Hà Nội

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

15-07-2024 16:01 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thoái hóa khớp gối mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra những cơn đau mạn tính, khiến người bệnh suy giảm chức năng vận động ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt cá nhân.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì thoái hóa khớp gối có thể tạo ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân như:

  • Yếu tố tuổi tác: Khi tuổi tác tăng cao, việc di chuyển nhiều khiến sụn bao khớp gối ma sát, xói mòn, khả năng chịu lực và đàn hồi kém. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, trong đó gần 80% người trên 75 tuổi.
  • Do bẩm sinh: Hay còn gọi là thoái hóa khớp gối thứ phát bẩm sinh, thường gặp là khớp gối quá duỗi, khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong…
  • Do tăng cân quá nhanh: Tăng cân nhanh, béo phì, thừa cân làm tăng áp lực đè nén lên xương khớp.
  • Do chấn thương, vận động quá sức: Lao động nặng, chơi thể thao sai cách, tập luyện quá mức có thể gây tổn thương đến gân, sụn, dây chằng, túi hoạt dịch quanh khớp làm trục khớp thay đổi.
  • Do ít vận động: Lười tập thể dục cũng dễ khiến cơ xương khớp thiếu sự linh hoạt, dẻo dai, lỏng lẻo.
  • Do dinh dưỡng không hợp lý: Ăn uống thiếu chất làm dịch khớp ít tiết chất nhờn, uống nhiều rượu bia khiến sụn khớp bị phá hủy. Đặc biệt là việc thiếu vitamin D tổng hợp canxi cũng gây ra nguy cơ mắc bệnh.
  • Do bệnh lý: Hệ miễn dịch bị phá hủy và các tổn thương viêm tại khớp cũng có liên quan đến căn bệnh này, ví dụ như: viêm khớp thấp, gout, viêm cột sống dính khớp…
  • Do lạm dụng thuốc corticoid: Corticoid dùng trong việc chống dị ứng, ức chế miễn dịch, kháng viêm nhưng nếu quá lạm dụng có thể gia tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp.

Biểu hiện thoái hóa khớp gối

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối- Ảnh 1.

Khi thoái hóa khớp gối tiến triển nặng hơn, các triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều và rõ rệt.

Ở giai đoạn đầu, bệnh còn nhẹ thường người bệnh ít nhận thấy các triệu chứng rõ ràng, các cơn đau thỉnh thoảng mới xuất hiện và thường không đáng kể, ít ảnh hưởng tới vận động.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều và rõ rệt, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:

  • Cảm giác đau khó chịu đặc biệt là sau khi đi bộ, đứng lâu hoặc khi cúi người… Cơn đau sẽ tăng tỉ lệ thuận với mức độ thoái hóa, với những bệnh nhân thoái hóa nặng cơn đau sẽ vô cùng khó chịu ảnh hưởng lớn tới vận động.
  • Tình trạng cứng khớp bắt đầu xuất hiện và làm ảnh hưởng đến vận động, đặc biệt là vào buổi sáng khi mới thức dậy hoặc khi ngồi trong thời gian dài. Thoái hóa càng nặng thì tình trạng cứng khớp xuất hiện càng nhiều và trầm trọng hơn.
  • Ngoài cảm giác đau đớn người bệnh cũng sẽ nhận thấy các khớp bị sưng, đỏ hơn bình thường. Tình trạng cứng khớp xuất hiện nhiều khiến việc đi lại khó khăn.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Tùy theo giai đoạn thoái hóa khớp gối, các bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp làm giảm triệu chứng bệnh, phục hồi khả năng vận động khớp gối như điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

  • Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa chủ yếu hướng dẫn các bài luyện tập, phòng ngừa tổn thương, giảm cân ở bệnh nhân thừa cân và dùng thuốc thích hợp với mục đích chính là giảm đau và phục hồi vận động.

Việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng có nhiều lựa chọn như: thuốc giảm đau (opioid và không opioid), thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (sysadoa) và các chế phẩm dùng ngoài da với các kết quả trên lâm sàng đa dạng và kết luận không nhất quán giữa các hiệp hội chuyên môn. Nội dung bài chủ yếu nhắc đến 2 nhóm thuốc sử dụng nhiều hiện nay trong điều trị là nhóm nsaids và nhóm sysadoa.

Một số NSAIDs được bào chế dưới dạng kem và gel để dùng ngoài (bôi trực tiếp lên da) hoặc miếng dán dùng tại chỗ. NSAIDs dùng đường uống được khuyến cáo mạnh mẽ, đây vẫn là nhóm thuốc đầu tay trong việc quản lý viêm khớp bằng thuốc, một số thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả ngắn hạn của chúng.

Tiêm corticosteroid nội khớp và tiêm axit hyaluronic gây ra nhiều cuộc thảo luận và bất đồng giữa các hướng dẫn khác nhau, mặc dù chúng hiện đang được sử dụng trong thực hành lâm sàng hàng ngày.

Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm bao gồm glucosamine, chondroitin, diacerein, bơ đậu tương không xà phòng hóa (Glucosamine sulfate và chondroitin sulfate, Diacerheine, piascledine,...).

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối- Ảnh 2.

Nên tập thể dục thường xuyên để cơ xương khớp thêm linh hoạt, dẻo dai.

  • Ngoài ra, điều trị không dùng thuốc quan trọng nhất là giảm cân nếu bị quá cân, hướng dẫn phương pháp tập luyện chống thoái hóa khớp gối hiệu quả. Vật lý trị liệu để giảm đau, sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị các đau gân và cơ kết hợp, tránh cho khớp gối tổn thương không bị quá tải.
  • Liệu pháp tế bào gốc: Được lấy từ tủy xương hoặc mô mỡ của chính bệnh nhân, sau đó được kích hoạt và tiêm vào khớp. Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, chống viêm, kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua tiết ra các yếu tố tăng trưởng.
  • Phẫu thuật: Khi tình trạng thoái hóa khớp quá nghiêm trọng và điều trị nội khoa không hiệu quả bác sĩ có thể cân nhắc việc thực hiện phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật có thể sử dụng như nội soi khớp, thay khớp hoặc tạo hình khớp…. Điều trị dưới nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoan kích thích tạo xương (microfrature), cấy ghép tế bào sụn, mổ thay khớp.

Phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Để phòng thoái hóa khớp cần giữ cân nặng hợp lý, luyện tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, giàu canxi và khoáng chất. Hạn chế rượu bia, chất kích thích, đồ dầu mỡ tăng cân.

Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và nếu người bệnh thấy có các triệu chứng nghi ngờ hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp.

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, biểu hiện,  điều trị và cách phòng bệnhThoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị và cách phòng bệnh

SKĐS - Thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.


BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm
Ý kiến của bạn