Hà Nội

Các phương pháp điều trị viêm đại tràng mạn tính

27-08-2024 16:27 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nếu mắc bệnh viêm đại tràng chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc chữa trị trở nên rất khó khăn. Đặc biệt khi xuất hiện những tổn thương sâu và rộng trên biểu mô niêm mạc đại tràng, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với bệnh trong nhiều năm, thậm chí cả đời.

Nguyên nhân của viêm đại tràng mạn tính

Viêm đại tràng mạn tính khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hóa cấp tính do nhiễm khuẩn các vi khuẩn, các ký sinh vật… qua ăn uống nhưng không được điều trị dứt điểm dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang viêm đại tràng mạn tính.

Các nguyên nhân của viêm đại tràng mạn tính bao gồm:

  • Do lối sống không lành mạnh, ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều hoặc ăn thức ăn rắn gây tổn thương niêm mạc đại tràng dẫn tới viêm và lâu ngày thành mạn tính. Cũng có trường hợp viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên nhân.
  • Do nhiễm vi khuẩn lao, nhiễm ký sinh trùng, nấm độc hại;
  • Do tình trạng táo bón kéo dài dẫn đến tình trạng viêm đại tràng mạn tính.
  • Bệnh viêm loét đại tràng hoặc của bệnh Crohn (do bệnh tự miễn). Xạ trị bệnh ung thư có thể xảy ra hàng tháng và năm sau điều trị… cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm đại tràng mạn tính.
Các phương pháp điều trị viêm đại tràng mạn tính- Ảnh 1.

Viêm đại tràng là bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra.

Biểu hiện của viêm đại tràng mạn tính

  • Khi mắc viêm đại tràng mạn tính người bệnh sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài từ 2 đến 6 lần mỗi ngày.
  • Đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng.
  • Phân thường nát, không thành khuôn.
  • Bụng trướng hơi, căng tức, khó chịu dọc khung đại tràng.
  • Đau bụng âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng.
  • Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện.
  • Người bệnh dễ bị dị ứng đồ ăn, dễ đau bụng, trướng hơi, đi ngoài sau khi ăn những món nhiều dầu mỡ, chua cay, rượu bia, cà phê…

Để chẩn đoán viêm đại tràng mạn tính ngoài khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đại tràng có thể biết được tương đối vị trí, mức độ tổn thương ở đoạn nào của ruột già và đặc biệt là phân biệt với ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như: tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm máu tìm nguyên nhân nhiễm trùng…

Điều trị viêm đại tràng mạn tính

Điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Các thuốc điều trị như: thuốc kháng sinh; thuốc kháng siêu vi nếu nguyên nhân gây viêm do nhiễm virus.

Trường hợp nhẹ viêm niêm mạc trực tràng bức xạ có thể không cần điều trị. Trường hợp nặng gây đau và chảy máu nghiêm trọng, đòi hỏi phải điều trị các loại thuốc để kiểm soát chảy máu.

Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng, xuất hiện biến chứng như rò, thủng, áp xe… người bệnh cần được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột kết hoặc trực tràng.

Ngoài ra, để khắc phục hay hạn chế bệnh viêm đại tràng, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý như:

  • Hạn chế các sản phẩm từ sữa;
  • Ăn nhiều bữa nhỏ;
  • Uống nhiều nước;
  • Không dùng rượu, thuốc lá và đồ uống có chứa caffeine gây kích thích đường ruột;
  • Có một chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý;
  • Thận trọng trong việc sử dụng thuốc giảm đau xương khớp cũng như thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc không kê đơn.

Lời khuyên thầy thuốc phòng viêm đại tràng mạn tính

Chế độ dinh dưỡng trong viêm đại tràng mạn tính cũng cần được lưu ý, cụ thể, khi bị táo bón cần giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, inuline, oligofructose…). Ăn làm nhiều bữa nhỏ, chừng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa.

Nếu bị tiêu chảy cần tránh hẳn chất xơ dạng không tan, không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ. Có thể ăn trái cây xay như chuối, táo.

Tránh chất kích thích, những thực phẩm có chất kích thích thần kinh như cà phê, chocolate, trà… đều phải kiêng. Hạn chế các sản phẩm từ sữa vì trong sữa có loại đường lactose rất khó tiêu. Ngoài ra, chất đạm của sữa có thể gây dị ứng cho bệnh nhân, hãy thay thế bằng sữa đậu nành.

Hạn chế mỡ tránh những thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, khi dùng cần có sự chỉ định của các bác sĩ.

Ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mạn tínhNgăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mạn tính

SKĐS - Viêm đại tràng mạn tính là bệnh rất hay gặp, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, ngủ kém, đầy bụng, chán ăn... Bệnh nặng có thể gầy sút cân và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

BS. Lê Văn Tùng
Ý kiến của bạn