1. Trầm cảm ở bệnh nhân HIV/AIDS
Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở người nhiễm HIV/AIDS:
+ Nét mặt đơn điệu, buồn chán, bi quan, mất hết các sở thích vốn có như xem phim, nghe nhạc, xem đá bóng; luôn than phiền mệt mỏi mà không có lý do gì, nghỉ ngơi cũng không thể hết; ăn không ngon, ăn ít và thường sút cân (có thể sút trên 1kg/tháng)...
+ Rất khó vào giấc ngủ, có khi lên giường ngủ từ lúc 10h tối, nhưng phải đến 12h hoặc muộn hơn mới ngủ được. Dù ngủ rất muộn, nhưng sớm tỉnh giấc, giấc ngủ không sâu, sáng dậy vẫn không có cảm giác thoải mái.
+ Chậm chạp trong mọi hoạt động, suy nghĩ và lời nói. Để làm được các việc đơn giản như vệ sinh cá nhân cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường. Suy nghĩ rất khó khăn và chậm khiến khó có các quyết định kịp thời và chính xác.
+ Khả năng tập trung kém: Rất khó chú ý vào một việc gì đó được quá vài phút. Ví dụ không thể đọc hết được một bài báo ngắn. Nếu bắt buộc phải tập trung chú ý họ rất mệt và than phiền bị "kiệt sức".
Do chú ý kém nên họ không ghi nhớ được những chi tiết quan trọng của mọi công việc và rất hay quên (bỏ đâu, quên đó). Tuy nhiên những sự việc xảy ra đã lâu như tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, người thân… thì vẫn nhớ đúng.
+ Ý nghĩ về cái chết là rất phổ biến ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Họ muốn chết do mặc cảm về tội lỗi, do bi quan về tương lai, do hoài nghi về khả năng điều trị… Tóm lại là họ muốn cuộc sống của mình kết thúc sớm vì nó đã mất hết ý nghĩa. Lúc đầu, họ chỉ mơ hồ nghĩ về cái chết, nhưng về sau họ lập kế hoạch tự sát rõ ràng như viết di chúc, chuẩn bị phương tiện tự sát... Cuối cùng, bệnh nhân có hành vi tự sát, có thể dẫn đến cái chết.
Các triệu chứng trầm cảm thường tồn tại trong nhiều tháng nếu không được điều trị.
Để điều trị trầm cảm ở người nhiễm HIV/AIDS cần dùng thuốc chống trầm cảm SSRI như sertraline (dùng hàng ngày cùng thuốc kháng virus).
2. Lo âu lan tỏa
Các biểu hiện của lo âu lan tỏa:
+ Lo lắng quá mức không thể kiểm soát về bất cứ chuyện gì: Lo lắng về bệnh (bệnh có nặng không, thuốc khó mua không, tốn tiền không) đến những vấn đề khác (mình sẽ làm việc gì, gia đình bạn bè có xa lánh mình không, sao các thảm họa gây chết nhiều người xảy ra nhiều thế...). Người bệnh lo lắng ngay từ khi thức giấc và chỉ hết lo lắng khi đã ngủ.
+ Cùng với lo lắng, người bệnh có rất nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như tim đập nhanh, vã mồ hôi, đầy bụng, đái rắt, căng cơ, mỏi cổ - gáy, có cơn nóng bừng hoặc lạnh buốt người, vướng ở cổ, khó nuốt...
Các triệu chứng lo âu sẽ tồn tại bền vững trong ít nhất 6 tháng và thường kéo dài nhiều năm nếu không được điều trị.
Để điều trị lo âu lan tỏa do HIV/AIDS, các bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc chống trầm cảm SSRI (như paroxetine) kết hợp với thuốc bình thần (như grandaxin) trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
3. Loạn thần
Bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối thường có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác:
+ Cho rằng có người muốn làm hại mình (thực ra là không có ai), theo dõi mình (bằng camera, bằng vệ tinh nhân tạo), điều khiển mình (bằng cách cấy con chip vào đầu mình); nhìn thấy các hình ảnh không có thật như nhìn thấy ma quỷ, thấy các động vật nhỏ (kiến, chim, chuột)...
Các hình ảnh này rất sống động và rất thật đối với họ nên họ có thể cầm gậy để đập chuột (thực ra không có con chuột nào cả), dùng dao để chém ma (cũng không có con ma nào hết) nên có thể gây nguy hiểm cho người khác.
+ Họ nghe thấy có tiếng người nói chuyện bên tai. Tiếng nói đó tuy không có thật, nhưng họ lại nghe thấy rất rõ ràng. Họ có thể phân biệt được đó là tiếng đàn ông hay đàn bà, giọng người quen hay người lạ...
Về nội dung thì tiếng nói đó có thể khen hoặc chê, nhưng có thể ra lệnh cho họ làm một việc gì đó. Như vậy, hành vi của họ lúc này do hoang tưởng và ảo giác chi phối khiến họ chống đối điều trị, tấn công cả nhân viên y tế.
Để điều trị loạn thần do HIV/AIDS, các bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc an thần kinh như olanzapine hoặc haloperidol. Cần dùng thuốc an thần trong nhiều tháng để đảm bảo tình trạng loạn thần không tái phát.
Nói chung, việc điều trị trầm cảm, lo âu lan tỏa và loạn thần ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất khó khăn, cần phải phối hợp với các bác sĩ tâm thần để khám và điều trị có kết quả tốt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đại biểu Quỹ toàn cầu ấn tượng trước kết quả phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.