Các phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ

14-06-2022 06:47 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến hiện nay. Chúng ta có thể ngăn ngừa, thậm chí đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc dưới sự tham vấn của bác sĩ.

Gan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ ganGan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ gan

SKĐS - Trong cuộc sống hiện đại, bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến, thậm chí những người không bao giờ sử dụng bia rượu hoặc có thể trạng gày cũng có thể bị gan nhiễm mỡ.

1. Hậu quả của gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng phổ biến do có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Một lá gan khỏe mạnh chứa một lượng nhỏ chất béo. Nó trở thành vấn đề khi chất béo đạt từ 5% - 10% trọng lượng gan.

Có hai loại gan nhiễm mỡ gây ra các biến chứng khác nhau:

- Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là hiện tượng tích tụ mỡ trong gan do uống nhiều rượu bia. Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu có thể phòng ngừa được, nó thường trở nên tốt hơn khi người bệnh ngừng uống rượu. Nếu tiếp tục uống rượu, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm: Gan to, viêm gan do rượu, xơ gan do rượu.

- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu do bị béo phì hoặc thừa cân, đái tháo đường type 2 hoặc kháng insulin, có hội chứng chuyển hóa (kháng insulin, tăng huyết áp, tăng cholesterol và lượng chất béo trung tính cao), dùng một số loại thuốc theo toa như amiodarone, diltiazem, tamoxifen hoặc steroid.

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu gây ra các vấn đề nghiêm trọng như xơ hóa và xơ gan, là các loại sẹo gan và ung thư gan.

photo-1655085163955

Gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị có thể dẫn đến xơ gan, viêm gan, ung thư gan…

2. Các phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ

2.1. Trị gan nhiễm mỡ bằng phương pháp không dùng thuốc

Hiện nay, phương pháp điều trị chính cho các bệnh gan nhiễm mỡ là điều chỉnh lối sống. Trong đó tập trung:

  • Giảm cân: Giúp giảm chất béo, viêm và sẹo trong gan. Chỉ giảm 3% - 5% trọng lượng cơ thể là có thể cắt giảm lượng chất béo trong gan.
  • Không uống rượu bia.
  • Về chế độ ăn, người bệnh nên hạn chế các thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose và cholesterol cao, tăng cường rau xanh và trái cây.
  • Nếu có các biến chứng do viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), chẳng hạn như xơ gan hoặc suy gan, có thể cần phải ghép gan. Nói chung, những người bị NASH được ghép gan đều cho kết quả rất tốt.
  • Thay đổi lối sống: Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, giảm cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Tiêm phòng viêm gan A và B, bệnh cúm và bệnh phế cầu khuẩn.

2.2. Phương pháp dùng thuốc

Các thuốc trong điều trị gan nhiễm mỡ bao gồm:

- Chất nhạy cảm insulin: Thiazolidinedione (TZDs) là chất chủ vận thụ thể kích hoạt peroxisome (PPAR) và làm tăng độ nhạy insulin. Rosiglitazone và pioglitazone là các TZDs đại diện. Rosiglitazone cải thiện tình trạng nhiễm mỡ và nồng độ aminotransferase ở các bệnh nhân gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên, hạn chế sử dụng rosiglitazone vì nó có thể làm tăng nguy cơ đau tim (bệnh tim thiếu máu cục bộ). Sử dụng pioglitazone gây cải thiện đáng kể nồng độ aminotransferase huyết thanh và mô học gan nhưng lại gây ra các tác dụng phụ bao gồm tăng cân, phù nề, suy tim và giảm mật độ xương.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên nếu dùng pioglitazone trong > 2 năm. Metformin có tác dụng cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ và đảo ngược tình trạng gan to, nhiễm mỡ và các bất thường aminotransferase trong các thử nghiệm.

photo-1655085167634

Những người thừa cân béo phì nên tập thể dục thường xuyên để giảm cholesterol đề phòng mắc gan nhiễm mỡ.

Người bệnh không tự ý mua thuốc về uống. Việc sử dụng thuốc điều trị gan nhiễm mỡ cần được chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.

- Chất chống oxy hoá: Vitamin E là chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ gan bằng cách giảm hoặc trung hòa các tổn thương do viêm gây ra và có thể hữu ích cho những người bị tổn thương gan do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Thuốc hạ lipid máu (các statin, ezetimibe): Có tác dụng cải thiện rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được chứng thực đầy đủ trong các thử nghiệm lâm sàng.

- Pentoxifylline: Ức chế tổng hợp yếu tố hoại tử khối u TNF-anpha. Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng dẫn đến kết quả không nhất quán. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn.

- Acid ursodeoxycholic: Có các đặc tính chống nhiễm khuẩn và bảo vệ tế bào gan. Tuy nhiên, hầu hết các thử nghiệm không cho thấy tác dụng tích cực.

- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (telmisartan, valsartan): Có tác dụng điều chỉnh độ nhạy insulin. Tác dụng phụ chủ yếu là gây hạ huyết áp.

- Probiotics và synbiotics: Kiểm soát hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, hiệu quả và liều lượng vẫn chưa được thiết lập.

- Thuốc thảo dược/sản phẩm tự nhiên (trà xanh, lá của cây bạch đàn): Có các đặc tính chống viêm và chống oxy hoá. Tuy nhiên, tác dụng chưa được nghiên cứu trên người.

3. Mối nguy khi lạm dụng thuốc trị gan nhiễm mỡ

Các thuốc kể trên được chứng minh là có hiệu quả cải thiện gan nhiễm mỡ trong các thử nghiệm lâm sàng. 

Tuy nhiên, không có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị gan nhiễm mỡ. Cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định hiệu quả của các thuốc trên. Do đó, người bệnh không tự ý mua thuốc về uống. 

Việc sử dụng thuốc điều trị gan nhiễm mỡ cần được chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.

4. Làm sao dùng thuốc an toàn?

Trong quá trình sử dụng các loại thuốc chữa gan nhiễm mỡ, cần lưu ý:

- Chủ động thăm khám để biết bệnh đang ở mức độ nào, từ đó có liệu trình điều trị thích hợp.

- Chỉ sử dụng các loại thuốc được chỉ định, không tùy ý sử dụng thuốc khi không có sự kê đơn của bác sĩ.

- Không tự ý tăng liều, giảm liều, lạm dụng thuốc.

- Thận trọng ở người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cách bảo quản trái cây và rau quả luôn tươi ngon mùa hè.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn