Hà Nội

Các phản ứng da với ánh sáng do thuốc

06-10-2017 08:23 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Có một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ hấp thu của ánh sáng qua da, làm tăng nguy cơ sạm da, rám da, nổi mẩn da hoặc những rối loạn về da.

Có một số loại thuốc thông dụng có thể làm tăng cường độ hấp thu của ánh sáng qua da, làm tăng nguy cơ sạm da, rám da, nổi mẩn da hoặc những rối loạn về da. Nghĩa là thuốc sẽ gây tác dụng phụ lên da khi người sử dụng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Hiện tượng này được gọi là phản ứng nhạy cảm da với ánh sáng.

Phản ứng nhạy cảm da với ánh sáng do thuốc

Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng do thuốc là hiện tượng sau khi dùng thuốc gặp tác dụng phụ lên da khi người sử dụng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Chỉ sau vài ngày sử dụng thuốc, những triệu chứng sạm da, đỏ da, vết chàm sẽ xuất hiện rõ ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Những triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng có thể tồn tại tới 20 năm kể từ ngày ngưng sử dụng thuốc trên một số bệnh nhân. Việc phát hiện và ngừng sử dụng những thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng là vô cùng quan trọng trong điều trị các rối loạn da. Không phải bất cứ ai cũng bị phản ứng khi sử dụng những loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng. Có người có thể xuất hiện một lần rồi thôi. Tuy nhiên cũng có trường hợp phản ứng cứ tái đi tái lại. Bệnh nhân nhiễm HIV là nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi những dược phẩm gây nhạy cảm với ánh sáng nhiều nhất.

Có hai phản ứng chủ yếu: Phản ứng ngộ độc ánh sáng và phản ứng dị ứng ánh sáng.

Sự nhạy cảm ánh sáng có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Phản ứng ngộ độc ánh sáng

Tia cực tím (UV) hoạt hóa các thuốc nhạy cảm với ánh sáng làm tỏa ra năng lượng gây tổn thương các mô da lân cận, kết quả làm nặng nề thêm tình trạng cháy nắng với biểu hiện bong tróc da. Các yếu tố ảnh hưởng đến cường độ và mức độ của ngộ độc ánh sáng do thuốc bao gồm:  nồng độ, sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc trong cơ thể. Liều cao của những thuốc thân dầu (như amiodarone) được ghi nhận gây ra các phản  ứng nhạy cảm với tần suất cao hơn; “cường độ” của ánh sáng mặt trời (cường độ và vùng quang phổ của ánh sáng mặt trời) càng tăng thì mức độ tổn thương càng trầm trọng.

Ngộ độc ánh sáng được đặc trưng bởi sự nổi ban đỏ nhanh chóng, đau, ngứa hay cảm giác nóng rát ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, triệu chứng đỉnh điểm sau 12-24 giờ tiếp xúc. Dấu hiệu của phản ứng này là sự xuất hiện vết cháy nắng tại vùng da tiếp xúc mạnh nhất với ánh sáng mặt trời. Những phản ứng này không liên quan đến hệ miễn dịch, vì vậy, sự phơi nhiễm trước đó hay sự nhạy cảm đặc biệt với một thuốc không là điều kiện cần thiết để phản ứng xảy ra.

Phản ứng dị ứng ánh sáng

Dị ứng ánh sáng do thuốc không phổ biến bằng phản ứng ngộ độc ánh sáng và đòi hỏi thời gian dùng thuốc kéo dài hoặc đã sử dụng các thuốc nhạy cảm ánh sáng trước đó. Theo như tên gọi, loại phản ứng này xảy ra qua cơ chế miễn dịch qua trung gian tế bào. Tia cực tím (UV) phản ứng với thuốc tạo ra một bán kháng nguyên sau đó kết hợp với một kháng nguyên gây ra đáp ứng miễn dịch với biểu hiện là các phản ứng dị ứng trên da. Phản ứng này đòi hỏi giai đoạn tiếp xúc với thuốc để hình thành trí nhớ miễn dịch kể từ lần đầu sử dụng thuốc. Lần sử dụng thuốc kế tiếp có thể gây nên những phản ứng nhanh hơn rất nhiều. Phản ứng dị ứng ánh sáng không phụ thuộc vào liều lượng.

Phản ứng dị ứng ánh sáng được đặc trưng bởi sự nổi mề đay được biết như “phát ban do mặt trời” với triệu chứng eczema như viêm da và ban đỏ. Vùng da tiếp xúc với ánh sáng là vùng có phản ứng dị ứng mạnh hơn. Những vết ban này thường biến mất một cách tự nhiên sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Một số loại thuốc gây phản ứng nhạy cảm với ánh sáng: kháng sinh (doxycycline, tetracycline, ciprofloxacin…); kháng histamine (promethazine, diphenhydramine); thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NAIDs: (ibuprofen, ketoprofen, naproxen…); thuốc lợi tiểu (furosemide, hydrolorothiazide); thuốc trị tăng huyết áp (captopril); thuốc tránh thai (estradiol, progesterin); thuốc trị bệnh tiểu đường týp 2 (glipizide, glyburide); thuốc trị lo âu (chlorpromazine, fluphenazine, perazine,…); thuốc kháng nấm (griseofulvin); các loại thuốc nhóm sulfonamides...

Làm thế nào phòng ngừa nhạy cảm ánh sáng do thuốc?

Đối với những bệnh nhân dành phần lớn thời gian trong ngày ngoài trời nên sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế bằng thuốc khác. Nếu buộc phải dùng thuốc đó với liệu trình ngắn có thể đòi hỏi những giới hạn tạm thời trong sinh hoạt, trong khi liệu pháp kéo dài có thể bắt buộc những thay đổi trong lối sống. Thầy thuốc nên hỏi về thói quen hàng ngày của bệnh nhân để từ đó cân nhắc liệu pháp điều trị thay thế phù hợp với bệnh nhân nếu cần.

Nên uống thuốc ban đêm (nếu có thể), cho phép tối đa thuốc hấp thu và phân bố vào ban đêm, vì thế giảm thiểu tối đa sự phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.

Tư vấn cho bệnh nhân và người thân của bệnh nhân về sự nhạy cảm ánh sáng có thể xảy ra đối với một số thuốc kê đơn hay không kê đơn. Đồng thời đưa ra các giải pháp để giảm tối thiểu nguy cơ của những phản ứng này, chẳng hạn: tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh mặt trời như tắm nắng. Đặc biệt, tránh ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khi bầu khí quyển chỉ hấp thu được ít các tia UV gây hại từ mặt trời; Mặc áo chống nắng khi ra ngoài trời. Nếu có thể, mặc áo với cổ cao và ống tay dài, quần dài hay váy dài, mang tất, giày, mũ vành rộng và kính râm; Sử dụng kem chống tia UV-A và UV-B với chỉ số SPF ít nhất là 15.

Giải thích cho bệnh nhân ý nghĩa của các nhãn mác, kí hiệu trên lọ và hộp thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân và/hoặc người thân của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ nhãn thuốc và những cảnh báo này. Điều này đặc biệt quan trọng khi cha mẹ là người cho con uống thuốc hay sử dụng thuốc ở người già.

Tư vấn cho bệnh nhân những việc cần làm khi các phản ứng nhẹ xảy ra. Khuyến cáo các biện pháp khắc phục tại chỗ như chườm mát, dùng thuốc trị ngứa và sử dụng thuốc corticosteroid. Đối với những phản ứng nặng hơn, cần yêu cầu bệnh nhân đến bác sĩ để được thăm khám.


Phạm Ngọc Anh Quý - TS.DS. Võ Thị Hà
Ý kiến của bạn