Ung thư lưỡi là một loại ung thư thuộc vùng đầu, cổ.... khi các tế bào bất thường bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát được.
Các yếu tố nguy cơ chính gồm hút thuốc, uống nhiều rượu và nhiễm virus u nhú ở người (HPV), vệ sinh răng miệng kém, răng mọc lộn xộn, thói quen ăn cau trầu (phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á). Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới và cao hơn ở người từ 45 tuổi trở lên.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào vị trí khối u, kích thước và giai đoạn tiến triển của bệnh. Điều trị ung thư lưỡi cần dựa vào những yếu tố giai đoạn bệnh ung thư, vị trí ung thư, toàn trạng. Những cách điều trị ung thư lưỡi chính bao gồm: Phẫu thuật, xạ trị và hoá trị, kết hợp hoặc các biện pháp riêng lẻ.
1. Phương pháp điều trị ung thư lưỡi
1.1. Phẫu thuật
Tác dụng: Phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp tổn thương đã phát triển và lan rộng. Tùy vào kích thước và vị trí của khối u, có thể cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi; đồng thời cũng sẽ phải loại bỏ một số tế bào khỏe mạnh xung quanh lưỡi.
- Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, bác sĩ phẫu thuật có thể lấy ra một số mô này (gọi là bóc tách).
- Nếu đã tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn, cần kết hợp phẫu thuật với xạ trị. Nếu xảy ra chảy máu nhiều tại vị trí khối u, cần cầm máu bằng thắt thắt động mạch cảnh ngoài.
Tác dụng phụ: Phẫu thuật có thể khiến người bệnh khó thở, rò nước bọt, nhiễm trùng, viêm xương hàm dưới
Lưu ý: Sau phẫu thuật, người bệnh cần vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các vấn đề về nói và nuốt.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể áp dụng phẫu thuật tái tạo để phục hồi các bộ phận trên khuôn mặt/miệng cần được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật ung thư. Thông thường sẽ lấy xương hoặc mô khỏe mạnh từ các bộ phận khác trên cơ thể để thay thế các bộ phận của lưỡi, môi, mặt và các khu vực khác.
1.2. Xạ trị
Tác dụng: Phương pháp điều trị này hướng các chùm năng lượng mạnh từ tia X, proton hoặc các phương tiện khác đến những vị trí cụ thể trên cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp xạ trị có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
Trong một số trường hợp, xạ trị được sử dụng như một phương pháp điều trị độc lập, đặc biệt nếu ung thư đã lan sang các khu vực khác.
Tác dụng phụ: Có thể gặp một số tác dụng phụ khi xạ trị như viêm miệng, khô miệng, loét hay sạm da,...
1.3. Hóa trị
Tác dụng: Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc trước hoặc sau khi phẫu thuật để kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư hoặc tiêu diệt các tế bào còn sót lại. Hóa trị thường được áp dụng ở những bệnh nhân phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn muộn. Một số thuốc hóa trị liệu phổ biến được sử dụng là cisplatin và fluorouracil.
Tác dụng phụ: Có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, ù tai, giảm thính lực, mất vị giác, miệng có vị kim loại…
1.4. Liệu pháp nhắm mục tiêu
Tác dụng: Liệu pháp nhắm mục tiêu giúp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tấn công các hóa chất cụ thể để điều trị ung thư lưỡi quay trở lại hoặc lan ra ngoài khối u.
Tác dụng phụ: Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể gây một số tác dụng phụ cho người bệnh như tiêu chảy, mệt mỏi, chậm lành vết thương, tăng huyết áp, suy tim, viêm da, viêm niêm mạc, chảy máu...
1.5. Liệu pháp miễn dịch
Tác dụng: Với bệnh nhân bị ung thư lưỡi tiến triển và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, có thể cần sử dụng liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách giúp hệ thống miễn dịch xác định vị trí và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tác dụng phụ: Liệu pháp miễn dịch có thể gây sưng đau, đỏ, ngứa, phát ban, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
2. Lưu ý khi điều trị
- Điều trị ung thư lưỡi có thể gây ra các vấn đề về giọng nói và thay đổi trong ăn uống. Những thay đổi này có thể là vĩnh viễn đối với một số người.
- Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi điều trị để biết về các mối nguy và tác dụng phụ của điều trị.
- Luôn tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian điều trị ung thư lưỡi, nếu gặp bất cứ điều gì bất thường cần trao đổi với bác sĩ để được kịp thời xử trí, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
3. Các biện pháp ngăn ngừa ung thư lưỡi
- Tránh thuốc lá và rượu: Cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư lưỡi là tránh thuốc lá và rượu, vì đây là hai yếu tố nguy cơ cao nhất. Việc ngừng sử dụng sau nhiều năm vẫn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư miệng và hầu họng.
- Tiêm vaccine ngừa HPV: HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vòm họng. Nó phổ biến và hiếm khi gây ra triệu chứng. Vaccine HPV bảo vệ chống lại ung thư lưỡi và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV.
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt: Ăn các thực phẩm tươi, chưa qua chế biến; hạn chế thịt đỏ, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn.
- Thăm khám răng miệng định kỳ: Việc thăm khám định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư lưỡi, từ đó có phương án điều trị kịp thời. Ngoài ra, giữ gìn sức khỏe răng miệng tốt còn thúc đẩy sức khỏe toàn cơ thể và giữ tinh thần vui vẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phát hiện ung thư lưỡi từ vết loét miệng