Các phương pháp điều trị não úng thủy

27-08-2024 08:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Không có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh não úng thủy, thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ là chính. Cách duy nhất để điều trị bệnh não úng thủy là phẫu thuật.

1. Các phương pháp điều trị não úng thủy

Hiện nay có 2 phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh não úng thủy là:

1.1. Phẫu thuật cấy ống shunt

Phẫu thuật cấy ống shunt là phương pháp điều trị não úng thủy phổ biến của bệnh này. Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng một ống dài được làm bằng silicon đặt vào bên trong não thất - nơi có sự tích tụ dịch não tủy.

Nhiệm vụ của ống thông này là dẫn lưu dịch não tủy ra khỏi não. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ gắn một chiếc van tại điểm gần não thất để điều khiển dòng chảy. Dưới áp lực tăng, dịch não tủy sẽ thoát ra khỏi não đồng thời ngăn ngừa dịch chảy ngược lại vào não thất khi bệnh nhân thay đổi vị trí.

Các phương pháp điều trị não úng thủy- Ảnh 1.

Ống thông catheter có nhiệm vụ dẫn lưu dịch não tủy ra khỏi não.

Sau đó, ống được đặt dưới da đến một bộ phận khác của cơ thể, nơi dịch não tủy dư thừa sẽ được hấp thu dễ dàng hơn (ví dụ như bụng). Hệ thống này phải được duy trì suốt đời và theo dõi thường xuyên.

1.2. Phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (EVT) điều trị não úng thủy

Một phương pháp điều trị thay thế là phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III (Endoscopic Third Ventriculostomy - EVT).

Theo bác sĩ Trần Văn Thanh - Giám đốc chương trình CURE tại châu Á, năm 2000, bác sĩ Benjamin Warf, chuyên khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ), Giáo sư Đại học Y khoa Havard (Mỹ), một trong những người sáng lập tổ chức CURE International, đã đề xuất sử dụng ống nội soi mềm để kết hợp phá sàn não thất 3 và đốt đám rối mạch mạc trong cùng một phẫu thuật. Từ năm 2000-2006, ông đã đưa cả gia đình đến Bệnh viện CURE tại Uganda để thực hành và hướng dẫn kỹ thuật này cũng như áp dụng cho các nước đang phát triển, các nước nghèo ở châu Phi rồi đến châu Á.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), phẫu thuật nội soi bằng ống mềm điều trị não úng thủy bắt đầu được triển khai từ tháng 5 năm 2017.

Các phương pháp điều trị não úng thủy- Ảnh 2.

Gây mê trước khi thực hiện phẫu thuật não úng thủy cho bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về kỹ thuật phẫu thuật nội soi, bác sĩ Trần Văn Thanh cho biết, với phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị não úng thủy, các bác sĩ sẽ tiến hành mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi qua đó để tiến hành phẫu thuật.

Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện ngắn (chừng 30-40 phút), tổn thương nhỏ nên ít gây đau đớn, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng thấp hơn.

Một số tai biến sau phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III điều trị não úng thủy và cách xử trí:

  • Tổn thương hạ đồi, tuyến yên và cuống tuyến yên: Dự phòng bằng cách xác định rõ các cấu trúc trước khi thực hiện thủ thuật và trong lúc phẫu thuật;
  • Chảy máu không kiểm soát (xuất huyết não thất): Xử trí bằng cách đặt dẫn lưu não thất ra ngoài;

  • Liệt dây thần kinh III, IV thoáng qua: Xử trí theo chỉ định;
  • Ngưng tim: Cần phải được xử trí bằng hiện hồi sức ngừng tuần hoàn;
  • Viêm màng não: Cách xử trí là xác định tác nhân và sử dụng kháng sinh phù hợp;
  • Động kinh: Biện pháp dự phòng là dùng thuốc phòng ngừa động kinh trong tất cả các trường hợp có thủ thuật xâm lấn vào não;
  • Tổn thương động mạch thân nền: Cần phải xử trí theo chỉ định;
  • Máu tụ trong não: Tùy thuộc tổn thương có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
  • Đặc biệt, nếu gặp các triệu chứng sau phẫu thuật như: Đỏ, đau hoặc sưng da dọc theo chiều dài ống hay vết thương; khó chịu, buồn ngủ; buồn nôn, nôn ói, đau đầu, song thị (nhìn đôi); đau bụng; sốt; tái phát các triệu chứng thần kinh trước phẫu thuật,... bệnh nhân cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Bệnh não úng thủy khi được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội điều trị thành công cao. Khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi phá thông sàn não thất III phục vụ điều trị não úng thủy, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh tai biến.

1.3. Phương pháp điều trị bổ sung khác

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân bị não úng thủy, cần thực hiện thêm một số phương pháp điều trị khác để phục hồi một số tổn thương do bệnh gây ra như:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đúng theo các chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Kiểm tra và thực hiện một số phương pháp điều trị các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, rối loạn thần kinh;
  • Thực hiện phương pháp vật lý trị liệu để trẻ phát triển các kỹ năng về thể chất, xã hội;
  • Điều trị tâm lý nhằm giúp bé kiểm soát và phát triển các hành vi phù hợp, phát triển kỹ năng giao tiếp, dễ dàng hòa nhập với mọi người;
  • Các phương pháp hỗ trợ giáo dục như: Giáo viên dạy kèm, xác định mục đích giáo dục, tài liệu học tập phù hợp với trẻ;

2. Lưu ý khi điều trị não úng thủy

Nếu trẻ được phát hiện và phẫu thuật trước 6 tháng tuổi thì sẽ cho kết quả rất khả quan. Đây được coi là "thời gian vàng" đối với những trẻ không may mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu để quá thời gian này, hoặc trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời, thì có thể sẽ dẫn đến những biến chứng khó phục hồi.

Não úng thủy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trịNão úng thủy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị

SKĐS - Não úng thủy là tình trạng các não thất to hơn bình thường do tăng tiết nhiều hay do hấp thụ ít hoặc tắc nghẽn lưu thông của chất dịch. Sự dư thừa này làm cho đầu của trẻ ngày càng to dần và khiến nhu mô não bị tổn thương.


BS. Nguyễn Văn Tứ
Ý kiến của bạn