Các rối loạn tâm thần kinh trước và sau sinh

25-01-2014 08:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Stress, trầm cảm, lo âu, hành vi bất thường... là các rối loạn tâm thần kinh mà phụ nữ mang thai và sau sinh rất dễ gặp phải.

Stress, trầm cảm, lo âu, hành vi bất thường... là các rối loạn tâm thần kinh mà phụ nữ mang thai và sau sinh rất dễ gặp phải. Đây là một quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa phức tạp diễn ra với các mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ cũng như đến sự phát triển thể chất cũng như tâm thần của thai nhi.

Đi tìm nguyên nhân

Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hormon estrogen, progesteron, HCG và có sự gia tăng bài tiết một số hormon tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hormon buồng trứng. Việc tiết nội tiết tố nhiều quá hay ít quá có thể gây ra những rối loạn cảm xúc và tinh thần, có hại cho sức khỏe và sự thanh thản trí óc. Ví dụ, việc tăng tiết quá độ nội tiết tố tuyến giáp thyroxin có thể làm một người bình thường căng thẳng và dễ bị cáu gắt... Nội tiết tố thay đổi làm cảm xúc của thai phụ thai đổi theo chiều hướng mạnh hơn với các vấn đề hay nói cách khác thai phụ nhạy cảm hơn với những vấn đề xảy ra.

Cùng với các thay đổi về nội tiết, các yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi như: mang thai ngoài ý muốn, làm mẹ đơn thân. Sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế khi mang thai. Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng, áp lực giới tính của con... cũng là những yếu tố thúc đẩy phát sinh các rối loạn tâm thần kinh cho phụ nữ trước và sau sinh.

Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi có thể gây ra rối loạn cảm xúc và tinh thần.

Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi có thể gây ra rối loạn cảm xúc và tinh thần.

Các rối loạn tâm thần kinh thường gặp trước và sau sinh

Stress: Rối loạn stress xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ va sau sinh. Phụ nữ mang thai dễ bị stress hơn so với người khác, với nhiều biểu hiện khác nhau như buồn phiền, mất ngủ, chán ăn, không muốn giao tiếp... Có rất nhiều phản ứng tiêu cực của stress trong thai kỳ. Thai phụ bị stress có thể gây tác hại lập tức và dài hạn cho thai, làm thời gian thai kỳ ngắn hơn, dễ sinh non, thai chết lưu - hay gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu stress xảy ra ở 3 tháng cuối thì nguy cơ cao nhất là thai sinh nhẹ ký. Các bà mẹ trẻ bị stress trong thời gian “bầu bí” có thể khiến cho đứa trẻ sau này mắc bệnh hen suyễn và dị ứng. Stress trong suốt thời gian mang thai có thể ảnh hưởng lớn đến nồng độ nội tiết của người mẹ dẫn đến giảm dưỡng chất được cung cấp cho thai qua nhau, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến các cơ quan trọng yếu của thai nhi như: gan, tim, thận, não và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ về sau.

Rối loạn trầm cảm: Tỷ lệ phụ nữ mang thai và sau sinh bị rối loạn trầm cảm chiếm khoảng 13 - 20%. Thai phụ có thể bị trầm cảm trước sinh và sau sinh nếu họ có một số triệu chứng như: Quá lo lắng về tương lai làm mẹ của mình, cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh, gặp vấn đề về giấc ngủ, mộng du, ác mộng. Nỗi buồn dai dẳng, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử...

Chứng trầm cảm gây hậu quả không tốt với thai phụ và thai nhi. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai, đẻ non, thai phát triển không tốt, đứa trẻ sinh ra có thể mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển. Trầm cảm thai kỳ không có nghĩa là người đó sẽ trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nặng trong thai kỳ tiếp tục bị trầm cảm sau sinh. Điều trị trong thời gian mang thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể ở các mức độ khác nhau. Trầm cảm nhẹ: sau khi sinh con khoảng 3 - 4 ngày, người mẹ thường khóc lóc không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Trầm cảm nặng: lúc đầu người mẹ cảm thấy lo lắng, sau trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với người con mới đẻ.

Rối loạn hành vi: Thường sau 2 tuần sau sinh, sản phụ thường buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát.

Lú lẫn, hoang tưởng cấp: Thường xảy ra trong khoảng 20 ngày đầu sau đẻ. Tiến triển nhanh từ ngày thứ ba, đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng (có thể cả mê mộng) tăng về chiều tối. Hoang tưởng bị hại tập trung vào đứa con (cho là đứa con sinh ra không phải của mình) đôi khi kèm theo trầm cảm - lo âu.

Ngoài ra, có thể gặp các rối loạn mang tính chất tâm căn như nôn, buồn nôn, nhất là mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, một số khác thì tăng tiết nước miếng. Các rối loạn khác là lo âu nhẹ, chóng mặt, tức ngực, sợ chết khi đẻ, sợ sinh con bệnh tật... có thể gặp ở giai đoạn sát ngày sinh.

Hãy giúp họ vượt qua các rối loạn này

Để giúp đỡ những phụ nữ này, chồng và người thân cần quan tâm, theo dõi, động viên để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn, chăm chút cho thiên thần bé bỏng mới chào đời được khỏe mạnh.

Trong thời kỳ thai nghén, nếu có các rối loạn nhẹ, thai phụ cần được sự động viên, nâng đỡ của chồng, gia đình. Cần được nghỉ ngơi thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, tập thể dục và thư giãn hợp lý. Nếu có các rối loạn tâm thần nặng, cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Ở thời kỳ sau đẻ, những người bị trầm cảm nhẹ nếu được khuyên giải, động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường. Chỉ có khoảng 15% kéo dài trạng thái trầm cảm đến hàng năm. Những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để có chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm.

Những trường hợp trầm cảm nặng và có rối loạn hành vi cần được đưa vào các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được điều trị. Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được nâng đỡ để tránh mặc cảm. Về những hậu quả mà họ gây ra trong thời gian bị bệnh, nếu cần cho biết cũng phải thông tin một cách từ từ.

BS. Trung Đức

 


Ý kiến của bạn