Các phương pháp điều trị mòn răng

12-10-2024 17:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mòn răng nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng, thậm chí có thể gây mất răng…

Tùy theo nguyên nhân, mức độ cũng như các biến chứng mà bệnh nhân mòn răng gặp phải mà bác sĩ có thể kết hợp một số phương pháp điều trị khác nhau.

Đối với tổn thương men răng nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến răng, răng chưa bị nhạy cảm và người bệnh chưa cảm thấy ê buốt khi nhai, thì không cần phải điều trị.


Các phương pháp điều trị mòn răng- Ảnh 1.

Hình ảnh mòn răng.

Khi tổn thương men răng chuyển nặng, có thể ảnh hưởng đến tủy, bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp để chữa răng bị mòn.

Hiện nay, có các phương pháp điều trị mòn răng được áp dụng phổ biến như sau:

1. Điều trị mòn răng bằng cách giảm lượng acid tác động lên răng

Có một số cách để làm giảm lượng acid tác động lên răng đó là:

Người bị mòn răng dùng lượng acid một cách điều độ:

Chỉ nên sử dụng đồ uống hay thực phẩm có tính acid vào một số dịp đặc biệt là cách giới hạn lượng acid từ những đồ uống vào cơ thể.

Dùng ống hút:

Ống hút có thể giúp đồ uống có tính acid đi xuống cổ họng, tuy nhiên, chúng cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng bào mòn răng.

Súc miệng với nước:

Nước vòi hay nước đóng chai có thể rửa sạch acid còn lại trong miệng từ việc uống nước uống có tính acid. Cân nhắc việc súc miệng với nước sau khi uống đồ uống có tính acid để hạn chế mức độ nguy hại do chúng gây ra.

Không đánh răng ngay sau khi uống:

Cần chờ một ít thời gian sau khi uống nước uống có tính acid rồi mới đánh răng để trong lúc này nước bọt có thể làm men răng chắc hơn.

Nhai kẹo cao su không đường:

Phương pháp này còn có thể giúp kích thích tạo nước bọt để bảo vệ men răng.

Vệ sinh răng miệng tốt:

Nên đánh răng 2 lần/ngày, mỗi lần đánh trong 2 phút để ngăn ngừa sâu răng và mảng bám răng. Bên cạnh đó, cũng nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng 1 lần/ngày.

2. Liệu pháp fluor để bảo vệ men răng

Liệu pháp này, nha sĩ sẽ sử dụng các loại kem đánh răng, nước súc miệng có bổ sung flour hoặc bôi vecni flour trực tiếp lên bề mặt răng.

Bôi vecni flour trực tiếp lên bề mặt răng phù hợp với trường hợp mòn răng đã dẫn đến sâu răng. Bôi vecni flour trực tiếp lên bề mặt răng hỗ trợ cung cấp flour cho răng, tạo thành lớp màng bảo vệ trên bề mặt răng, giúp hồi phục những tổn thương sâu răng sớm và giảm tốc độ tiến triển của những lỗ sâu đã hình thành nhằm hỗ trợ ngăn ngừa sâu răng tái phát.

Viện Hàn lâm khoa học Nhi khoa Hoa Kỳ (AAPD), Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) công nhận fluor an toàn cho trẻ em, là giải pháp hữu hiệu trong việc duy trì sức khỏe răng miệng.

Ưu điểm của vecni flour

An toàn đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ;

Hương vị dễ chịu dành cho trẻ em (vị dâu, vị cam, kẹo cao su…)

Dễ sử dụng và thực hiện, hấp thu nhanh chóng hiệu quả.

Bề mặt răng không yêu cầu kỹ thuật chuẩn bị phức tạp.

3. Dùng thuốc chữa bệnh dạ dày

Thường được áp dụng với bệnh nhân mòn răng do trào ngược dạ dày - thực quản. Bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc kháng acid như magnesium hydroxide, thuốc PPI như esomeprazol hoặc đeo máng nhai để bảo vệ răng.

Việc dùng thuốc chữa dạ dày phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị.

4. Phục hình răng

Phục hình răng được chỉ định cho răng bị mòn nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng nhai nuốt. Bác sĩ sẽ sử dụng một vài kỹ thuật như dán composite, trám răng hoặc bọc răng sứ, chụp mão răng…

4.1. Trám răng

Trám mòn cổ chân răng đem lại thẩm mỹ khá tốt

Trám mòn cổ chân răng đem lại thẩm mỹ khá tốt.

Là một trong những phương pháp phổ biến, dễ tiến hành, thời gian thực hiện nhanh chóng cùng chi phí hợp lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi miếng trám có thể bị bong tróc và đổi màu theo thời gian. Khi đó, người bệnh cần phải trám răng lại.

Trám răng phù hợp cho bệnh nhân có răng bị mòn cổ ít, chưa gây tác động gì đến vùng tủy răng bên trong.

Trám răng giúp làm đầy các lỗ hổng trên răng bằng nhiều loại vật liệu như composite, vàng, sứ hoặc amalgam. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng tổn thương mà bác sĩ sẽ lựa chọn chất liệu phù hợp để trám các vết lõm trên bề mặt nhai của răng. 

Vật liệu trám răng có màu sắc gần giống với màu răng tự nhiên. Trám răng có giá thành không quá cao nên được áp dụng phổ biến nhất để điều trị mòn răng.

Ưu điểm:

Là biện pháp phục hình đơn giản, không xâm lấn đến cấu trúc răng thật, thực hiện nhanh chóng, chỉ mất khoảng 10 - 15 phút/răng là hoàn tất.

Chất liệu trám răng được đánh giá là an toàn, lành tính, không gây dị ứng hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Màu sắc miếng trám khá giống màu răng thật nên đem lại được thẩm mỹ tối ưu sau khi phục hình.

Chi phí tương đối tiết kiệm.

4.2. Bọc răng sứ

Các phương pháp điều trị mòn răng- Ảnh 3.

Bọc răng sứ giúp hạn chế tối đa tình trạng mòn men răng.

Bọc răng sứ là cách khắc phục hiệu quả và bền vững do răng được bọc thêm một lớp sứ trùng với khuôn thân răng. Chúng giúp bảo vệ ngà răng cũng như tủy răng bên trong. Bọc răng sứ còn hạn chế tối đa tình trạng mòn men răng mà vẫn hỗ trợ tối đa chức năng nhai của răng. 

Với những trường hợp mòn răng mà ngà răng đã bị lộ ra ngoài, răng bị ê buốt nặng, bọc răng sứ là cách bảo vệ tốt nhất, đồng thời giúp hạn chế các tác động cũng như vi khuẩn bên ngoài làm hại răng. So với phương pháp trám răng, bọc răng sứ là phương pháp thẩm mỹ có chi phí tương đối cao.

Với những trường hợp răng bị mòn quá nặng và đã ảnh hưởng đến tủy, người bệnh cần phải điều trị tủy hoặc nhổ bỏ răng bị mòn.

4.3. Dán mặt răng sứ

Các phương pháp điều trị mòn răng- Ảnh 4.

Dán sứ khắc phục tình trạng răng bị mòn.

Dán mặt răng sứ bác sĩ sử dụng các miếng dán sứ nha khoa để dán vào mặt răng bị mòn, nứt hoặc mẻ. Phương pháp này giúp phục hồi và ngăn ngừa mòn men răng khá hiệu quả.

Đối với trường hợp răng bị mòn dần, người bệnh cảm thấy ê buốt nhiều khi ăn, dán miếng sứ sẽ là phương pháp phù hợp nhất, giúp hạn chế tình trạng mòn răng, đặc biệt mang lại tính thẩm mỹ cao. 

Bên cạnh đó, dán miếng sứ còn có tác dụng làm dài phần thân răng. Tuy nhiên, phương pháp này lại không phù hợp với tình trạng răng bị lệch khớp cắn hoặc răng mọc lệch.

4.4. Chụp mão răng

Sau khi khoan bỏ răng sâu và lớp men mỏng thì mão răng được sử dụng để bao bọc toàn bộ răng. Mão răng có thể làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau để đọ bền và giá thành như sứ, niken, vàng,… Chụp mão răng là liệu pháp áp dụng cho trường hợp mất men răng nhiều và sâu.

5. Điều trị bệnh răng miệng để phòng tránh mòn răng

Việc điều trị tốt bệnh như viêm tủy răng, viêm nha chu… có thể giúp hạn chế viêm nhiễm kèm theo cho bệnh nhân.

5.1. Điều trị tủy răng:

Là giải pháp tối ưu giúp khắc phục tình trạng đau nhức và khó chịu, đồng thời bảo tồn cấu trúc răng thật một cách tối đa nhất.

Điều trị tủy răng nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Tủy răng bị tổn thương được điều trị kịp thời giúp ngăn chặn các bệnh lý răng miệng tiến triển phức tạp hơn, lây lan sang các răng khác.

5.2. Điều trị viêm nha chu:

Không phẫu thuật:

Nếu viêm nha chu chưa trở nên quá nặng, bác sĩ nha khoa có thể áp dụng các phương pháp điều trị nội nha đơn giản nhằm điều tiết tình trạng bệnh:

Lấy cao răng: Để loại bỏ cao răng và vi khuẩn từ bề mặt răng và dưới nướu.

Sử dụng thuốc kháng sinh: Bác sĩ kê đơn một vào loại thuốc đặc trị để kiểm soát việc nhiễm khuẩn nha chu.

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị viêm nha chu nếu tình trạng viêm từ trung bình đến nặng: Bao gồm: Ghép xương răng, ghép nướu, phẫu thuật vạt…

6. Cách phòng ngừa mòn răng


Các phương pháp điều trị mòn răng- Ảnh 5.

Ăn uống lành mạnh ngăn ngừa mòn răng.

Để phòng ngừa mòn răng, cần chú ý bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như phòng tránh tình trạng mòn răng:

Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa đường, acid. Chẳng hạn như: kẹo, nước ngọt có gas, các loại nước giải khát đóng chai,…

Nên sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa thành phần fluor.

Nhai kẹo cao su để kích thích nước bọt sản sinh.

Không nên đánh răng quá 2 lần trong một ngày.

Sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng.

Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

Lấy cao răng, thăm khám và kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm mòn răng.


BSCKII. Hồ Hà
Ý kiến của bạn