1. Phẫu thuật điều trị ung thư da
Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ ung thư da rộng rãi. Đối với một số thể ung thư, ngoài việc cắt bỏ tổn thương sẽ cần kết hợp với việc lấy bỏ hạch vùng lân cận nhằm ngăn chặn sự di căn. Chỉ định phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ phát triển, vị trí, kích thước và độ sâu của ung thư.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá một số tiêu chí nhằm xác định phương pháp, lợi ích và tác dụng phụ có thể xảy đến, gồm:
- Xác định loại ung thư da.
- Mức độ phát triển và ảnh hưởng.
- Vị trí khối u da.
- Giai đoạn ung thư da.
Phẫu thuật ung thư da được tiến hành gây tê cục bộ khu vực cần loại bỏ mô tổn thương. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tách bỏ cấu trúc khối ung thư và một phần mô xung quanh. Sau đó, người bệnh có thể được tiến hành ghép da nếu kích thước vùng bị loại bỏ lớn nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ.
Phẫu thuật ung thư da có nhiều loại, bao gồm:
- Tiểu phẫu: Chỉ định cho tổn thương kích thước nhỏ chưa xâm lấn rộng.
- Phẫu thuật sinh thiết tức thì: Sau khi gây tê cục bộ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ cấu trúc khối u và các tế bào xung quanh. Phần mô này sẽ được xét nghiệm để tìm xem các dấu hiệu ung thư. Nếu kết quả cho thấy vẫn còn tế bào nghi ngờ ung thư, sẽ tiếp tục gây tê và loại bỏ thêm các mô xung quanh cho đến khi vùng tổn thương được xử lý hoàn toàn.
- Đại phẫu: Trường hợp ung thư da đã lan rộng, vùng tổn thương lớn, bác sĩ tiến hành đại phẫu để loại bỏ nhiều mô hơn. Đồng thời loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh và ghép da vào vùng tổn thương. Phương pháp này giúp giảm nguy cơ ung thư da tái phát.
- Phẫu thuật lạnh: Là biện pháp sử dụng nitơ lỏng để loại bỏ cấu trúc mô ung thư. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt nitơ lỏng lên vùng da ung thư để đóng băng phần mô. Phần mô tiếp xúc với nitơ lỏng sẽ hình thành lớp vảy sừng mới trong 2-4 ngày kế tiếp và bong tróc, mang theo các tế bào ung thư.
Phương pháp này thường không bị chỉ định cho vùng da nhạy cảm như gần mắt, môi, cơ quan sinh dục...
- Nạo và đốt điện: Là phương pháp sử dụng kim điện để cắt bỏ mô bị tổn thương và tiêu diệt các tế bào ung thư trong các khu vực lân cận để điều trị ung thư da.
Trước khi thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân được gây tê cục bộ, sau đó bác sĩ sử dụng thìa nhỏ hoặc lưỡi dao hình vòng để cạo sạch ung thư và mô xung quanh. Trong trường hợp còn sót tế bào ung thư, bác sĩ sẽ tiếp tục dùng kim điện để tiêu diệt tế bào xung quanh vết thương.
Phương pháp nạo và đốt điện có thể diễn ra 1-3 lần tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
2. Xạ trị điều trị ung thư da
Đây là phương pháp dùng phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này sử dụng sóng năng lượng cao tương tự như tia X để tiêu diệt tế bào ung thư, thường được áp dụng đối với ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xạ trị sau phẫu thuật để hạn chế nguy cơ ung thư da tái phát.
Có hai phương pháp xạ trị chính trong điều trị ung thư da:
- Xạ trị ngoài: Tia xạ từ bên ngoài hướng vào cấu trúc, tế bào ung thư.
- Xạ trị áp sát: Tia xạ áp sát trực tiếp khối u.
3. Hoá trị điều trị ung thư da
Là phương pháp dùng hóa chất gây độc tế bào điều trị ung thư da, chỉ định trong các trường hợp khối u lan rộng, di căn xa.
Với liệu pháp này, sẽ đưa thuốc trực tiếp vào cơ thể người bệnh, có tác dụng gây độc tế bào, ức chế khả năng phát triển để tiêu diệt các tế bào, cấu trúc gây ung thư. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hóa trị dưới dạng kem bôi ngoài da.
4. Liệu pháp quang động
Liệu pháp quang động trong điều trị ung thư da sử dụng một loại thuốc chuyên dụng để kích thích làn da nhạy cảm với ánh sáng, đồng thời chiếu một tia sáng đặc biệt vào khu vực tế bào ung thư để tiêu diệt các tế bào này. Liệu pháp quang động này thường được chỉ định điều trị một số loại ung thư da như chứng dày sừng quang hóa, bệnh Bowen…
5. Liệu pháp miễn dịch
Các tế bào ung thư có khả năng "ẩn mình" khỏi sự phát hiện và kiểm soát của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Cơ chế này giúp tế bào ung thư không bị hệ miễn dịch cơ thể phát hiện và tiêu diệt.
Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên, giúp cải thiện hoặc khôi phục các chức năng của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Theo đó, sẽ tăng cường phát hiện và đánh dấu tế bào ung thư. Từ đó kích thích khả năng hệ thống miễn dịch nhận diện và tấn công tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong liệu pháp này, bác sĩ thường sử dụng các thuốc:
- Kem imiquimod bôi da: Dùng điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy ở lớp trên cùng của da hoặc dày sừng quang hóa.
- Cemiplimab: Là loại liệu pháp miễn dịch (hay chất ức chế điểm kiểm soát), cemiplimab hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại protein ngăn hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, tìm kiếm và tấn công các tế bào ung thư.
Liệu pháp này được chỉ định khi:
- Ung thư da xâm lấn lan rộng hoặc xâm nhập sâu dưới lớp da, lan sang các hạch bạch huyết, bộ phận khác của cơ thể.
- Bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Không sử dụng được thuốc vismodegib hoặc thuốc này không còn tác dụng.
- Vismodegib: Chỉ định trường hợp có nhiều ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư da đã di căn sang các bộ phận khác.
6. Liệu pháp trúng đích
Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp tác động đặc hiệu riêng biệt và trực tiếp vào các gen đột biến gây ung thư. Trong điều trị ung thư sắc tố da sử dụng thuốc để tấn công vào nhóm tế bào ung thư cụ thể, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u. Các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Một số thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư da gồm:
- Ức chế BRAF (vemurafenib, dabrafenib, encorafenib).
- Ức chế MEK (trametinib, cobimetinib, binimetinib).
- Ức chế KIT (imatinib, dasatinib, nilotinib, ripretinib)…
Một số trường hợp có thể cần phối hợp liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích để cải thiện hiệu quả điều trị.
7. Lưu ý khi điều trị ung thư da
Trong quá trình điều trị ung thư da, một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra:
- Đau và khó chịu: Khi gặp tình huống này, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Đỏ da, viêm da, chảy dịch: Tại vị trí điều trị ung thư da thường bị đỏ tấy và viêm nhiễm, nhưng sau 2-3 ngày, phần vảy mới sẽ hình thành, tình trạng ửng đỏ, viêm nhiễm và chảy dịch có thể giảm bớt. Nếu có bội nhiễm, cần thông báo với bác sĩ để được sử dụng thuốc.
- Phồng rộp da: Khu vực phồng rộp có thể hình thành mụn nước nhưng cũng có thể được cải thiện sau 1-2 ngày. Nếu có xảy ra bất thường, người bệnh liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.
Để giảm thiểu nguy cơ ung thư da, cần lưu ý:
- Tránh ánh nắng mặt trời từ 10 giờ 16 giờ.
- Dùng kem chống nắng đúng type da và bôi lại sau mỗi 2 giờ nếu phải ra ngoài trời nắng.
- Đội mũ rộng vành, áo dài tay, quần dài.
- Không sử dụng giường tắm nắng.
- Điều trị bệnh da mạn tính, viêm loét da mạn tính.
Mời độc giả xem thêm video:
Ung thư da hiếm gặp, người phụ nữ 63 tuổi được các bác sĩ BV Việt Tiệp Hải Phòng phẫu thuật vi phẫu thành công