Hà Nội

Các phương pháp phát hiện bệnh lao

10-01-2020 07:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Lao phổi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường không khí. Khi mắc bệnh lao phổi, các vi khuẩn có thể lây lan từ phổi đến các cơ quan khác gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.

Bệnh lao có khả năng lây nhanh và rộng. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không truyền nhiễm và không có triệu chứng là do hệ thống miễn dịch của họ đang bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Nhưng tình trạng này sẽ không diễn ra lâu, bệnh lao phổi tiềm ẩn sẽ phát triển thành lao hoạt động với các triệu chứng phát tác và lây lan ra môi trường xung quanh cho người khác.

Do là bệnh lý truyền nhiễm nên dễ lây lan thành diện rộng, khó kiểm soát sự lây lan, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh nếu cứ kéo dài và không được điều trị đúng cách. Cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh này là tiêm vắc-xin ngay từ tháng đầu tiên chào đời.

Các triệu chứng bệnh lao phổi điển hình cần được phát hiện sớm

Một người bị nghi ngờ mắc bệnh lao khi sống ở môi trường ẩm thấp, có nhiều người mắc bệnh lao. Hơn nữa, khi có triệu chứng bệnh lao phổi điển hình thường gặp dưới đây, mọi người nên đi khám sớm và được điều trị kịp thời:

Ho: Đây là triệu chứng của bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, giãn phế quản, lao... Trong trường hợp ho trên 3 tuần cũng như dùng thuốc kháng sinh mà không thuyên giảm thì nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất lớn.

Các phương pháp phát hiện bệnh laoNhân viên y tế khám và điều trị cho bệnh nhân mắc lao.

Khạc ra đờm: Khạc đờm là triệu chứng bệnh lao phổi thường gặp. Nguyên nhân do tình trạng tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phế quản phổi.

Ho ra máu: đây là triệu chứng bệnh lao phổi có thể gặp ở 60% người mắc bệnh, xuất hiện khi có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.

Đau ngực, khó thở: Đau ngực là một trong những triệu chứng bệnh lao phổi dễ nhận thấy ở bệnh nhân. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản dẫn đến tình trạng khó thở, đau ngực.

Gầy sụt cân: Là triệu chứng thường gặp ở số đông người bệnh lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên thì phải đi khám ngay.

Sốt về chiều: Triệu chứng sốt cao, sốt thất thường và đặc biệt là sốt nhẹ kèm hiện tượng gai lạnh về chiều là dấu hiệu cần nghĩ tới khả năng đã mắc bệnh lao.

Đổ mồ hôi: Bệnh lao phổi khiến đổ mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm nhiều về ban đêm.

Cơ thể mệt mỏi: Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công và khi nhiễm vi trùng lao cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí tình trạng mệt mỏi do mắc bệnh lao còng nặng nề hơn. Mặt khác, do tác động tâm lý, stress gây nên các ức chế khiến người mắc bệnh lao càng thêm mệt mỏi.

Phương pháp phát hiện bệnh lao

Có 2 phương pháp phát hiện bệnh lao: phát hiện chủ động và phát hiện thụ động.

Phát hiện chủ động: Người thầy thuốc, người cán bộ y tế chủ động đưa các phương tiện phát hiện bệnh (kính hiển vi, máy chụp Xquang) tới xã, phường, thôn bản, chủ động phát hiện lao: chụp Xquang, lấy đờm tìm trực khuẩn lao cho tất cả mọi người.

Phương pháp phát hiện chủ động (cán bộ y tế chủ động, đối tượng được phát hiện thụ động) rất tốn kém vì phải tiến hành trên rất nhiều người để có thể tìm ra một số rất ít người mắc bệnh như kiểu mò kim dưới đáy biển. Ví dụ tỷ lệ mắc lao là một phần ngàn thì phải tiến hành trên 1 ngàn người để có thể tìm ra 1 người mắc bệnh (có trực khuẩn lao trong đờm). Do vậy, khó có thể tiến hành được trên diện rộng, khó có thể làm thường xuyên. Hiệu quả của công tác phát hiện lại không cao.

Phát hiện thụ động:  Người bệnh nghi mình mắc lao khi có các triệu chứng hô hấp như ho, sốt kéo dài, khạc máu, gầy sút cân..., tự chủ động tới cơ sở y tế để khám bệnh và làm xét nghiệm phát hiện bệnh.

Cơ sở y tế phát hiện bệnh cho người bệnh một cách thụ động. Số người phải phục vụ ít hơn rất nhiều so với phương pháp phát hiện chủ động nhưng hiệu quả rất cao vì số người đến đã được sàng lọc chỉ tiến hành trên những người thực sự có triệu chứng. Sự tốn phí cũng ít hơn rất nhiều nên có thể tiến hành trên những địa bàn rộng rãi thời gian có thể kéo dài.

Muốn phát hiện thụ động có hiệu quả cao công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe phải được làm tốt cho mọi người biết được càng nhiều, càng chi tiết những dấu hiệu chính của lao phổi càng tốt với cách truyền thông gọn gàng, đơn giản dễ nhớ.

Khi phát hiện được người lao phổi có trực khuẩn lao trong đờm, cơ sở y tế phải tiến hành khám cho mọi người trong gia đình bệnh nhân ngoài việc phải xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao đối với bất kỳ người nào đến khám vì nghi mắc lao hoặc có hình ảnh Xquang phổi bất thường.


BS. Đức Vĩnh
Ý kiến của bạn