Hà Nội

Các phương thuốc trị suy dinh dưỡng trẻ em

SKĐS - Đông y gọi suy dinh dưỡng ở trẻ em là chứng cam tích, mà nguyên nhân thường gặp là do khẩu phần ăn không hợp lý,

Đông y gọi suy dinh dưỡngtrẻ em là chứng cam tích, mà nguyên nhân thường gặp là do khẩu phần ăn không hợp lý, như: ăn thiếu đạm kéo dài, ăn nhiều chất béo ngọt khiến không tiêu hóa được, tích lại làm tổn thương tỳ vị, cũng có khi do nhiễm nhiều giun...

Nhìn chung các biểu hiện ban đầu đối với trẻ mắc chứng cam tích thường thấy xuất hiện như: cơ thể hơi gầy, kém ăn hoặc ăn nhiều, đi cầu nhiều, phân khi lỏng khi đặc, đầy bụng, có thể sốt nhẹ, miệng khát, lòng bàn chân, bàn tay nóng, người bứt rứt, hay khóc, ngủ không yên, rêu lưỡi hơi vàng, mạch tế hoạt.

Chỉ thực
Chỉ thực

Cần dựa vào từng thể cam tích cụ thể để gia những phương thuốc trị liệu thích hợp. Sau đây là những phương trị liệu cụ thể cho từng loại.

Thể tỳ hư (còn gọi là tỳ cam): tương ứng với suy dinh dưỡng độ 2. Biểu hiện như mặt vàng, người gầy, miệng khô, khát nước, sôi bụng, tiêu chảy. Có trường hợp do tân dịch giảm gây táo bón, bụng to, gân xanh nổi lên, nước tiểu đục trắng, rêu lưỡi trắng.

Phương pháp chữa chính là bổ khí, bổ tỳ vị.

Dùng phương (chọn một trong các phương sau cho thích hợp):

- Hoài sơn 12g, bạch truật 6g, sinh địa 6g, cam thảo nam 4g, thạch môn 4g, sa nhân 2g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần trong ngày.

- Hoài sơn 8g, đậu ván trắng 8g, bạch truật 6g, chỉ thực 4g, trần bì 4g, kê nội kim 4g. Sắc uống ngày một thang. Nếu do tích trệ thức ăn, bụng trướng, thêm đại phúc bì, sơn tra, thần khúc mỗi vị 4 g. Nếu do nhiễm giun gây tích trệ, đau bụng, thêm sử quân tử 4g.

Kê nội kim
Kê nội kim

- Hoàng liên 6g, thần khúc 6g, mạch nha 6g; bạch truật 4g, trần bì 4g, cam thảo 4g, nga truật 4g, thanh bì 4g, sử quân tử 4g, hoàng liên 4g; binh lang 2g, tam lăng 2g, lô hội 0,2g. Sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.

- Hoài sơn 100g, ý dĩ 100g, mạch nha 100g, đẳng sâm 50g, bạch truật 50g; hạt cau 25g, vỏ quít 25g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày uống 16 - 20g bột.

- Chữa suy dinh dưỡng, tiêu chảy do nhiễm giun: sơn dược 80g, đậu ván trắng 80g, sử quân tử 80g, thần khúc 80g, hoàng liên 40g, sơn tra 40g, bạch đậu khấu 40g, binh lang 20g, ngân sài hồ 6g, mạch nha 6g, lô hội 5g. Tán nhỏ làm viên, ngày uống 4 - 8 g.

Thể can cam (tức bệnh do khí huyết hư can thận hư mà gọi là can cam, tương ứng với suy dinh dưỡng độ 3): biểu hiện như người gầy, da khô, bộ mặt già, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, tiếng khóc nhỏ, rêu lưỡi mỏng khô, lông, tóc khô. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: khô loét giác mạc, loét miệng, tử ban (lắng đọng sắc tố), phù thũng…

Trần bì
Trần bì

Phương pháp chữa là bổ khí huyết, bổ can, thận tỳ vị.

Dùng phương (chọn một dưới đây sao cho thích ứng):

- Thục địa 12g; hà thủ ô 8g, kê huyết đằng 8g, ý dĩ 8g, đậu đen 8g, hạt sen 8g; bạch truật 6g, ngũ gia bì 6g, kê nội kim 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

- Hoài sơn (sao) 60g; phục linh 45g, đậu ván trắng 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử quân, 30g; hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tán bột, rây mịn, trộn với mật ong làm hoàn bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3g, ngày uống 2 - 3 lần.

- Đẳng sâm 8g, bạch truật 8g, thục địa 8g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, bạch thược 8g, phục linh 6g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần. Nếu loét khô giác mạc, thêm kỷ tử, cúc hoa mỗi vị 8g. Nếu loét miệng, thêm ngọc trúc, thăng ma mỗi vị 6g; hoàng liên 4g. Nếu tử ban (lắng đọng sắc tố) thêm hoàng kỳ, a giao. Nếu có sốt mà xuất huyết, thêm sinh địa, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g; đan bì 6g. Nếu có phù dinh dưỡng, thêm phục linh 12g, quế chi 2g.

BS. HOÀNG TUẤN LINH


Ý kiến của bạn