Các phản ứng phụ của thuốc

02-10-2010 14:05 | Dược
google news

Phản ứng phụ của thuốc là những tổn thương hoặc những đáp ứng không mong muốn đối với một loại thuốc được dùng với mục đích điều trị.

Phản ứng phụ của thuốc là những tổn thương hoặc những đáp ứng không mong muốn đối với một loại thuốc được dùng với mục đích điều trị. Các phản ứng này không chỉ gây ra các biểu hiện có hại cho người bệnh mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và tiên lượng bệnh.

Phản ứng phụ do thuốc có nhiều dạng khác nhau, phổ biến nhất là các tác dụng phụ liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc, biểu hiện dị ứng thuốc, nhiễm độc và tương tác thuốc. Phản ứng phụ thường xảy ra do dùng thuốc không đúng chỉ định, không đúng liều hoặc không đúng cách nhưng có thể xảy ra ngay cả khi dùng thuốc đúng. Mặc dù hầu hết các phản ứng phụ do thuốc gây ra do các loại thuốc kê đơn như kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm giảm đau..., nhưng cũng có thể gặp do các thuốc bán không cần đơn, thuốc bổ, vitamin và thuốc thảo dược.

Một phản ứng thuốc xảy ra được coi là có hại nếu nó đòi hỏi phải có sự thay đổi trong điều trị (bao gồm cả việc phải ngưng thuốc hoặc giảm liều thuốc), yêu cầu nhập viện hoặc kéo dài thời gian nằm viện. Điều đáng lưu ý là mọi loại thuốc đều không chỉ có một tác dụng và đều có nguy cơ gây ra các phản ứng phụ, cũng không có loại thuốc nào thực sự an toàn. Một số phản ứng phụ do thuốc có thể phòng tránh được, trong khi một số loại khác thì không thể. Những phản ứng phụ có thể phòng tránh thường là những phản ứng gây ra do các sai lầm trong việc sử dụng thuốc, từ việc ra y lệnh đến phân phối và thực hiện dùng thuốc. Những tác dụng dược lý thứ phát có thể dự đoán trước của thuốc thường không thể phòng tránh được. Ví dụ, các thuốc kháng histamin thế hệ cũ dùng trong điều trị các bệnh dị ứng thường gây biểu hiện ngầy ngật, buồn ngủ, khô mắt khô miệng, những tác dụng phụ này hoàn toàn có thể dự báo trước nhưng không thể phòng tránh được. Một loại thuốc dù được biết trước có thể gây ra các tác dụng phụ nhưng vẫn có thể được sử dụng nếu người thầy thuốc thấy lợi ích của thuốc là lớn hơn so với nguy cơ. Dạng tác dụng phụ này thường được ghi nhận không đầy đủ do chúng thường nhẹ và các thầy thuốc đã biết trước sự xuất hiện của chúng.

 Dùng thuốc đúng chỉ định để giảm phản ứng phụ do thuốc.

Nguy cơ xảy ra các phản ứng phụ của thuốc tăng song song với số lượng thuốc mà người bệnh sử dụng. Những người lớn tuổi thường có nguy cơ cao phải chịu các phản ứng phụ của thuốc do đây là nhóm đối tượng thường mắc cùng lúc nhiều bệnh nên phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc và khả năng chuyển hóa và đào thải thuốc bị giảm sút do suy giảm chức năng gan thận. Các nhóm thuốc thường gây ra các phản ứng phụ ở người lớn tuổi là nhóm benzodiazepine tác dụng kéo dài, các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu thiazide, các thuốc chống lao, thuốc chống ung thư và thuốc chữa loạn nhịp tim.

Các phản ứng dị ứng chiếm khoảng 10% tổng số các phản ứng phụ do thuốc, đây là những phản ứng gây ra theo cơ chế miễn dịch, do thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra các kháng thể dị ứng IgE, nguyên nhân thường gặp nhất là do các thuốc kháng sinh. Phản ứng dị ứng do thuốc thường chỉ xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với thuốc từ lần thứ 2 trở đi và càng những lần tiếp xúc sau thì mức độ dị ứng càng nặng. Biểu hiện dị ứng có thể từ mức độ nhẹ như nổi mày đay, sẩn ngứa đến mức độ nguy hiểm, đe dọa tính mạng như sốc phản vệ, hội chứng Lyell...

Các phản ứng phụ không liên quan đến cơ chế miễn dịch bao gồm biểu hiện không dung nạp thuốc, nhiễm độc thuốc, tương tác thuốc, tác dụng thứ phát và phản ứng đặc ứng do thuốc. Biểu hiện không dung nạp gây ra do sự quá nhạy cảm của cơ thể với các tác dụng dược lý thông thường của thuốc, xảy ra ngay cả khi đã giảm liều thuốc. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra các hậu quả thứ phát cho người bệnh, ví dụ như các loại glucocorticoid gây suy giảm khả năng miễn dịch khiến người bệnh dễ mắc các loại nhiễm trùng như lao, virut herpes... Đôi khi, tác dụng thứ phát lại đem đến lợi ích cho người bệnh, ví dụ như paracetamol được dùng với mục đích hạ sốt nhưng lại có thêm tác dụng giảm đau. Phản ứng nhiễm độc hoặc quá liều xảy ra khi người bệnh sử dụng liều thuốc quá cao so với khả năng đào thải và chuyển hóa thuốc của cơ thể. Người lớn tuổi thường có nguy cơ cao bị các phản ứng nhiễm độc. Tương tác thuốc xảy ra khi có sự tương tác giữa 2 hoặc nhiều loại thuốc được sử dụng đồng thời dẫn đến thay đổi hiệu quả điều trị hoặc độc tính của một hoặc nhiều loại thuốc. Lưu ý là các loại thuốc bổ và thực phẩm cũng có thể tương tác với thuốc. Cuối cùng là các phản ứng đặc ứng do thuốc, đây là những phản ứng tương đối hiếm gặp, xảy ra do những bất thường mang tính di truyền trong khả năng chuyển hóa thuốc của cơ thể. Ví dụ, do những biến đổi về di truyền, một số bệnh nhân có thể chuyển hóa một vài loại thuốc quá nhanh hoặc quá chậm, làm tăng nguy cơ nhiễm độc hoặc gây thất bại điều trị.

Các phản ứng phụ do thuốc, tùy từng dạng khác nhau, có thể nhẹ, thoáng qua và khó phát hiện nhưng cũng có thể rất nặng nề, đe dọa tính mạng hoặc gây tàn phế cho người bệnh, có thể biểu hiện tại chỗ hoặc toàn thân. Năm hệ cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các tác dụng phụ của thuốc là hệ da niêm mạc, hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch và các giác quan.

BS. Nguyễn Hữu Trường
(Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai)

Ý kiến của bạn