Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh quáng gà, biện pháp chủ yếu là ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh... Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh quáng gà nên các phương pháp điều trị cũng rất khác nhau…
1. Một số vitamin hỗ trợ cải thiện bệnh quáng gà
1.1. Vitamin A
Tác dụng: Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sắc tố võng mạc điều tiết mắt, giúp mắt có khả năng nhìn được mọi vật trong điều kiện ánh sáng mờ. Do đó, việc bổ sung đủ vitamin A giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà.
Vitamin A có nhiều trong thực phẩm tự nhiên, do đó sẽ không bị thiếu vitamin A nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nguồn vitamin A có nhiều trong: Cà rốt, cà chua, các loại cải (rau cải xoong, cải bó xôi...), ớt chuông, các loại trái cây (dưa hấu, chuối, táo, mận…), các loại hạt và đậu.
Với một số trường hợp có mức vitamin A thấp cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên cần bổ sung theo đúng chỉ đinh của bác sĩ.
Tác dụng phụ: Vitamin A quá liều có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm: Chảy máu chân răng, chóng mặt, buồn ngủ, tầm nhìn đôi, cảm giác khó chịu, bong tróc da (đặc biệt là ở môi và lòng bàn tay).
1.2. Vitamin C
Vitamin C có tính chất chống oxy hóa mạnh có thể bảo vệ mắt chống lại các gốc tự do gây hại, kiểm soát tình trạng viêm trong mắt. Ngoài ra, vitamin C còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu vitamin A, E và nhiều khoáng chất khác như sắt, canxi... Sự thiếu hụt hoạt chất này khiến các mao mạch yếu dần, làm cho tình trạng sưng và tổn thương mắt khó hồi phục.
Bổ sung đủ vitamin C sẽ giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, bệnh glocom ở người cao tuổi, nguyên nhân gây bệnh quáng gà.
1.3. Vitamin E
Vitamin E giúp bảo vệ màng tế bào khỏi tác nhân oxy hóa bằng cách bảo vệ axit béo. Sự thiếu hụt nhóm vitamin này sẽ gây thoái hóa tế bào của một số mô trong cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy, vitamin E có khả năng ngăn ngừa nhiều bệnh về mắt bằng cách vô hiệu hóa các gốc tự do.
1.4. Vitamin B
Vitamin B có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ hệ miễn dịch. Vitamin B1, B2, B12 rất cần thiết cho sức khỏe của đôi mắt. Sự thiếu hụt nhóm vitamin này có thể gây đỏ, sưng mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng, tăng nguy cơ gây bệnh quáng gà.
Ngoài ra, việc bổ sung kẽm, selen, omega - 3… cũng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh quáng gà.
2. Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh
- Với những trường hợp bị quáng gà do cận thị/loạn thị, có thể đeo kính điều chỉnh như kính đeo mắt hoặc kính áp tròng có đơn thuốc quang học phù hợp.
- Với các trường hợp quáng gà do đục thủy tinh thể, bệnh nhân sẽ phải thay thế thấu kính đục bằng một thấu kính nhân tạo trong suốt. Bệnh quáng gà sẽ được cải thiện đáng kể. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không chỉ cải thiện tầm nhìn đối với các hoạt động hàng ngày mà còn cải thiện tầm nhìn đối với các hoạt động vào ban đêm.
- Với trường hợp quáng gà do bệnh tăng nhãn áp, có thể được điều trị bệnh bằng thuốc nhỏ mắt, điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ cải thiện tầm nhìn vào ban đêm.
- Nếu mắc bệnh đái tháo đường và gặp khó khăn khi nhìn ban đêm, nên khám tại phòng khám chuyên khoa để xác định xem bệnh võng mạc đái tháo đường có phải là nguyên nhân hay không. Việc điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường bằng thuốc, điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật và kiểm soát bệnh đái tháo đường có thể giúp giảm bớt các vấn đề về thị lực này.
- Với những trường hợp quáng gà do di truyền, lựa chọn duy nhất là cố gắng hạn chế ảnh hưởng của bệnh quáng gà hoặc các triệu chứng khác. Những trường hợp này có thể sẽ được xem xét các lựa chọn thay thế khác, như sử dụng thiết bị hỗ trợ nhìn đêm (kính bảo hộ hoặc kính đeo mắt) nhằm khuếch đại ánh sáng sẵn có, giúp dễ nhìn hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Những thiết bị này có thể hữu ích cho những người làm việc trong môi trường ánh sáng yếu hoặc tận hưởng các hoạt động ngoài trời vào ban đêm. Tuy nhiên, những thiết bị này khá đắt tiền và khó đeo.
3. Lưu ý khi điều trị
- Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung các loại vitamin cũng cần chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ, bởi việc dùng quá liều có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm.
- Khi có bất thường trong khi điều trị quáng gà, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài ra cần chú ý:
- Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, có thể giúp ngăn ngừa đục thủy tinh thể. Hãy chọn thực phẩm chứa hàm lượng vitamin A cao để giảm nguy cơ quáng gà.
Các thực phẩm có màu cam là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời, bao gồm: Dưa vàng, khoai lang, cà rốt, bí ngô, xoài, rau chân vịt, sữa, trứng,…
- Nếu bị quáng gà, hãy hạn chế lái xe vào ban đêm càng nhiều càng tốt cho đến khi xác định được nguyên nhân gây quáng gà và điều trị nếu có thể. Sắp xếp việc lái xe vào ban ngày hoặc nhờ bạn bè, thành viên gia đình hoặc dịch vụ taxi nếu cần đi đâu đó vào ban đêm.
- Đeo kính râm hoặc đội mũ có vành cũng có thể giúp giảm độ chói khi ở trong môi trường có ánh sáng mạnh, điều này có thể giúp dễ dàng chuyển sang môi trường tối hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đau nhức hốc mắt - coi chừng bệnh nguy hiểm.