Hà Nội

Các phương pháp điều trị giãn phế quản

26-12-2022 14:22 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Giãn phế quản là bệnh mãn tính rất dễ xuất hiện hoặc tái phát vào mùa lạnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Nhưng việc điều trị và theo dõi thích hợp, có thể cải thiện nhiều triệu chứng liên quan đến giãn phế quản.

1. Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là một bệnh hô hấp mãn tính được đặc trưng bởi một hội chứng lâm sàng là ho, đờm và nhiễm trùng phế quản. Trên phim X quang là sự giãn nở bất thường và vĩnh viễn của phế quản.

Mục tiêu điều trị giãn phế quản là ngăn ngừa các đợt cấp, giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Ho, đờm, cùng với khó thở là những triệu chứng thường gặp nhất nhưng viêm mũi xoang, mệt mỏi, ho ra máu và đau ngực cũng rất phổ biến.

Giãn phế quản có nhiều nguyên nhân và do đó sinh lý bệnh dẫn đến các triệu chứng và đợt cấp của từng cá nhân là khác nhau.

Các thuốc điều trị giãn phế quản - Ảnh 1.

Ho là triệu chứng phổ biến trong viêm phế quản

Giãn phế quản là một tình trạng mãn tính trong đó thành phế quản dày lên do viêm và nhiễm trùng. Những người bị giãn phế quản bị khó thở bùng phát định kỳ, được gọi là đợt cấp.

2. Triệu chứng của giãn phế quản

Ho kéo dài (mãn tính), nhiều đờm và có mùi hôi là triệu chứng chính của giãn phế quản.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Hơi thở có mùi
  • Ho ra máu
  • Mệt mỏi
  • Xanh xao
  • Khó thở
  • Giảm cân
  • Thở khò khè
  • Sốt nhẹ và đổ mồ hôi ban đêm

3. Thuốc điều trị giãn phế quản

Điều trị giãn phế quản nhằm mục đích giúp bệnh nhân giảm đau và kiểm soát bệnh. Có hai phương pháp điều trị, cả hai đều có chung mục tiêu là làm sạch chất nhầy khỏi đường thở và ngăn ngừa tổn thương phổi.

Thuốc gì trị giãn phế quản? - Ảnh 3.

Sử dụng thuốc theo chỉ định giúp kiểm soát các triệu chứng của giãn phế quản.

3.1 Điều trị giãn phế quản bằng thuốc

-Thuốc kháng sinh: Được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân giãn phế quản bội nhiễm vi khuẩn. Thông thường bệnh nhân sử dụng kháng sinh đường uống để kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Với những trường hợp đáp ứng không tốt có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh tiêm. Thuốc thường dùng là amoxicillin hoặc clarithromycin nếu người bệnh dị ứng với penicillin. Các loại kháng sinh khác thường được sử dụng bao gồm doxycycline và ciprofloxacin.

-Thuốc giãn phế quản: Do chức năng hô hấp bị suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể cần dùng thuốc giãn phế quản để cải thiện luồng không khí vào phổi.

-Thuốc chống viêm: Nhiễm trùng thường gây viêm xung quanh đường dẫn khí trong phổi và trong những trường hợp như vậy, corticosteroid có thể được kê đơn để giảm viêm.

-Thuốc long đờmthuốc làm loãng chất nhầy cũng có thể được dùng để làm loãng chất nhầy giúp thoát dễ dàng hơn.

Nên tiêm phòng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường như cúm và phế cầu.

3.2 Điều trị bằng phục hồi chức năng và vật lý trị liệu

  • Vật lý trị liệu vùng ngực để tạo điều kiện dẫn lưu dịch nhầy. Bệnh nhân cũng được áp dụng các bài tập thở và các kỹ thuật có thể giúp loại bỏ chất nhầy tích tụ trong phổi.
  • Thay đổi lối sống để tránh tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường và các chất kích thích như khói bụi.
  • Chế độ dinh dưỡng: Tầm quan trọng của dinh dưỡng cũng được nhấn mạnh và bệnh nhân nên tuân theo một kế hoạch ăn uống cân bằng.

Trong những trường hợp nghiêm trọng mà các phương pháp trên không mang lại kết quả, các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được khuyến nghị nếu giãn phế quản khu trú và chỉ ảnh hưởng đến các vùng nhỏ và cụ thể của phổi.

4. Làm gì để tránh các đợt giãn phế quản cấp?

Giãn phế quản là một tình trạng mãn tính với các triệu chứng cần được kiểm soát lâu dài. Bệnh nhân nên thăm khám định kỳ và liên hệ chặt chẽ với bác sĩ để xác định phương án điều trị phù hợp và xây dựng những thói quen lành mạnh giúp hạn chế bùng phát các đợt cấp tính.

Một số gợi ý có thể là:

- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối, đường, chất béo bão hòa và ngũ cốc tinh chế.

- Uống nhiều nước.

- Sử dụng thuốc theo chỉ định và thực hiện các kỹ thuật làm sạch chất nhầy hàng ngày.

- Nếu nhận thấy các triệu chứng của mình nghiêm trọng hơn theo thời gian, cần thông báo với bác sĩ điều trị.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

6 thói quen hại dạ dày người Việt hay mắc phải

Ds. Phạm Thu Quế
Ý kiến của bạn