Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

24-03-2023 10:19 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Người mắc hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS - D) thường có các triệu chứng như: Đau bụng, tiêu chảy hoặc phân lỏng (chiếm ưu thế), đầy hơi…

Mặc dù không có cách chữa khỏi hội chứng ruột kích thích kèm tiêu chảy, nhưng có những phương pháp điều trị có thể giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

1. Thay đổi chế độ ăn uống hỗ trợ trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

Thực phẩm và đồ uống không gây ra hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy, nhưng một số loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng hoặc làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn.

- Rượu, đồ uống có caffein (như cà phê và soda), đồ uống có ga, sô cô la, sorbitol (chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng trong một số loại kẹo cao su và kẹo bạc hà), đồ chiên rán và các sản phẩm từ sữa… có thể làm cho tình trạng tiêu chảy liên quan đến hội chứng ruột kích thích trở nên trầm trọng hơn.

- Chất xơ có thể hữu ích cho những người bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón, nhưng quá nhiều chất xơ có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy - Ảnh 1.

Người mắc hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS - D) thường có tiêu chảy hoặc phân lỏng (chiếm ưu thế).

Người bệnh hội chứng ruột kích thể tiêu chảy cần:

- Uống đủ nước: Đảm bảo uống ít nhất 6 - 8 ly nước mỗi ngày vì tiêu chảy có thể gây mất nước.

- Giảm stress: Mối liên hệ giữa căng thẳng và hội chứng ruột kích thích rất phức tạp. Căng thẳng và các vấn đề liên quan như lo lắng và trầm cảm không gây ra hội chứng ruột kích thích, nhưng chúng có thể làm cho các triệu chứng như tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn cần cố gắng tìm ra những cách hiệu quả để quản lý tâm trạng của mình.

Tập thể dục có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và cải thiện chức năng ruột. Xoa bóp, yoga, và các hình thức trị liệu bằng trò chuyện… có thể giúp giảm căng thẳng, điều này có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

2. Thuốc không kê đơn trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

- Loperamide - một thuốc chống tiêu chảy có thể hữu ích.

- Dầu bạc hà là một loại thảo mộc có chứa L-menthol, có tác dụng ngăn chặn các kênh canxi trong cơ trơn, do đó, tạo ra tác dụng chống co thắt trên đường tiêu hóa, giúp giảm đau.

- Men vi sinh là những vi khuẩn tốt có thể bổ sung dưới dạng thực phẩm bổ sung hoặc từ thực phẩm lên men như: Dưa chua, dưa cải bắp, sữa chua…), có thể giúp giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích, bao gồm tiêu chảy.

Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy - Ảnh 2.

Một số thuốc trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy cần dùng theo đơn của bác sĩ.

3. Các thuốc kê đơn trị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

Có thể sử dụng các thuốc sau:

- Thuốc kháng cholinergic như dicyclomine, hyoscyamine… có tác dụng thư giãn trực tiếp trên cơ, giảm sự co bóp của các cơ trong ruột (giảm co thắt ruột), cải thiện cảm giác khó chịu cho bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Những loại thuốc này nói chung là an toàn nhưng có thể gây táo bón, khô miệng và mờ mắt.

- Thuốc chống trầm cảm: Có thể là một lựa chọn nếu hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy gây đau hoặc nếu người bệnh đang cảm thấy chán nản hoặc lo lắng. Liều thấp thuốc chống trầm cảm có thể chặn tín hiệu đau đến não.

- Thuốc chống lo âu: Có thể được sử dụng nếu người bệnh cảm thấy lo lắng ngay trước khi xuất hiện các triệu chứng. Một số thuốc có thể dùng như clonazepin, diazepam, hoặc lorazepam… để giúp người bệnh bình tĩnh lại. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ được dùng trong một thời gian ngắn vì chúng có nguy cơ gây nghiện cao hơn.

- Thuốc đối kháng thụ thể serotonin 5-HT3: Alosetron hydrochloride là thuốc dành cho phụ nữ mắc hội chứng ruột kích thích thất bại với các phương pháp điều trị khác. Nó có thể giúp giảm đau dạ dày và tiêu chảy, nhưng có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh không tự ý dùng.

-Thuốc trị rối loạn dạ dày: Eluxadoline làm chậm các chuyển động trong ruột, có thể giúp giảm co thắt ruột, giảm đau bụng và tiêu chảy.

-Thuốc kháng sinh: Rifaximin là một loại kháng sinh có thể làm giảm sự phát triển quá mức của vi khuẩn và tiêu chảy. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như chóng phù mặt, nhức đầu; buồn nôn, nôn; phát ban, ngứa; đau khớp…

Lưu ý: Người bệnh cần sử dụng đúng liều lượng thuốc bác sĩ kê, tuân thủ thời gian dùng thuốc (không ít hơn hoặc dài hơn theo khuyến cáo).

Trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi những bất thường về sức khỏe có thể xảy ra, kịp thời báo cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời.

Các thuốc dùng trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bónCác thuốc dùng trị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón

SKĐS - Người mắc hội chứng ruột kích thích kèm táo bón thường có triệu chứng đầy hơi, đau bụng thường xuyên và khó đi ngoài (táo bón). Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, nhưng hội chứng ruột kích thích thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người mắc…

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn