Các rối loạn tâm thần hay gặp ở học sinh, sinh viên

30-12-2013 15:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Các nghiên cứu ở Việt Nam gần đây cho thấy, trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở học sinh, sinh viên.

Các nghiên cứu ở Việt Nam gần đây cho thấy, trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở học sinh, sinh viên. Với học sinh trung học phổ thông, tỷ lệ trầm cảm là 5% số học sinh, tỷ lệ này ở sinh viên các trường cao đẳng, đại học khu vực phía Bắc là 7%, nữ nhiều gấp đôi nam. Bệnh hiếm khi khởi phát ở tuổi dưới 15, tỷ lệ bệnh tăng nhanh theo lứa tuổi và khá phổ biến ở độ tuổi 20. Bệnh trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tự sát ở lứa tuổi này (chiếm 75% số trường hợp tự sát).

Dấu hiệu nhận biết

Nét mặt buồn bã, đơn điệu. Nhưng cũng có thể là dễ cáu gắt vô cớ. Mất hầu hết các sở thích vốn có. Mệt mỏi không lý do, nhất là về buổi sáng. Khó ngủ, dễ thức giấc khi ngủ, thức dậy sớm hoặc có thể là ngủ quá nhiều (trên 10 giờ mỗi ngày).

Chán nản, bi quan, tự ti (cho mình là kém cỏi so với bạn bè, là gánh nặng cho gia đình và nhà trường).

Khó tập chung chú ý nên khả năng ghi nhớ rất kém. Vì vậy, bệnh nhân học hành sút kém hẳn so với trước.

Thăm khám tâm lý cho học sinh.        Ảnh: TM

Ăn ít, mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, sút cân. Nhưng cũng có thể bệnh nhân ăn quá nhiều dẫn đến béo phì. Vận động chậm chạp hoặc kích động.

Ý nghĩ về cái chết (mất ngủ, mệt mỏi thế này thì chết mất), ý nghĩ muốn chết (chết quách đi cho nhẹ gánh gia đình và nhà trường) hoặc đã có hành vi tự sát (bằng thuốc ngủ, thuốc độc, khí gas, dây thừng, dao, đuối nước, nhảy từ trên cao xuống...).

Nếu trẻ có những triệu chứng trên, kéo dài trên 2 tuần thì nhiều khả năng cháu bị trầm cảm. Cần nhanh chóng đưa cháu đến khám tại bác sĩ tâm thần để xác định bệnh. Lưu ý: không được nhầm lẫn giữa bác sĩ tâm thần với bác sĩ thần kinh hoặc các nhà tâm lý.

Điều trị thế nào?

Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt chiếm 1% ở tuổi học đường. Tỷ lệ bệnh bằng nhau ở nam và nữ. Bệnh có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp nhất là độ tuổi 20 ở nam và 25 ở nữ. Đây là bệnh tâm thần nặng nhất trong các bệnh tâm thần ở tuổi học đường, rất khó điều trị, khó hồi phục, điều trị tốn kém và phải điều trị suốt đời. Việc phát hiện ra bệnh càng sớm thì khả năng điều trị tốt càng cao! Bệnh có các triệu chứng:

Bệnh nhân nghe thấy có tiếng một hoặc nhiều người nói chuyện trong đầu bệnh nhân hoặc từ bên ngoài vọng vào đầu (tất nhiên là khi đó không hề có ai đang nói cả). Tiếng nói có thể trò chuyện với bệnh nhân (chúng ta thấy bệnh nhân nói chuyện một mình), các tiếng người có thể nói chuyện với nhau, bình phẩm (khen, chê) về các hành vi của bệnh nhân, xui khiến bệnh nhân làm một việc gì đó (có thể là hành vi tự sát, đánh người…). Các triệu chứng này trong tâm thần học gọi là ảo thanh.

Có ý nghĩ sai lầm rằng ai đó đang theo dõi bệnh nhân (bằng camera, vệ tinh, tia vũ trụ…), định làm hại bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, điều khiển mọi hành vi của bệnh nhân, ăn cắp ý nghĩ của bệnh nhân. Đôi khi bệnh nhân cho rằng mình có thể điều khiển được thời tiết, kiểm soát cả thế giới! Các ý nghĩ sai lầm này luôn cố định trên bệnh nhân (lúc nào cũng có), chi phối mọi hành vi của bệnh nhân (như không dám đi chơi, đi học vì sợ bị theo dõi, bị làm hại). Trong tâm thần học, các triệu chứng này được gọi là hoang tưởng.

Các triệu chứng trên kéo dài trên 1 tháng và bệnh nhân không có tiền sử chấn thương sọ não hoặc nghiện ma túy nhóm kích thần (ecstasy - ma túy đá).

Trẻ cần phải được gặp bác sĩ tâm thần để được khám và phát hiện bệnh kịp thời nếu có các biểu hiện trên.

Bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc an thần kéo dài suốt đời. Nếu ngừng thuốc hoặc uống thuốc không đủ liều, bệnh sẽ tái phát sau một vài ngày đến một vài tháng. Không nên hy vọng điều trị khỏi hẳn được bệnh này. Các thuốc an thần hay dùng là haloperidol, risperidone, olanzapin, quetiapine. Hạn chế sử dụng aminazin, levomepromazin do hiệu quả điều trị kém và có nhiều tác dụng phụ. Trong quá trình điều trị, nhất là những tháng đầu dùng thuốc, người ta thường cho bệnh nhân uống thuốc an thần kết hợp với trihex để phòng và chữa tác dụng phụ của thuốc an thần (bồn chồn, cứng lưỡi, cứng hàm, tiết nhiều nước bọt). Các thuốc an thần này hầu như không độc với gan, thận, tim, hệ sinh dục… nhưng tác dụng phụ đáng kể nhất của chúng là gây tăng cân sau thời gian dài điều trị. Vì thế, cần tính toán chế độ ăn và tập luyện thể dục cho hợp lý.

Các trường hợp bệnh nhân có hành vi tự sát, từ chối ăn, căng trương lực, kích động hoặc kháng thuốc, cần phải làm sốc điện để chữa các triệu chứng trên.

Còn nữa

TS. Bùi Quang Huy

(Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)


Ý kiến của bạn