Các phương pháp trị són tiểu

19-10-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Són tiểu (còn gọi là hiện tượng rỉ nước tiểu hoặc không kìm giữ được nước tiểu) là tình trạng mất kiểm soát của bàng quang.

Són tiểu (còn gọi là hiện tượng rỉ nước tiểu hoặc không kìm giữ được nước tiểu) là tình trạng mất kiểm soát của bàng quang. Són tiểu có thể thay đổi từ mức độ nhẹ chỉ rỉ một lượng nhỏ nước tiểu khi tăng áp lực ổ bụng (như khi ho, hắt hơi hoặc cười) đến cảm giác thúc ép phải đi tiểu mà khó có thể kìm giữ được nước tiểu.

Biểu hiện của són tiểu rất đa dạng

Són tiểu do stress: Nước tiểu rỉ ra khi đột ngột tăng áp lực vùng bụng dưới như khi ho, hắt hơi, cười, tập thể dục hoặc nâng vật nặng. Loại này thường xảy ra khi cơ vùng chậu bị yếu, như sau khi sinh hoặc phẫu thuật vùng chậu, thường gặp hơn ở phụ nữ.

Són tiểu do thúc ép: Xảy ra khi nhu cầu đi tiểu rất đột ngột, thường trước khi tới được nhà vệ sinh. Thường gặp nhất ở người cao tuổi và cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc bàng quang tăng hoạt.

Són tiểu chảy tràn: Rỉ một lượng nhỏ nước tiểu không thể kiểm soát được, thường do căng bàng quang quá mức. Có cảm giác không đi hết nước tiểu hoặc căng thẳng khi đi tiểu. Thường gặp hơn ở nam giới do phì đại hoặc khối u tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn dòng nước tiểu; do đái tháo đường hoặc sử dụng một số thuốc.

Các phương pháp trị són tiểu

Són tiểu cơ năng: Xảy ra khi quá trình kiểm soát nước tiểu hoàn toàn bình thường nhưng khó khăn khi đi vào nhà vệ sinh do nguyên nhân khác như viêm khớp hoặc một số bệnh làm hạn chế khả năng đi lại.

Són tiểu hỗn hợp: Thường kết hợp ít nhất 2 loại trên.

Ai có nguy cơ bị són tiểu?

Phụ nữ có thai, sau sinh, mãn kinh và do cấu trúc giải phẫu; nam giới do vấn đề ở tuyến tiền liệt; tuổi cao; thừa cân; người bị bệnh lý thần kinh hoặc đái tháo đường.

Nguyên nhân gây són tiểu

Có hai nhóm chính:

Són tiểu nhất thời: Do dùng một số loại đồ uống, thức ăn và thuốc có tác động lợi niệu, kích thích bàng quang và làm tăng lượng nước tiểu, như: rượu và đồ uống có cồn; cà phê và trà; thực phẩm có nhiều gia vị; một số thuốc điều trị bệnh tim mạch và huyết áp, thuốc an thần kinh và thuốc giãn cơ; do nhiễm khuẩn đường; do táo bón...

Són tiểu dai dẳng: Có thể do một số bệnh lý hoặc thay đổi như: có thai làm thay đổi nội tiết tố và tăng trọng lượng tử cung dẫn đến mất tự chủ tiểu tiện; sau sinh đường âm đạo có thể làm yếu cơ kiểm soát bàng quang, gây tổn thương dây thần kinh và mô nâng đỡ dẫn tới sa sàn chậu; thay đổi theo tuổi cơ bàng quang lão hóa làm giảm khả năng kìm giữ nước tiểu; mãn kinh làm giảm sản xuất nội tiết tố nữ (estrogen), một loại hormon góp phần làm khỏe mạnh bàng quang; cắt tử cung gây tổn thương cơ nâng đỡ sàn chậu; phì đại hoặc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới; tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi tiết niệu đôi khi gây rò rỉ nước tiểu; mắc một số bệnh như Parkinson, đột quỵ, u não hoặc tổn thương tủy sống làm rối loạn tín hiệu thần kinh kiểm soát bàng quang gây mất tự chủ tiểu tiện.

Các phương pháp điều trị

Tùy mức độ cũng như nguyên nhân, có thể kết hợp các phương pháp điều trị sau:

Thay đổi hành vi

Luyện tập bàng quang: Làm chậm đi tiểu sau khi bạn cảm giác mót tiểu. Có thể bắt đầu bằng cố gắng kìm giữ nước tiểu trong thời gian vài phút mỗi khi bạn cảm thấy mót tiểu nhằm tăng khoảng thời gian giữa hai lần đi tiểu cho tới khi bạn có thể đi tiểu sau mỗi vài giờ.

Đi tiểu đôi: Giúp giải phóng nước tiểu ra khỏi bàng quang tốt hơn nhằm tránh rỉ nước tiểu. Đi tiểu đôi có nghĩa là đi tiểu, nghỉ ngắt quãng vài phút, rồi lại tiếp tục đi tiểu.

Chủ động thời gian đi tiểu mỗi 2 - 4 giờ chứ không cần đợi đến khi buồn tiểu.

Kiểm soát lượng dịch đưa vào cơ thể và chế độ ăn: Hạn chế hoặc tránh đồ uống có cồn, cà phê hoặc đồ uống có ga. Giảm lượng dịch đưa vào cơ thể, giảm cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực.

Luyện tập cơ sàn chậu

Luyện tập thường xuyên (bài tập Kegel) thường làm khỏe cơ giúp kiểm soát tiểu tiện, đặc biệt có hiệu quả đối với mất tự chủ tiểu tiện do stress và thúc ép. Để luyện tập cơ sàn chậu, hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng ngừng lại việc đi tiểu như sau: co (giữ chặt cơ) để có thể ngừng dòng tiểu và giữ trong khoảng 5 giây, sau đó thư giãn cơ (thả ra) trong 5 giây (nếu quá khó, bắt đầu bằng kìm giữ và thư giãn trong thời gian ngắn hơn: 2 hoặc 3 giây). Sau đó tăng dần lên 10 giây mỗi lần và làm lại 3 lần như thế và lặp lại vài lần trong ngày.

Kích thích bằng thần kinh: Điện cực được đưa tạm thời vào trực tràng hoặc âm đạo để kích thích và làm khỏe cơ sàn chậu. Kích thích điện nhẹ nhàng có thể hiệu quả đối với mất tự chủ tiểu tiện stress và thúc ép nhưng thời gian trị liệu dài vài tháng.

Sử dụng thuốc: Thường sử dụng thuốc kháng cholinergic, thuốc giãn cơ bàng quang, thuốc chẹn alpha và estrogen tại chỗ.

Sử dụng một số loại dụng cụ chuyên khoa đưa vào niệu đạo hoặc âm đạo trước những hoạt động thể lực có thể gây hiện tượng rỉ nước tiểu. Hoặc dùng dụng cụ cấy dưới da để giải phóng các xung thần kinh liên quan đến kiểm soát bàng quang như dây thần kinh cùng.

Phẫu thuật: Treo cổ bàng quang, phẫu thuật điều trị sa hoặc cơ thắt nhân tạo,...

Tóm lại, són tiểu không phải là bệnh. Tuy nhiên, nếu són tiểu xảy ra thường xuyên hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cần phải đi khám ngay vì đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý khác.

BS. Yến Ngọc

 

 

 


Ý kiến của bạn