Các phương pháp điều trị loét giác mạc

29-09-2024 17:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loét giác mạc là một trường hợp khẩn cấp cần được điều trị ngay lập tức. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, teo nhãn, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc rất đa dạng. Do đó, việc dùng thuốc gì để điều trị thay đổi tùy theo chẩn đoán cũng như thùy tình trạng bệnh nhẹ hay nặng.

1. Điều trị nội khoa loét giác mạc

1.1. Đối với viêm loét giác mạc nhiễm trùng

Tuỳ theo nguyên nhân nhiễm trùng sẽ có thuốc điều trị khác nhau.

1.1.1.Viêm loét giác mạc do vi khuẩn

Lúc này, kết mạc của bạn sẽ cương tụ, giác mạc có đốm trắng có mủ, có phản ứng thể mi, trong tiền phòng sẽ xuất hiện mủ hoặc không.

Các phương pháp điều trị loét giác mạc- Ảnh 1.

Loét giác mạc có thể do Varicella Zoster virus gây ra.

Thông thường khi nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định. Thuốc kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Chúng hoạt động bằng cách tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Tuỳ vào trường hợp nặng nhẹ, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt hoặc kết hợp với thuốc uống.

Một số loại kháng sinh thường dùng trong viêm giác mạc do vi khuẩn là gentamycin, moxifloxacin, tobramycin, ceftriaxon...

1.1.2. Viêm loét giác mạc do nấm

Viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh hay gặp ở những nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Có rất nhiều loại nấm khác nhau có thể gây viêm loét giác mạc như fusarium, aspergillus hoặc candida.

Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng mất lớp biểu mô giác mạc, kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc; là tổn thương viêm loét giác mạc hay gặp thứ hai sau vi khuẩn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ giảm thị lực, mù lòa, thậm chí không giữ được mắt. Bệnh bùng phát dữ dội khi bệnh nhân có sử dụng thuốc corticoid.

Triệu chứng thường là giảm thị lực và đau nhức. Nếu tình trạng viêm giác mạc vẫn dai dẳng sau khi điều trị kháng sinh từ 3 ngày đến 1 tuần mà không cải thiện, rất có khả năng là viêm giác mạc do nấm.

Trong các trường hợp này, thuốc kháng nấm sẽ được bác sĩ chỉ định.

-Thuốc kháng nấm đặc hiệu: 2 nhóm thông dụng là Polyenes (natamycin, amphotericin), Azoles (itraconazole, ketoconazole, fluconazole…) là những loại kháng nấm thường được chỉ định cho viêm giác mạc do nấm. Thông thường sẽ được chỉ định dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống.

Điều trị phụ trợ:

+Kháng sinh, chống viêm non – steroid tra tại mắt phòng bội nhiễm.

+Giãn đồng tử bằng Atropin 0,5-1% (mục đích chống dính sau, giảm đau do co thắt thể mi).

+Dinh dưỡng giác mạc: Khi ổ loét bắt đầu thoái lui, biểu mô bắt đầu hàn gắn.

Lưu ý:

Việc điều trị viêm loét giác mạc do nấm cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Có thể phải can thiệp ngoại khoa như: Nạo biểu mô giác mạc, nạo bề mặt giác mạc hoặc đáy ổ loét, gọt giác mạc hoặc thậm chí là ghép giác mạc tùy tình trạng, mức độ bệnh.

1.1.3. Viêm loét giác mạc do virus

Virus Zona và Herpes simplex có thể gây viêm loét giác mạc. Do đó, việc dùng thuốc gì để điều trị còn phụ thuộc vào loại virus mà bạn mắc phải.

Do virus Zona:

Các triệu chứng có thể là giảm cảm giác giác mạc, viêm biểu mô có hình cành cây, có tình trạng loét nhu mô và thủng mô, gây tăng nhãn áp và teo mống mắt quanh khu vực viêm. Thông thường, thuốc kháng virus Zona như acyclovir, idoxuridin, triherpine sẽ được chỉ định dưới dạng uống hoặc nhỏ mắt. Nếu bệnh có xảy ra tình trạng bội nhiễm sẽ phối hợp với kháng sinh nhỏ hoặc uống.

Do Herpes simplex:

Viêm giác mạc do Herpes simplex có thể có dạng hình chấm, hình sợi, hình dĩa hoặc hình bản đồ. Với cảm giác giác mạc giảm và giảm thị lực.

Thuốc nhỏ mắt như idoxuridin, triherpine hoặc thuốc mỡ tra mắt zovirax sẽ thường được bác sĩ chỉ định.

Tuy nhiên, đối với viêm giác mạc do Herpes simplex, không được dùng corticoid. Bệnh hay tái phát và tự khỏi trong 3 tuần nên có thể uống acyclovir. Dạng tái phát thường là viêm giác mạc hình dĩa.

1.2. Đối với viêm loét giác mạc không nhiễm trùng

Trường hợp nhẹ, bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo. Nước mắt nhân tạo có thể nhỏ mắt 3-4 lần/ ngày, mỗi lần nhỏ 1 giọt vào mỗi mắt, trong khoảng 1-3 tháng.

Khi sử dụng nước mắt nhân tạo, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như: Tiết dịch mắt, kích ứng mắt, nóng rát và khó chịu mắt, đau mắt, ngứa mắt, sung huyết kết mạc mí mắt, rối loạn thị giác... Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường hiếm khi xảy ra.

Nếu trở nặng thì nên dùng băng để che mắt và dùng thuốc chống viêm mắt như methyprednisolon, prednisolon,...

2. Điều trị ngoại khoa

Bệnh nhân viêm loét giác mạc nặng sẽ được bác sĩ nhãn khoa chỉ định điều trị ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa có 2 phương pháp: Phương pháp ghép giác mạc và phẫu thuật múc nội nhãn.

2.1. Phẫu thuật ghép giác mạc

Các phương pháp điều trị loét giác mạc- Ảnh 2.

Trong thời gian điều trị nội khoa viêm giác mạc không đeo kính áp tròng.

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành, mang lại độ trong suốt của giác mạc, nhằm mục đích tăng thị lực ủa mắt bị bệnh.

Bệnh giác mạc thường kèm theo nhiều bệnh lý khác của nhãn cầu gây hậu quả giảm sụt thị lực ở nhiều mức độ khác nhau, những bệnh lí kết hợp như bỏng mắt, khô mắt, bệnh glocom là các yếu tố gây ảnh hưởng tới tiên lượng của phẫu thuật.

Ngoài ra, các bệnh toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áp làm tăng tỷ lệ viêm, xuất huyết mắt sau phẫu thuật, do đó có thể làm giảm tỷ lệ thành công của mảnh ghép.

Trong trường hợp viêm loét giác mạc nặng không đáp ứng với thuốc hoặc giác mạc bị tổn thương nặng không thể hồi phục như sẹo giác mạc làm giảm thị lực nghiêm trọng. Phẫu thuật ghép giác mạc sẽ được chỉ định để thay thế giác mạc tổn thương bằng giác mạc khỏe mạnh của người hiến tặng.

2.1.1. Các phương pháp cấy ghép giác mạc

Các phương pháp điều trị loét giác mạc- Ảnh 3.

Trường hợp bệnh nhân loét giác mạc nặng sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. (Ảnh minh họa)

Cấy ghép giác mạc toàn phần điều trị loét giác mạc

Toàn bộ chiều dày giác mạc của người bệnh cần phải thay thế nếu lớp trước và sau của giác mạc bị bệnh. Phương pháp này được gọi là ghép giác mạc toàn bộ chiều dày, hay còn gọi ghép giác mạc xuyên. Toàn bộ giác mạc bị tổn thương sẽ được loại bỏ và thay thế bằng giác mạc của người hiến tặng.

Cấy ghép giác mạc toàn bộ chiều dày, có thời gian hồi phục dài hơn, nguy cơ thải loại mảnh ghép cao hơn so với các loại cấy ghép giác mạc khác.

Ghép giác mạc lớp

Ghép giác mạc lớp được tiến hành khi giác mạc bị bệnh ở lớp trước (lớp nhu mô) hoặc lớp sau (lớp nằm trong cùng hay còn gọi là lớp tế bào nội mô). Phương pháp ghép lớp trước hoặc lớp sau là thay thế một phần của chiều dày giác mạc. Nên việc tăng thị lực sẽ nhanh hơn, thời gian theo dõi ngắn hơn và đặc biệt tỷ lệ thải loại mảnh ghép sẽ giảm hơn.

2.1.2. Lưu ý chăm sóc mắt khi phẫu thuật ghép giác mạc

Người bệnh sau khi được ghép giác mạc cần lưu ý cách chăm sóc mắt trước và sau khi ghép để kết quả phẫu thuật thành công.

Sau phẫu thuật ghép giác mạc, khoảng 3 tháng đến 6 tháng đầu tiên cần lưu ý tăng cường nhỏ nước mắt nhân tạo, tăng cường nhắm mắt, tránh gió bụi để lớp biểu mô của mảnh ghép nhanh chóng hàn gắn, hòa nhập với biểu mô xung quanh.

Đặc biệt, phòng tránh chấn thương vùng đầu mặt cổ có thể gây đứt chỉ, không tập thở gây ảnh hưởng tới sự sống còn của mảnh ghép. Thời gian tiếp theo, luôn tuân thủ chế độ điều trị và khám lại định kì để phòng ngừa nguy cơ thải loại mảnh ghép.

Người bệnh sau khi được ghép giác mạc cần lưu ý và nhận biết dấu hiệu sớm của hiện tượng thải loại mảnh ghép: nhìn mờ, đỏ mắt, cộm và chảy nước mắt. Khi có các dấu hiệu nêu trên người bệnh cần đến khám ngay để được điều trị kịp thời, độ trong của mảnh ghép sẽ phục hồi. Nếu như không điều trị kịp thời mảnh ghép sẽ bị mờ đục và có thể phải ghép lại lần 2.

Người bệnh cần đặc biệt lưu ý, đi khám ngay khi gặp các triệu chứng:

  • Giảm thị lực.
  • Đau mắt.
  • Đỏ mắt.
  • Chói mắt.

Chăm sóc mắt sau phẫu thuật ghép giác mạc theo hướng dẫn của bác sĩ

  • Sử dụng thuốc uống, thuốc nhỏ mắt theo đơn.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi đi ra ngoài.
  • Không dụi mắt. Tránh sang chấn đụng dập vào mắt.
  • Tránh bụi, nước bẩn hoặc xà phòng bắn vào mắt.
  • Sang chấn vùng đầu, mặt, cổ, tránh chỗ đông người.
  • Hạn chế cúi và nâng các vật nặng hoặc tập thể dục, tập thở, tập khí công hay bơi trong 6 tháng đầu sau khi phẫu thuật.
  • Tuân thủ lịch hẹn khám định kì của bác sĩ.

2.2. Phẫu thuật múc nội nhãn

  • Phẫu thuật múc nội nhãn được chỉ định trong những trường hợp sau:
  • Chấn thương vỡ nhãn cầu và không thể bảo tồn.
  • Mất toàn bộ chức năng của mắt, không thể bảo tồn.
  • Đau nhức mắt và hoàn toàn không thể nhìn thấy.
  • Viêm mủ toàn nhãn cầu.
  • Người bệnh lắp mắt giả.
  • Sau khi phẫu thuật múc nội nhãn: Nếu bệnh nhân chảy máu nhiều cần được băng ép chặt để cầm máu.
  • Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn cần được điều trị kháng sinh tại chỗ cũng như toàn thân.
Loét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhLoét giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị nhiễm trùng khiến các mô giác mạc bị phá hủy, các tổ chức khác tại đây bị tổn thương dẫn tới một hoặc nhiều ổ loét. Bệnh để lại hậu quả rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các di chứng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.


BSCKII. Hồ Hà
Ý kiến của bạn