Các phương pháp tác động cột sống

SKĐS - Bất cứ một sự bất đồng bộ trong các tư thế, động tác trong lao động, sinh hoạt... của con người cũng có thể gây nên những bất thường hay bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp tại cột sống.

Y học cổ truyền có những phương pháp tác động đến cột sống để hồi phục chức năng của bộ phận quan trọng này.

Cột sống và bệnh lý cột sống

Cột sống vừa là trụ cột duy nhất của cơ thể vừa là cơ quan chứa đựng thần kinh,  nối liền và điều khiển các khớp xương thông qua hệ thống cơ bắp, dây chằng, thần kinh… và tạo nên khả năng vận động và chuyển động tuyệt vời của con người.

Cột sống của con người là một tập hợp gồm 33 - 34 đốt sống được xếp chồng lên nhau và kết nối với nhau bởi một hệ thống dây chằng và hệ thống cơ. Cột sống bao gồm 5 đoạn: 7 đốt sống cổ từ C1 đến C7; 12 đốt sống ngực từ D1 đến D12; 5 đốt sống thắt lưng từ L1 đến L5; 5 đốt xương cùng từ S1 đến S5; các đốt xương cụt (xương cụt). Giữa các thân đốt sống là đĩa đệm, đĩa đệm bao gồm một vòng xơ và nhân nhày, đĩa đệm dính chắc vào thân đốt sống và được giữ chắc hơn bởi một hệ thống dây chằng và hệ thống cơ bắp giữ vững vàng các đốt sống và đĩa đệm với nhau và giữ cho cột sống ở tư thế thẳng đứng.

Các phương pháp tác động cột sống

Các bệnh lý về cột sống thường gặp:

- Đau lưng, đau cổ, đau thắt lưng: do tư thế, lao động, sinh hoạt, thể thao; đặc biệt là các chấn thương tích lũy trong các động tác lao động giản đơn, lặp đi lặp lại.

- Bệnh lý của khối cơ lưng, thắt lưng; bệnh lý cột sống và đĩa đệm cổ, thắt lưng…

Biểu hiện ban đầu của các bệnh lý này thường là triệu chứng đau tại cột sống (cổ, lưng), đặc biệt là đau vùng cơ cạnh cột sống ( cổ, lưng), vì đây là vùng hoạt động nhiều nhất của cột sống.

Các phương pháp tác động lên cột sống

Tập luyện:

Tư thế nằm là tư thế thoải mái nhất cho cột sống, vì đốt sống trên không đè nặng lên đốt sống dưới và đốt sống thắt lưng thứ 5 (L5) không phải chịu sức nặng của cả thân mình. Tập trong tư thế nằm có thể sửa lại những bệnh tật cột sống và cải thiện cơ sau thân, phù hợp với mọi người nhất là người cao tuổi.

Động tác ưỡn cổ:

Hai tay để xuôi trên giường. Lấy điểm tựa ở xương chẩm và mông. Ưỡn cổ và lưng hổng giường đồng thời hít vô tối đa; giữ hơi, dao động lưng qua lại từ 2 - 6 cái; thở ra triệt để có ép bụng. thực hiện từ 1 - 3 hơi thở.

Động tác ưỡn mông:

Lấy điểm tựa ở lưng trên và 2 gót chân. Ưỡn mông làm cho thắt lưng, mông và chân đều hổng giường, đồng thời hít vô tối đa; giữ hơi và dao động qua lại, mỗi lần dao động cố gắng hít vô thêm, dao động 2 - 6 cái; thở ra và ép bụng thật mạnh, đuổi hơi ra triệt để. Thở và dao động từ 1 - 3 hơi thở.

Động tác bắc cầu:

Lấy điểm tựa ở xương chẩm, hai cùi chỏ và hai gót chân. Nâng người lên làm cho cả thân mình cong, hổng giường từ đầu đến chân, đồng thời hít vô tối đa; giữ hơi, làm dao động qua lại tùy sức, từ 2 - 6 cái; thở ra triệt để. Làm như thế từ 1 - 3 hơi thở.

Động tác vặn cột sống và cổ ngược chiều:

Nằm 1 bên, co chân lại, chân dưới để sau, tay trên nắm bàn chân duói, bàn chân trên để lên đầu gối chân dưới và đầu gối chân trên sát giường, tay dưới nắm đầu gối chân trên. Vận động cột sống và cổ ngược chiều, hít vô tối đa, trong thời giữ hơi dao động cổ qua lại từ 2 - 6 cái thở ra triệt để có ép bụng. Làm như vậy 1 - 3 hơi thở rồi đổi bên

Động tác chiếc tàu:

Nằm sấp, tay xuôi, bàn tay nắm lại. Ưỡn cong lưng tối đa, đầu kéo ra sau hổng lên khỏi giường, hai chân sau để ngay và ưỡn lên tối đa, hai tay kéo ra phía sau hổng lên, như chiếc tàu, hít vô tối đa; giữ hơi và dao động: nghiêng bên này vai chạm giường, nghiêng bên kia vai chạm giường từ 2 - 6 cái; thở ra có ép bụng. Làm như vậy tùy sức từ 1 - 3 hơi thở.

Chú ý các động tác này chủ yếu tập cột sống, tập cơ phía sau thân giúp lưng thẳng, Còn thở trong các động tác là 4 thời đều tích cực và dao động giúp cột sống thẳng, linh hoạt hơn thích nghi với cuộc sống, học tập, sinh hoạt, lao động… nhất là với người cao tuổi

Xoa bóp - bấm huyệt

Xoa bóp vùng cổ gáy:

Tư thế người được xoa bóp nằm sấp;  người xoa bóp đứng phía sau gáy để thực hiện kỹ thuật xoa bóp

Các phương pháp tác động cột sống

Các phương pháp tác động cột sống

Xoa xát vùng vai: hai tay áp sát cổ đưa qua vai úp bàn tay hất lên vuốt từ cổ đến vai. Có thể xoa xát với phấn rơm hay dầu bôi trơn.

- Miết vùng cổ vai: dùng các đầu ngón tay miết từ mỏm vai lên cổ và miết cạnh hai bên cột sống.

- Bóp nắn cơ cổ vai: bóp nắn cơ: cơ thang, cơ denta, các cơ quanh cột sống cổ…

- Nhào cơ cổ vai : dùng 2 tay véo cơ lên và nhào các cơ lớn như cơ thang, cơ denta, cơ ức đòn chũm .

- Day cơ cổ vai : dùng gốc bàn tay day các cơ trên cổ vai, động tác nhẹ, dịu dàng.

- Lăn: vùng tam giác Phong trì, Đại chùy, Kiên tĩnh.

- Ấn day điểm đau nhất: tìm và day ấn điểm đau, chú ý cự án hay thiện án mà ấn day từ nhẹ đến nặng thích hợp.

- Day ấn huyệt: Phong phủ, Phế du, Đốc du, Phong trì, Đại chùy…

- Bóp vai: bóp huyệt Phong trì, bóp gáy, bóp vai, vờn vai.

- Sát cơ: dùng 2 bàn tay mô ngón út và ngón cái sát các cơ trên vùng vai đến gáy và ngược lại.

- Rung cơ: dùng tay áp sát vào cổ rung với tần số cao từ cổ đến vai 2 bên. Kết thúc xoa bóp bấm huyệt vùng cổ gáy.

Xoa bóp - bấm huyệt vùng thắt lưng: người được xoa bóp nằm sấp, hai tay đặt xuôi, thở đều, thư giãn; người xoa bóp đứng bên cạnh ngang thắt lưng người được xoa bóp.

- Xoa xát vùng thắt lưng: hai tay áp sát từ nữa lưng dưới kéo thẳng tay xuống xương cùng cụt vòng tay qua xương chậu rồi hất tiếp bàn tay lên dưới vai.

- Miết cơ: dùng các đầu ngón tay của hai bàn tay miết cơ vùng thắt lưng

- Bóp nắn cơ thắt lưng: dùng tay thực hiện bóp nắn trên cơ thắt lưng.

- Nhào cơ: hai bàn tay nắm bắt cơ lên di chuyển chéo nhau theo chiều dài cơ lưng.

- Đấm chặt cơ: nắm hờ bàn tay, tác động cạnh của hai bàn tay mô ngón út để thực hiện kỹ thuật đấm chặt trên cơ lưng.

- Lăn cơ: hai bàn tay nắm vào, hai ngón cái đan vào nhau, khi thực hiện kỹ thuật bàn tay úp sấp, lắc cổ tay lăn cơ trên từ vùng mông đến tận cổ trên cơ lưng hoặc lăn theo kiểu dùng đốt bàn ngón: 3, 4, 5 di chuyển trên lưng.

- Véo cơ cạnh cột sống thắt lưng: dùng hai ngón cái và các đầu ngón tay để thực hiện kỹ thuật bằng cách véo da liên tục dọc lên cột sống, véo ngang vùng thắt lưng.

- Tìm điểm đau: ở vùng thắt lưng day từ nhẹ đến nặng theo cự án hay thiện án.

- Ấn các huyệt: Thận Du, Mệnh môn, Đại trường du...

- Rung cơ: áp sát tay vào thắt lưng rung cơ vùng thắt lưng.

- Sát cơ: dùng cạnh của 2 bàn tay phía mô ngón út và ngón út sát ngược chiều nhau dọc cơ thắt lưng. Cuối cùng bàn tay chụm lại hơi khum phát Mệnh môn 3 cái.

Châm cứu

Châm cứu điều trị bệnh lý cột sống có nhiều hình thức: thể châm, điện châm, nhu châm... Châm cứu có tác dụng giảm đau rất tốt trong các bệnh lý về cột sống (thoái hoá khớp, bệnh đĩa đệm cột sống mức độ nhẹ, đau cột sống sau chấn thương, đau do co thắt cơ trơn vùng cột sống, yếu liệt…), tiết morphine nội sinh làm giảm đau; giúp an thần, giãn cơ, tăng ngưỡng đau... Châm cứu giúp phục hồi lại sự tuần hoàn của kinh mạch và tăng khả năng đề kháng của cơ thể nên có thể phòng và trị được bệnh. Một số công thức huyệt thường sử dụng trong điều trị các bệnh lý cột sống:

Châm: dùng kim tác động vào vùng cột sống bị tổn thương.

- Thực chứng: châm tả các huyệt sau: vê kim mạnh, thời gian lưu kim 10 phút

Vùng cổ vai: Giáp tích C1-C7, A thị huyệt vùng cổ gáy, Phong trì, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Liệt khuyết…

Vùng thắt lưng, hông: Giáp tích L2-S1, A thị huyệt vùng thắt lưng, Thận du, Mệnh môn, Đại trường du, Ủy trung…

- Hư chứng: vê kim nhẹ, thời gian 20 phút; Ngoài châm các huyệt như trên tùy vị trí tổn thương vùng cổ, vùng thắt lưng, còn thêm phần tạng phủ và khí huyết bị hư nên châm bổ thêm các huyệt sau:

Can hư: Thái xung, Tam âm giao

Thận hư: Thái khê, Thận du, Quan nguyên.

Tỳ hư: Thái bạch, Tam âm giao.

Túc tam lý, Huyết hải.

Cứu: dùng sức nóng tác động lên vùng huyệt cột sống bị tổn thương như cảm nhiễm phải hàn thấp, bị ngã, do mang vác nặng, sai tư thế gây đau lưng cấp hoặc do thận hư gây đau lưng mạn. ngoài các huyệt tại chỗ tổn thương mà cứu, còn gia thêm các huyệt tùy theo tạng phủ, vùng ứ huyết mà gia giảm cứu thêm các huyệt sau.

- Đau lưng thể thận hư: Thận du, Ủy trung, Mệnh môn. Thận dương hư thêm Chí thất, Quan nguyên.

- Đau lưng thể ứ huyết: A thị huyệt vùng lưng, Ủy trung, Hoàn khiêu, Cách du, yêu dương quan, Dương lăng tuyền.

Thông thường sử dụng châm trong bệnh lý thực (bệnh mới mắc), bệnh lý nhiệt (nóng trong người, gặp nóng đau tăng), còn cứu sử dụng trong bệnh lý thuộc hư (bệnh đã lâu) bệnh lý thuộc hàn (bệnh do lạnh đau tăng). Người thầy thuốc châm cứu tùy theo tình hình bệnh tật mà có thể sử dụng châm hoặc cứu hoặc sử dụng kết hợp cả hai để đạt hiệu quả điều trị.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn