Hà Nội

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

14-06-2024 13:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Ung thư cổ tử cung đứng đầu trong các khối u ác tính ở đường sinh sản nữ. Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung có thể giảm thông qua phòng ngừa, chẩn đoán sớm, phát hiện và điều trị hiệu quả.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, trong số đó, 85 - 90% là ung thư biểu mô tế bào vảy, còn lại là ung thư biểu mô tuyến.

Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus u nhú ở người (HPV). Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, suy giảm miễn dịch...

Việc điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm phẫu thuật cắt bỏ hoặc xạ trị kết hợp hóa trị. Mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ xâm lấn của khối u cổ tử cung đến các cơ quan lân cận, độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng thể chất và các yếu tố khác... để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung- Ảnh 1.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ.

1. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm

Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, nếu khối u nhỏ hơn 4 cm và bệnh nhân nhìn chung có sức khỏe tốt thì phẫu thuật có thể được coi là bước điều trị đầu tiên. Đây là phẫu thuật cắt bỏ tử cung triệt để và cắt bỏ hạch vùng chậu.

Sau phẫu thuật, dựa trên kết quả xét nghiệm bệnh lý tiếp theo của tử cung, cổ tử cung và hạch bạch huyết, nguy cơ tái phát trong tương lai... sẽ được đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị bổ trợ, bao gồm xạ trị hoặc hóa trị.

2. Điều trị ung thư cổ tử cung tiến triển hoặc di căn

Đối với ung thư cổ tử cung tiến triển, hầu hết các khối u đều lớn hơn 4 cm khi được chẩn đoán. Hóa trị liệu sơ bộ có thể được xem xét để thu nhỏ khối u xuống dưới 4 cm trước khi phẫu thuật. Nếu khối u đã xâm lấn hoặc di căn đến khoang chậu hoặc hạch bạch huyết, do phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn các tế bào khối u ác tính nên sẽ sử dụng đồng thời hóa trị và xạ trị.

Nếu khối u đã xâm lấn các cơ quan xung quanh như đại trực tràng, bàng quang… tùy theo thể trạng của người bệnh, có thể xem xét phẫu thuật cắt bỏ cơ quan vùng chậu để cắt bỏ toàn bộ phần khối u xâm lấn và tái tạo lại bàng quang, hậu môn nhân tạo.

Đối với những bệnh nhân không phù hợp hoặc không muốn phẫu thuật, có di căn xa hoặc tái phát khối u, phương pháp điều trị bằng thuốc hiệu quả hiện nay là sử dụng thuốc hóa trị liệu kết hợp với tiêm tĩnh mạch thuốc điều trị nhắm trúng đích bevacizumab, sau đó xem xét kết hợp với xạ trị cục bộ.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung- Ảnh 2.

Lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào mức độ xâm lấn của khối u, độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng thể chất và các yếu tố khác.

3. Xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung

Xạ trị được chia thành 2 loại: Xạ trị từ xa và bên trong. Loại thứ nhất sử dụng tia năng lượng cao để chiếu xạ tử cung, cổ tử cung, âm đạo và các hạch bạch huyết vùng chậu, trong khi loại thứ hai sử dụng iridium-192 để chiếu xạ khoang tử cung bằng các tia ở gần phạm vi.

Tuy nhiên, tác dụng phụ bao gồm đỏ và ngứa da, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đi tiểu nhiều tạm thời, teo âm đạo...

4. Hóa trị điều trị ung tư cổ tử cung

Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc đi vào máu và đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, tiêu diệt các tế bào ung thư đã lan rộng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm cisplatin, carboplatin, paclitaxel, gemcitabine và vinorelbine. Hoá trị chủ yếu được sử dụng như một phương pháp điều trị phụ trợ, thường ở dạng tiêm tĩnh mạch,

Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón, loét miệng, rụng tóc, thiếu máu, mệt mỏi, viêm tĩnh mạch...

5. Liệu pháp nhắm mục tiêu

Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị toàn diện có tác dụng can thiệp tốt đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, nhưng hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân có khối u tiến triển, tái phát là không lý tưởng. Liệu pháp nhắm mục tiêu phân tử đề cập đến việc nhắm mục tiêu vào các tế bào khối u bằng các loại thuốc được thiết kế để nhắm vào sự phát triển, phân chia và lan rộng của tế bào ung thư, từ đó thúc đẩy quá trình tiêu diệt tế bào khối u.

Thuốc điều trị nhắm mục tiêu phân tử chủ yếu bao gồm thuốc ức chế VEGF (bevacizumab, pazopanib, apatinib, anlotinib), thuốc ức chế EGFR (cetuximab, panitumumab, gefitinib), thuốc ức chế rapamycin (temsirolimus)...

Các tác dụng phụ thường gặp là tăng huyết áp mất protein qua nước tiểu...

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung- Ảnh 3.

Hoá trị chủ yếu được sử dụng như một phương pháp điều trị phụ trợ, thường ở dạng tiêm tĩnh mạch.

6. Liệu pháp miễn dịch

Là sử dụng những loại thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để nhận biết và chống lại các tế bào ung thư. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, như pembrolizumab, hoạt động bằng cách giải phóng hệ thống phanh tự nhiên của hệ thống miễn dịch, cho phép hệ thống miễn dịch tấn công ung thư. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm truyền.

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch thường được dung nạp tốt, nhưng tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra do kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các cơ quan trong cơ thể như ruột, tuyến giáp, phổi, gan hoặc các cơ quan khác.

Tác dụng phụ của những loại thuốc này có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, phát ban, chán ăn, đau khớp hoặc cơ...

7. Lưu ý ở người bệnh ung thư cổ tử cung

Sau khi được điều trị, thể trạng của bệnh nhân sẽ tương đối kém. Vì vậy, để tăng cường thể trạng, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, đồng thời cũng tập thể dục phù hợp, nghỉ ngơi đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng thích hợp.

Lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh:

- Ngăn ngừa giảm cân hoặc duy trì cân nặng lý tưởng.

- Giảm tổn thương tế bào do điều trị và thúc đẩy quá trình sửa chữa mô bình thường.

- Thúc đẩy phục hồi và duy trì chức năng tiêu hóa.

- Giảm bớt tác dụng phụ và ngăn ngừa các biến chứng do suy dinh dưỡng...

Về thói quen ăn uống, nên tránh ăn những đồ cay nóng, khó chịu, nhiều dầu mỡ hay đồ chua; nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein, nhiều vitamin cũng như trái cây, rau quả tươi để cải thiện nhu động ruột.

Ngoài ra, bệnh nhân trải qua phẫu thuật không được quan hệ tình dục trong vòng 6 tuần sau phẫu thuật để vết thương lành lại.

Tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung có thể giảm thông qua phòng ngừa, chẩn đoán sớm, phát hiện và điều trị hiệu quả. Điều đặc biệt ở ung thư cổ tử cung là có mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm trùng HPV. Do chuỗi nhân quả này, việc phòng ngừa và sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh ung thư.

Hiện có sẵn các loại vaccine để bảo vệ chống lại virus và giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ cũng giúp phát hiện sớm căn bệnh ung này.

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trịUng thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị

SKĐS -Ung thư cổ tử cung là ung thư hay gặp ở nữ giới tại Việt Nam và thế giới. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung như nhiễm HPV (Human Papilloma Virus), quan hệ tình dục sớm, thiếu chăm sóc vệ sinh phần phụ, suy giảm miễn dịch.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Ung thư tinh hoàn: Tuyệt đối không chủ quan với các dấu hiệu này.



DS. Dương Khánh Linh
Ý kiến của bạn