Các phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi

08-12-2024 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng xương bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương đùi. Bệnh thường được điều trị bằng thay khớp nhân tạo...

1. Ai có nguy cơ bị hoại tử chỏm xương đùi?

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi là sau chấn thương gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Chấn thương này làm tổn thương mạch máu nuôi dưỡng khiến các tế bào xương bị hoại tử và gây ra tiêu chỏm xương đùi.

Các nguyên nhân khác gồm:

- Lạm dụng rượu

- Người dùng corticoid kéo dài điều trị bệnh khớp

- Người có bệnh khí ép (thợ lặn, thợ mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tắc mạch tự phát, lupus ban đỏ…

Do đó, người có yếu tố nguy cơ cao gặp bệnh là nam giới (chiếm khoảng 80%), tuổi trung bình khoảng 40-50 tuổi và gặp phải một trong các nguyên nhân nêu trên.

Các phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi- Ảnh 1.

Hoại tử xương chỏm đùi là tình trạng xương bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương đùi.

Trong giai đoạn mới bắt đầu bị bệnh, các triệu chứng rất kín đáo, thậm chí người bệnh có thể không nhận thấy bất thường. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, sẽ thấy đau vùng khớp háng, đau lan xuống đùi, đến giai đoạn chỏm xương bị hoại tử nhiều sẽ làm giảm biên độ vận động của khớp háng. Lúc này sẽ ảnh hưởng đến dáng đi, có khi 2 chân so le nhau.

Thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi mất chức năng khớp háng chỉ từ vài tháng đến hơn một năm tùy thuộc từng người bệnh khác nhau.

2. Phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi

Điều trị hoại tử chỏm xương đùi nhằm đạt được mục tiêu:

- Giảm đau, cải thiện chức năng khớp bị bệnh

- Ngăn chặn quá trình phá hủy xương.

Tùy từng bệnh nhân bác sĩ có thể lựa chọn điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Để quyết định phương pháp nào, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố quan trọng:

  • Tuổi của người bệnh
  • Giai đoạn bệnh
  • Vị trí và kích thước vùng bị tổn thương trên chỏm xương đùi.
  • Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đi kèm.

2.1 Điều trị bảo tồn

Bao gồm các phương pháp không phẫu thuật như dùng thuốc giảm đau, bổ sung canxi, điều trị bệnh lý phối hợp, tập vận động khớp, kích thích điện... theo chỉ định của bác sĩ chỉ là phương pháp nhằm trì hoãn phẫu thuật. Các phương pháp này chỉ nên áp dụng trước khi chỏm xương đùi bị sụp.

Để điều trị hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật khớp háng và loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng corticoid.

2.2 Phẫu thuật hoại tử chỏm xương đùi

Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh hoại tử chỏm xương đùi, lựa chọn phương pháp nào tùy theo giai đoạn bệnh và tuổi người bệnh, gồm:

- Khoan giảm áp: Phẫu thuật này sẽ giúp lấy bỏ lõi xương bị chết bên trong chỏm xương đùi, từ đó làm giảm áp lực trong chỏm xương, giúp tái tạo nhiều mạch máu và tăng tưới máu. Phương pháp này có hiệu quả trong giai đoạn sớm của bệnh trước khi có hiện tượng sụp chỏm. Phẫu thuật giúp giảm đau và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

- Đục xương chỉnh trục: Phẫu thuật này rất hiệu quả trong giai đoạn sớm và vùng xương bị hoại tử còn nhỏ. Phương pháp này có hạn chế là thời gian phục hồi sau mổ chậm, thường kéo dài khoảng ba tháng.

- Ghép xương: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng mẩu xương mào chậu hoặc xương mác có mạch máu kèm theo để ghép vào chỏm xương đùi. Sau khi nạo lấy bỏ hết xương bị hỏng trong chỏm xương đùi, bác sĩ sẽ ghép xương, nhờ mạch máu mới sẽ tăng cung cấp máu cho chỏm xương đùi.

Phương pháp này có thời gian phục hồi chậm, phải mất từ 6 - 12 tháng. Hơn nữa, hiệu quả lâu dài của phương pháp này vẫn còn tranh cãi.

Các phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi- Ảnh 3.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hoại tử chỏm xương đùi hiệu quả nhất.

- Thay khớp nhân tạo: Khi chỏm xương của người bệnh đã bị hỏng nhiều hoặc các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả thì thay khớp nhân tạo là giải pháp tốt nhất. Sau phẫu thuật hiệu quả tốt, 90% người bệnh thấy giảm triệu chứng đau rõ rệt, đi lại gần như bình thường.

Có nhiều phương pháp thay khớp háng nhân tạo cho bệnh hoại tử chỏm xương đùi như thay bề mặt khớp, thay khớp háng toàn phần. Tùy theo độ tuổi, tình trạng chỏm xương đùi, giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chọn phương pháp thay khớp nào thích hợp.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

- Đối với các trường hợp bảo tồn, khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc giảm đau, người bệnh cần tuân thủ chỉ định, tránh trường hợp đau nhiều tự ý tăng liều thuốc, sẽ tăng tác dụng phụ và gây hại của thuốc.

Ví dụ: Một số thuốc giảm đau thông thường như paracetamol (có thể gây hại gan nếu dùng quá liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài), ibuprofen (dễ gây loét đường tiêu hóa) hoặc các thuốc giảm đau opioid dễ gây nghiện...

- Đối với những trường hợp phẫu thuật, cần thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ trong việc khi nào vận động và cách vận động phù hợp với từng giai đoạn. Một số thuốc giảm đau cũng sẽ được sử dụng khi phẫu thuật.

Mời độc giả xem thêm video:

Phát hiện hoại tử chỏm xương đùi với biểu hiện đau vùng hông, hạn chế co duỗi đùi | SKĐS


BS. Phạm Ngọc Dương
Ý kiến của bạn