Các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ

17-11-2021 13:30 | Bệnh phụ nữ
google news

SKĐS - Đau bụng khi ở chu kỳ kinh nguyệt là vấn đề thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Đau bụng kinh là nỗi lo lắng, thậm chí sợ hãi bởi cảm giác đau bụng dữ dội, đặc biệt là những người con gái mới có kinh trong những năm đầu tiên. Do vậy việc hiểu biết về nguyên nhân đau bụng kinh có ý nghĩa rất quan trọng để tất cả các chị em chúng ta có thể kiểm soát được cơn đau, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống trong thời gian hành kinh.

1.Nguyên nhân của đau bụng kinh 

Kinh nguyệt là hiện tượng bong ra của lớp niêm mạc tử cung, đây là dấu hiện khởi đầu giai đoạn dậy thì của người con gái và duy trì cho đến khi mãn kinh. Hiện tượng xảy ra bình thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày với lượng máu mất khoảng 80 đến 200 ml. Kinh nguyệt còn được xem là tấm gương phản ánh tình trạng sức.

Tuy vậy, vẫn có người phụ nữ đón chờ kinh nguyệt trong lo lắng, thậm chí là sợ hãi bởi cảm giác đau bụng dữ dội, đặc biệt là những người con gái mới có kinh trong những năm đầu tiên. Nguyên nhân để gây nên tình trạng này thường là do tử cung co bóp quá mức để tống máu kinh ra ngoài gặp ở những tử cung nhạy cảm cao với các kích thích, hoặc là ở những tử cung có tư thế bất thường như gập trước, gập sau .v.v… 

Ngoài ra còn có thể do các nguyên nhân thứ phát như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm dính niêm mạc tử cung, hẹp ống cổ tử cung, nhiễm khuẩn đường sinh sản, .v.v…

Bên cạnh sự can thiệp bằng y học, cũng có những phương pháp khá đơn giản mà các chị em có thể tham khảo và áp dụng:

2. Cách giúp giảm đau bụng kinh

2.1 Chế độ sinh hoạt, lao động góp phần làm giảm đau bụng kinh. 

Các chị em cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh vận động quá mức hoặc gắng sức trước khi có kinh dự đoán một ngày và sau khi sạch kinh một ngày. Cũng trong thời gian này, cần thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, tập yoga và hít thở không khí trong lành. Mặt khác, trong giai đoạn hành kinh, tính khí có thể thay đổi, cho nên các chị em cần phải thật sự bình tĩnh, tránh các stress, chủ động xả stress, tránh xúc động và đặc biệt là tránh quan hệ tình dục.

Về cơ thể, luôn giữ ấm cơ thể để máu lưu thông được dễ dàng, đặc biệt là giữ ấm "vòng 2" và vùng bụng dưới, phải luôn quan tâm giữ gìn vệ sinh (trong đó có vệ sinh kinh nguyệt) để đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn, vào thời tiết lạnh nên tắm bằng nước ấm, có thêm một ít muối vào chậu hay bồn tắm: tất cả điều này làm thư giãn các cơ, trong đó có các cơ vùng chậu, vùng bụng, qua đó giúp làm dịu cơn đau.

Khi làm việc hoặc ở nhà cũng vậy, nên mặc đồ rộng rãi, thoải mái, chú ý tránh tình trạng bó chặt thắt lưng.

-Phải ngủ ngon và đủ giấc: Trong thời gian hành kinh, việc thay đổi về nội tiết và các cơn đau khiến người phụ nữ mệt mỏi, khó ngủ. Vì thế chúng ta cần chủ động "tìm" một giấc ngủ ngon, ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày, đừng quên một giấc vào buổi trưa. Các chuyên gia khuyến cáo nên nằm ngủ ở tư thế bào thai, ở tư thế này, cơ bụng được giãn ra và giúp giảm đau bụng kinh.

Các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ - Ảnh 1.

Biết được nguyên nhân đau có ý nghĩa rất quan trọng để bạn có thể kiểm soát được cơn đau

- Chế độ dinh dưỡng: Nên ăn đủ chất, ít dầu mỡ và giàu chất xơ, ăn nhiều ra củ quả vì chứa nhiều vitamin, trong đó có vitamin E, B1, B6, magie, kẽm và omega 3, các thành phần này làm giảm hormone gây đau bụng kinh, làm giãn cơ, giảm viêm nếu có.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo nên ăn táo, vì trong táo có enzyme bromelain giúp làm giảm đau bụng kinh

Ngoài ra, trong thời gian này, phụ nữ nên uống nhiều nước ấm, nước ép trái cây, không nên uống cà-phê, rượu bia vì có thể gây tình trạng kích thích đường tiêu hóa làm cơn đau phức tạp thêm. Hạn chế đồ mặn, cay, nóng vì dễ gây táo bón làm cho tình trạng đau bụng nặng thêm.

2.2. Các phương pháp hỗ trợ làm giảm cơn đau bụng kinh nguyệt

-Tư thế giảm đau: tư thế "thai nhi": nằm co và nghiêng phải, có thể ôm gối để thoải mái hơn.

-Chườm nước ấm vào vùng bụng dưới bằng chai hoặc túi nước nóng, cần chú ý tránh nóng quá sẽ gây bỏng da;

-Đắp gừng tươi: gừng tươi được xắt lát mỏng, giã nhỏ, cho vào bọc vải, hơ qua lửa sau đó lấy phần gừng và chườm lên vùng bụng dưới khoảng từ 5 đến 7 phút;

-Dán cao hoặc xoa dầu nóng vào vùng bụng dưới;

-Ngâm hai bàn chân vào nước muối loãng, ấm và kết hợp massage lòng bàn chân để làm giảm đau vì ở đó có các huyệt đạo liên quan đến vùng chậu;

-Massage vùng bụng dưới: Nên tự mình massage một cách nhẹ nhàng và thường xuyên trong thời gian hành kinh, động tác này làm giãn cơ giúp làm giảm cơn đau do co thắt tử cung.

3. Dùng thuốc thuốc điều trị đau bụng kinh

Uống vitamin E trước ngày có kinh và tiếp tục duy trì đến ngày thứ 3 của chu kỳ;

Trường hợp đau vẫn không giảm, hoặc giảm nhưng không đáng kể: các chị em có thể đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau, chú ý không tự ý dùng thuốc.

Các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ - Ảnh 2.

Khi tới chu kỳ kinh nguyệt nếu đau nhiều, chị em có thể đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau.

4.Phòng ngừa các cơn đau khi chu kỳ kinh nguyệt

Biết được các nguy cơ gây nên các cơn đau xảy ra trong thời gian hành kinh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phòng ngừa.

- Giữ cho phần phụ không bị viêm nhiễm: Vệ sinh đúng và thường xuyên, mang thai đúng tuổi, tình dục an toàn và lành mạnh.

- Tránh các stress về tinh thần (các sang chấn tâm lý, làm việc căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc), tránh stress về cơ thể (làm đúng sức, đúng giờ, không gắng quá mức, an toàn không gây tổn thương cho cơ thể)

- Thực hiện phòng tránh thai an toàn, tránh tình trạng nạo phá thai.

- Điều trị các bệnh phụ khoa hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Đi khám và điều trị triệt để các bệnh lý tử cung và phần phụ như: các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bệnh lý như u lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm dính niêm mạc tử cung, hẹp ống cổ tử cung …

- Nếu kinh nguyệt bị rối loạn: đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị ngay.

- Nâng cao thể chất bằng cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý, thể dục đều đặn. Có chuyên gia cho rằng người béo phì thường hay đau bụng kinh hơn những người khác.

- Không hút thuốc lá: Có nghiên cứu cho rằng: thói quen hút thuốc lá và đau bụng hành kinh luôn có tỷ lệ thuận với nhau.

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Đau bụng kinh thường dễ nhầm lẫn với các cơn đau do các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm như: viêm ruột thừa, xoắn ruột, tắc ruột, thai ngoài tử cung, u buồng trứng xoắn .v.v… Vì thế cho nên, khi có bất kỳ cơn đau nào ở vùng bụng, xảy ra trong hay ngoài thời gian hành kinh, chúng ta cũng phải đi khám để loại trừ. Tất cả vì sự an toàn, chúng ta phải phải đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Tóm lại, kinh nguyệt là đặc trưng của người phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản, việc kiểm soát và khắc phục những rắc rối có thể xảy ra trong thời gian hành kinh phải được quan tâm một cách khoa học, thường xuyên và có trách nhiệm, để cơn đau do hành kinh không còn là nỗi lo sợ hoặc là nỗi ám ảnh của người phụ nữ, để cuộc sống, lao động, sinh hoạt trong thời gian này được tiếp diễn một cách bình thường.

Thống kinh có nên chịu đựng?Thống kinh có nên chịu đựng?

Thống kinh (TK) là hiện tượng đau khi hành kinh, đau từ hạ vị lan lên ức, lan xuống đùi và có khi đau khắp bụng, đôi lúc bị đau đầu, cương vú…



BS Dương Chí Lực
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam
Ý kiến của bạn