BĐKH làm cho hạn hán gia tăng tại một số vùng, trong khi một số nơi khác bị ngập lụt, đồng thời gây nên hiện tượng thay đổi bất thường dòng chảy trên các dòng sông… Đối với vùng ven biển, BĐKH gây mưa, ngập lụt, hủy hoại hệ sinh thái biển, làm cho người dân phải di cư sang các vùng khác để sinh sống.
BĐKH cũng gây ra những tác động đối với các công trình xây dựng dân dụng và giao thông vận tải, các khu dân cư và công nghiệp nói chung.
Khí hậu ngột ngạt, môi trường ô nhiễm dễ làm con người mắc bệnh về đường hô hấp. |
Tác động của BĐKH đối với sức khỏe con người
BĐKH gây ra điều kiện nóng ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ các loại bệnh lan truyền theo muỗi và vi khuẩn theo đường nước (sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy). Bên cạnh đó, khi môi trường không khí bị ô nhiễm gia tăng sẽ làm cho các bệnh về đường hô hấp tăng. BĐKH làm mất đất, sản xuất lương thực giảm sút sẽ gây nguy cơ suy dinh dưỡng, ốm đau…
Ngoài ra, do BĐKH làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng, thiên tai (bão, lũ quét, lụt, hạn hán) gia tăng làm cho số người chết, bị thương, ốm đau, bệnh tật gia tăng…
Các tác động tiềm tàng của BĐKH tại Việt Nam
Về ngắn hạn, BĐKH chủ yếu liên quan tới thiên tai: Các cơn bão vào Việt Nam sẽ có số lượng và mức độ khốc liệt tăng lên mỗi năm, tàn phá trên diện rộng đối với cuộc sống con người, các công trình xây dựng và tài sản tại các khu dân cư và các hoạt động sản xuất tại các vùng ven biển hay vùng núi có độ dốc cao (miền Trung).
Hạn hán nặng cùng lũ lụt và ngập úng sẽ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn, gây tác động xấu trên diện rộng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân các vùng núi và đồng bằng châu thổ.
Về trung hạn, BĐKH và các thiên tai có thể tạo điều kiện làm bùng phát các dịch bệnh thông thường và phát sinh các loại dịch bệnh mới. Tốc độ lan truyền dịch bệnh cũng sẽ nhanh hơn, đồng thời xuất hiện các vấn đề như: gia tăng nhiệt độ, sa mạc hóa (vùng núi, cao nguyên), nước biển dâng... và những vấn đề thứ cấp như xâm nhập mặn nhiều hơn, khan hiếm nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm nguồn nước...
Về dài hạn, BĐKH làm mực nước biển dâng sẽ làm ngập một số vùng ven biển, gây ra tình trạng mất đất sinh sống, sản xuất và di dân. Ngoài ra, BĐKH cũng gây nên hiện tượng sa mạc hóa ở quy mô lớn làm mất đất trên diện rộng gây tổn thất cho các ngành nông nghiệp và thủy sản. BĐKH làm nhiệt độ tăng cao sẽ làm thay đổi các hệ sinh thái và gây ra các khó khăn cho sản xuất nông – lâm nghiệp và ngư nghiệp.
Trần Tú